Để bảo vệ căn cứ Đà Nẵng trước nguy cơ bị máy bay của ta tấn công, Mỹ đã đưa tới đây hệ thống tên lửa phòng không tầm trung hiện đại nhất của họ vào thời điểm đó là MIM-23 Hawk .
Hệ thống tên lửa đất đối không MIM-23 Hawk bắt đầu phục vụ trong quân đội Mỹ từ tháng 8/1960, đây là sản phẩm do công ty Raytheon thiết kế, khoảng 40.000 quả tên lửa đã được chế tạo trong suốt thế kỷ 20.
Mỗi khẩu đội MIM-23 Hawk có tổng cộng 6 bệ phóng tên lửa với 18 quả đạn (mỗi bệ lắp 3 đạn) sẵn sàng phóng. Tất cả đều được đặt trên xe rơ mooc, tuy nhiên việc thu hồi và triển khai khá nhanh vì các thành phần đều nhỏ gọn.
Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 2 - 25 km, độ cao bay tối đa 11.000 m, tốc độ hành trình Mach 2,4, đạn đánh chặn được lắp đầu tự dẫn radar bán chủ động, đây là công nghệ rất hiện đại vào thời điểm đó.
So sánh với các tổ hợp SA-2 Dvina trong trang bị lực lượng phòng không Việt Nam thì MIM-23 Hawk có tầm bắn cũng như uy lực đầu đạn kém hơn, bù lại thì nó rất cơ động và công nghệ áp dụng tốt hơn.
Trong suốt quá trình triển khai tại Việt Nam, không có cơ hội nào cho tên lửa đất đối không MIM-23 Hawk của Mỹ được thực chiến, chúng đã rút về nước theo các đoàn quân viễn chinh Mỹ.
Ngoài tên lửa MIM-23 Hawk, trong giai đoạn 1965 - 1972, Mỹ còn đưa pháo phòng không tự hành M42 Duster sang tham chiến tại Việt Nam với dự định đối phó tiêm kích MiG của ta.
Hệ thống pháo phòng không tự hành M42 Duster được chế tạo dựa trên khung gầm xe tăng hạng nhẹ M41, chính thức sản xuất từ năm 1952 đến năm 1960 và phục vụ trong biên chế lục quân Mỹ cho tới năm 1988.
M42 Duster được trang bị khẩu pháo nòng đôi Bofors M2A1 cỡ 40 mm, tốc độ bắn 120 phát/phút/nòng với cơ số 336 viên đạn. Vũ khí phụ gồm súng máy M1919A4 cỡ 7,62 mm hoặc loại M60 cùng cỡ.
Thực tế chiến trường cho thấy M42 Duster chủ yếu đảm nhiệm vai trò hạ nòng bắn yểm trợ hỏa lực cho bộ binh, nhiều hệ thống này đã được để lại cho lực lượng Việt Nam cộng hòa sử dụng và bị ta thu hồi làm chiến lợi phẩm sau năm 1975.
Cuối cùng là hệ thống pháo phòng không tự hành M163 VADS do Mỹ chế tạo từ những năm 1960, chính thức phục vụ quân đội nước này trong giai đoạn 1968 - 1994.
Tổ hợp M163 VADS sử dụng khung gầm xe thiết giáp chở quân M113, trên nóc xe lắp đặt 1 pháo tự động nòng xoay M168 Vulcan Gatling cỡ 20 mm với cơ số 1.100 viên đạn.
Pháo M168 có thể bắn từng loạt 10, 30, 60, 100 viên hoặc tự động hoàn toàn với tốc độ 3.000 phát/phút; tầm bắn hiệu quả đạt 1,5 - 2 km, tối đa 5 km.
M163 VADS được trang bị radar điều khiển hỏa lực tầm ngắn AN/VPS-2 cùng kính ngắm quang học M61 cho phép tác chiến vào ban đêm, nó có nhược điểm là pháo thủ phải ngồi trong tháp pháo hở dẫn đến nguy cơ thương vong cao.
Vai trò của pháo phòng không tự hành M163 VADS cũng tương tự M42 Duster đó là chủ yếu được sử dụng như phương tiện yểm trợ hỏa lực, nó cũng theo chân tên lửa MIM-23 Hawk về nước cùng với quân Mỹ.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nhung-vu-khi-khung-tung-duoc-my-mang-sang-viet-nam-roi-ngoi-choi-xoi-nuoc/808494.antd#p-6