"Anh nhà ở đâu thế?": Chuyện truy tìm tông tích của một người Mỹ và lời khuyên cho người bạn Việt Nam

Tiến sĩ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thúy |

Khi bạn hỏi một người nước ngoài từ đâu đến và được trả lời họ là người Mỹ thì không nên hỏi thêm. Nếu có ý định hỏi tiếp thì hãy chuẩn bị nghe một bài giải thích về cây phả hệ.

Cứ mỗi khi bắt chuyện với một người Việt Nam tôi lại gặp câu hỏi: Ông là người ở đâu đến, và tôi luôn trả lời tôi là người Mỹ. Cùng câu hỏi đó khi hỏi một người Việt Nam, bạn sẽ biết được chính xác họ quê ở tỉnh, thành phố, huyện, xã, làng nào.

Tôi cho rằng sự khác biệt trong cách trả lời chính là ý nghĩa về "gốc gác và gia đình".

Thế là tôi chợt nghĩ, sao mình không thử áp dụng như vậy cho trường hợp một anh chàng Mỹ là chính mình xem sao nhỉ? Thử đặt lại câu hỏi cụ thể là anh quê ở đâu, chứ không phải là anh đang hay đã từng sống ở đâu tại nước Mỹ. Có một điều rất may mắn là ở Mỹ, người ta có thể tiếp cận được lịch sử gia đình ít nhất đến 7 đời về trước qua các nguồn thông tin từ gia đình, chính phủ, các kho dữ liệu đã được số hoá của các công ty cung cấp dịch vụ tư nhân dựa trên kết quả xét nghiệm DNA của người tìm kiếm.

Tôi đã thử đăng ký dịch vụ này và kết quả thu về thật thú vị, tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng, câu chuyện của tôi cũng không có gì quá đặc biệt so với nhiều người Mỹ khác đâu.

Những gia đình đầu tiên đến Mỹ

Tất cả họ hàng của tôi đều là người nhập cư. Những gia đình họ hàng bên nội của tôi đến Mỹ vào những năm 1880 từ Vương quốc Phổ thuộc Đế chế Đức. Họ là những người lao động nghèo, rời bỏ quê hương ra đi để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những người tha hương của dòng họ đã đến Mỹ và định cư tại Wisconsin, nơi tập trung nhiều người Đức sinh sống lúc bấy giờ. Sau đó khoảng 20 gia đình từ các nhánh khác cùng dòng họ đã lần lượt rời Đức sang đây.

Họ hàng bên ngoại của mẹ tôi bao gồm một nhánh di cư từ Scotland, một nhánh khác từ Anh và một nhánh thứ ba từ Bỉ. Người Scotland đã di cư đến Kentucky vào cuối những năm 1700. Họ cũng là những người lao động nghèo, tháo chạy khỏi cảnh sống bần hàn ở Scotland để tìm đến một miền đất có nhiều cơ hội mưu sinh hơn. Cuối cùng, điểm dừng chân của họ là bang Ohio và Washington.

Nhiều gia đình thuộc nhánh họ hàng ở Anh của dòng họ thì lại rất giàu có. Vào những năm 1600, họ đã di cư đến Mỹ để thành lập các thuộc địa ở New England, bao gồm Rhode Island, New York và Virginia. Họ chủ yếu muốn mua đất giá rẻ từ những người Mỹ bản địa cả tin. Đáng buồn thay, sự giàu có và tước hiệu của họ là những điều vĩnh viễn xa vời với những người họ hàng nghèo hơn thuộc nhánh có gia đình tôi, bao gồm cả bản thân tôi.

"Anh nhà ở đâu thế?: Chuyện truy tìm tông tích của một người Mỹ và lời khuyên cho người bạn Việt Nam - Ảnh 1.

Vào những năm 1880, khoảng 4.000 người Bỉ đã di cư tới Mỹ. Minh họa: Bức "Landverhuizers" (Người di cư) của danh họa người Bỉ Eugène Laermans

Vào những năm 1880, khoảng 4.000 người Bỉ đã đến Wisconsin để chạy trốn khỏi cuộc sống nghèo khổ. Họ di cư một cách tổ chức và thậm chí còn đặt tên cho cuộc phiêu lưu của mình là "Cơn sốt Mỹ". Một số người trong số này đã đến tiểu bang Washington, mảnh đất chôn rau cắt rốn của tôi

Để trả lời chính xác và đầy đủ cho câu hỏi quê quán của tôi ở đâu thì tôi phải nhắc đủ Scotland, Anh, Đức và Bỉ - nhưng nói như vậy thì hẳn sẽ khiến người nghe thấy chóng mặt.

Những nhánh họ hàng rất xa

Tôi đã làm xét nghiệm DNA và sau đó lục tung lịch sử gia đình, dòng họ để tìm hiểu thêm về các nhánh trong cây phả hệ và nguồn gốc của gia đình mình.

Gốc Đức: Gia đình tôi không chỉ là gốc Đức. Vào những năm 1700, nhiều người từ Ba Lan, Nga và các quốc gia vùng Baltic - Latvia, Litva và Estonia - đã di cư đến Phổ, vì nhiều lý do khác nhau.

