Theo Kknews.cc, vào năm 2016, do ảnh hưởng của bão Haima, thành phố Hà Nguyên, Quảng Đông, Trung Quốc có xảy ra mưa lớn trong nhiều ngày. Điều này đã khiến lưu lượng nước ở đoạn sông Lợi Giang dâng cao và đổ về cuồn cuộn, kéo theo nhiều rác thải chảy về đoạn sông của làng Thổ Li thuộc thị trấn Bành Trại.
Sau khi bão tan, một người dân trong làng tên là Lưu Minh Khâm đã vô tình phát hiện một khúc gỗ đen khá lớn ở gần bờ sông. Vì tò mò, người này lại gần để kiểm tra thì phát hiện cây gỗ dù bị ngâm trong nước lũ lâu ngày nhưng không “bốc mùi” mà lại tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng.
Việc khúc gỗ lạ, đen sì xuất hiện đã thu hút nhiều người dân kéo đến xem và bàn tán. Có người còn có ý định kéo khúc gỗ này về làm của riêng khiến khung cảnh bên bờ sông trở nên náo loạn. Nghi ngờ khúc gỗ này là gỗ quý, anh Lưu lập tức báo cảnh sát và chính quyền Trung Quốc, đồng thời liên hệ thêm cơ quan báo chí tại địa phương để thông tin sự việc.
Ngay sau đó, cảnh sát Trung Quốc nhanh chóng phong tỏa hiện trường. Phóng viên cũng có mặt và ghi lại những hình ảnh về khối gỗ này đặc biệt này. Sau khi kiểm tra, phía cảnh sát cho biết tổng chiều dài của khúc gỗ là 3,5m, đường kính khoảng 70cm.
Khi đã thu thập đủ thông tin, phía phóng viên cũng đã nhanh chóng liên hệ với Giám đốc Bảo tàng Hà Nguyên là Đỗ Diễn Lễ để xác minh khúc gỗ.
Chuyên gia này lập tức đến hiện trường để thẩm định và xác nhận khúc gỗ này là gỗ âm trầm khoảng 4000 năm tuổi. Ông cũng cho biết gỗ âm trầm là một loại gỗ bị cacbon hóa, cực kỳ quý hiếm nên còn được mệnh danh là “Đông Phương thần mộc”.
Loại gỗ này được hình thành từ những cây cổ thụ cách đây hàng nghìn năm thậm chí hàng vạn năm. Có thể do động đất, lũ lụt hay những tác nhân khác khiến chúng bị chôn vùi xuống những nơi bùn trũng như lòng sông. Sau thời gian dài ngâm mình trong nước, trong điều kiện thiếu oxy, chịu áp suất cao, và dưới tác động của vi khuẩn và các vi sinh vật, kết cấu gỗ đã thay đổi.
Về đặc điểm màu sắc, gỗ âm trầm có nhiều màu khác nhau như nâu, xám, đen, xanh đen, tím… Sau 1 thời gian dài, gỗ âm trầm bị cacbon hóa và trở thành màu sẫm đen như than. Cùng sự xâm nhập của các loại khoáng chất khác và sự ngâm mình trong nước cả vạn năm nên gỗ âm trầm được coi là tinh hoa của trời đất.
Vào triều đại nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc, gỗ âm trầm đã trở thành loại gỗ quý chuyên được dùng cho tất cả các cung điện hoàng gia và được dùng làm quan tài cho vua chúa. Có thể nói, gỗ âm trầm là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là nguồn tài nguyên quý hiếm không tái tạo, có giá trị văn hóa phi vật thể cực kỳ cao.
Giám đốc Đỗ Diễn Lễ cũng cho biết, gỗ âm trầm rất quý giá. Tuổi gỗ càng cao thì giá trị càng lớn. Với những khối gỗ hơn 1000 năm tuổi, ước tính có giá trị lên tới hàng trăm triệu NDT (tương đương hàng trăm tỷ đồng). Bên cạnh giá trị về kinh tế, loại gỗ này cũng có giá trị nghiên cứu cao. Việc phát hiện khúc gỗ âm trầm nghìn năm tuổi này có giá trị nghiên cứu khảo cổ nhất định về những thay đổi của lòng sông và môi trường sống ở địa phương.
Theo Kknews.cc, khúc gỗ này hiện vẫn được dân làng Thổ Li lưu giữ và bảo tồn.