Gốc Anh: Những người thuộc nhánh họ hàng ở Anh của tôi vốn dĩ là gốc Đức và Đan Mạch. Họ đến Anh vào năm 449 sau Công nguyên. Nguồn gốc của họ vốn là một bộ tộc được gọi là người Anglo-Saxon. Vào năm 860 sau Công nguyên, một nhánh họ hàng khác từ Đan Mạch và Thụy Điển - người Viking - bắt đầu kéo quân đến Anh và đánh bại người Anglo-Saxon. Bảo sao kết quả xét nghiệm DNA của tôi cho thấy tôi có cả dòng máu của người Đan Mạch và Thụy Điển.

Tôi cũng có cả dòng máu Hà Lan, có thể là vì lúc đó đã diễn ra sự giao thoa của người Hà Lan với người Bỉ, cũng như của người Ireland và người xứ Wales với người Anh.

Hồ sơ DNA của tôi

Cụ thể là khi dịch Covid-19 hoành hành, tôi bị kẹt lại Mỹ và để giết thời gian, tôi đã sử dụng dịch vụ của trang Ancestry.com. Công ty này vận hành một mạng lưới các trang web phả hệ, ghi chép lịch sử và phả hệ di truyền. Họ đã so sánh phân tích máu của tôi với DNA trội của các quần thể trên khắp châu Âu và châu Mỹ. 

Kết quả cho thấy, trong dòng máu của tôi có 25% là người Anh, xứ Wales, 19% là người Thụy Điển, Đan Mạch, 19% là người Đức, 14% là người Scotland, 11% là người Ireland, 10% là người Đông Âu, Ba Lan, Nga, và 2% là người các quốc gia vùng Baltic.

"Anh nhà ở đâu thế?: Chuyện truy tìm tông tích của một người Mỹ và lời khuyên cho người bạn Việt Nam - Ảnh 2.

 

Vì vậy, nếu được hỏi tôi là người từ đâu đến, tôi sẽ trả lời là tôi là người từ Anh, xứ Wales, Đức, Scotland, Ireland, Đông Âu, Ba Lan, Nga và các nước vùng Baltic - Estonia, Litva và Latvia. Hay gọi tắt là Châu Âu.

Bạn sẽ không tin nổi điều này đâu. Ancestry.com lưu trữ DNA của một người và cho phép bạn tìm kiếm những người họ hàng cùng huyết thống bằng cách sử dụng DNA của họ nếu được họ cho phép. Có một vụ án có thực rất đáng sợ là FBI đã xác định và bắt giữ một kẻ giết người hàng loạt khi DNA của hắn trùng khớp với DNA để lại trên người nạn nhân.

Khả năng tiếp cận hồ sơ phả hệ

Tôi may mắn vì hồ sơ lịch sử gia đình của nhiều thành viên thuộc dòng họ đã có sẵn trực tuyến, có lẽ đó là lợi thế duy nhất của việc có gốc gác châu Âu.

Tôi đã lần theo cây phả hệ của dòng họ ngược về trước 700 năm từ đầu những năm 1400. Tôi đã xác định được các bậc tiền nhân từ ông bà, cụ kỵ 17 đời.

"Anh nhà ở đâu thế?": Chuyện truy tìm tông tích của một người Mỹ và lời khuyên cho người bạn Việt Nam - Ảnh 1.

Danh sách hành khách trên chuyến tàu hai mẹ con về Ohio, lúc đó tác giả là cậu bé 3 tuổi Terry F Buss.

Sao có thể làm được điều này? Tôi đã tạo một cây phả hệ gồm các đời họ hàng đã di cư đến Mỹ, bao gồm họ tên, ngày sinh, ngày kết hôn và ngày mất, cũng như cha mẹ và con cái. Có nhiều thông tin tôi tìm được từ cuốn Kinh thánh gia đình, nhiều gia đình Mỹ sử dụng Kinh thánh để lưu giữ lịch sử gia đình.

Cây phả hệ hiển thị 4 ông bà, 8 cụ kỵ và 16 cụ tổ.

Bước tiếp theo là xác định các gia đình khác cùng họ có sự trùng lặp với cây phả hệ của tôi. Sau đó, tôi liên kết cây phả hệ của mình với cây phả hệ của họ. Cuối cùng, tôi đã liên kết với hàng chục cây phả hệ khác cho đến khi cạn dữ liệu là khi chạm đến những năm 1400. Tôi đã xác định được 2,941 người họ hàng! Xin nhắc lại là toàn bộ việc truy tìm thông tin này đều được thực hiện trực tuyến.

"Anh nhà ở đâu thế?: Chuyện truy tìm tông tích của một người Mỹ và lời khuyên cho người bạn Việt Nam - Ảnh 4.

 

Việc xây dựng cây phả hệ của tôi rất khó khăn. Những người nghèo bao giờ cũng để lại rất ít vết tích về sự tồn tại của họ. Tôi đã tìm thấy dữ liệu Điều tra dân số Hoa Kỳ, Danh sách Hành khách đi tàu hoả, giấy khai sinh và giấy chứng tử, hồ sơ kết hôn và hồ sơ quân sự của những người họ hàng kể từ khi họ đến Mỹ định cư. Tuy nhiên, kho dữ liệu châu Âu thì rất sơ sài. Chỉ những trường hợp là người ở Anh có sở hữu tài sản và là người đi nhà thờ hoặc thuộc hoàng gia thì thông tin sẵn có.

Họ của tôi cũng gặp nhiều thách thức. Người Đức viết họ của chúng tôi là Büße, Buess hoặc Buesse. Từ này trong tiếng Đức có nghĩa là "sám hối" hoặc "chuộc tội". Khi những gia đình họ hàng của tôi di cư đến Mỹ, các nhân viên Di trú không nói được tiếng Đức, vì vậy họ chỉ viết lên hồ sơ giấy tờ là Buse. Các viên chức khác đã tùy ý đổi tên thành Bus. Sau khi họ hàng của tôi định cư tại Mỹ, họ đã đổi họ của mình thành Buss để nghe có vẻ giống người Mỹ hơn. Tôi đoán là họ của tôi có ba hay bốn cách viết khác nhau. Giờ sống ở Việt Nam rồi tôi đang nghĩ nên chăng đổi sang họ Đào của vợ tôi để khỏi khiến người khác rối trí.

Trường hợp bất thường nhất trong cây phả hệ

Nhiều người làm việc tại cơ sở dữ liệu trực tuyến chia sẻ các câu chuyện - thường là các bài tường thuật trên báo và nhật ký - về tổ tiên của họ. Giống như nhiều người Mỹ khác, tôi có thể tìm được thông tin về những người lính đã chiến đấu trong mọi cuộc xung đột của người Mỹ kể từ cuộc chiến tranh với người da đỏ vào những năm 1600 tại các thuộc địa.

Tôi đã tìm thấy hai người họ hàng đặc biệt. Người thứ nhất là một phụ nữ bị treo cổ vì tội làm phù thủy trong "Làn sóng săn phù thủy ở Hartford, Connecticut năm 1662". Cùng bị trừng phạt một đợt với bà là 11 gười khác. Người thứ hai là Công tước xứ Buckingham, người đã bị xử tử vì tội phản quốc trong vụ hành quyết nổi tiếng năm 1521 tại Tháp London. Ông là người đã đấu tranh đòi lại ngôi vị cho phe nhà York từ Vua Henry VIII của nhà Tudor. Tuy nhiên, tôi nghĩ có lẽ mình không nên đi sâu quá vào chuyện này.

Lời khuyên

Lời khuyên cho những người bạn Việt Nam: Lần tới khi bạn hỏi một người nước ngoài rằng họ là người từ đâu đến và nhận được câu trả lời họ là người Mỹ thì không nên hỏi thêm. Còn nếu có ý định hỏi tiếp thì cứ chuẩn bị tinh thần ngồi xuống nghe một bài giải thích dài dòng về cây phả hệ. Rồi kiểu gì bạn cũng sẽ hoa mắt chóng mặt.

"Anh nhà ở đâu thế?: Chuyện truy tìm tông tích của một người Mỹ và lời khuyên cho người bạn Việt Nam - Ảnh 5.

 

Lời khuyên cho những người bạn Mỹ: Nếu bạn muốn chia sẻ lịch sử gia đình mình với người bạn gặp, hãy hỏi lại họ "Bạn nghĩ tôi đến từ đâu?" Sau đó, hãy chuẩn bị tinh thần là khi bạn còn đang nói dở thì người kia đã "bỏ chạy mất dép". Hoặc cứ giắt sẵn bên mình vài bản sơ đồ phả hệ in sẵn để trong trường hợp có người thích hỏi kỹ thì tặng luôn họ một bản để họ tự nghiên cứu cho tiết kiệm thời gian. 

Hoặc, nếu bạn không muốn mất tiền trả phí truy cập vào kho dữ liệu trực tuyến thì thôi cứ bịa ra một câu chuyện cho thật ngầu, kiểu như bạn là họ hàng nhiều đời của Vua Hawaii -Kamehameha hay một người pha chế ở Jan Juan, Puerto Rico. Ai mà biết được, có nhiều khi đó lại là sự thật. Chỉ là bạn chưa bỏ công tìm kiếm mà thôi!

Kết luận

Điều quan trọng nhất rút ra từ cuộc hành trình truy tìm tổ tông của tôi là suốt chiều dài lịch sử của mình, người châu Âu đã rong ruổi khắp các châu lục để "gieo giống". Họ cũng để lại dấu vết DNA ở Mỹ, khiến một nhóm dân số vẫn đang loay hoay đi tìm nguồn cội.

Mà nếu bạn tiếp tục lần dò về gốc rễ của cây phả hệ thì biết đâu sẽ đến một ngày bạn phát hiện ra rằng mình có họ với cả loài người. Mà thế thì quả là đáng sợ vô cùng!

"Anh nhà ở đâu thế?": Chuyện truy tìm tông tích của một người Mỹ và lời khuyên cho người bạn Việt Nam - Ảnh 2.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại