Trả lời về giả thuyết các cột viễn thông 5G có thể đóng vai trò trong việc truyền bệnh hay không, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove nói: "Đó là điều vớ vẩn, vớ vẩn một cách nguy hiểm."
Cuộc tấn công đốt phá nhằm vào tháp viễn thông tại Birmingham, thuộc sở hữu của hãng viễn thông lớn nhất nước Anh BT, đã gây thiệt hại đáng kể. Tháp này cung cấp dịch vụ 2G, 3G và 4G cho hàng nghìn người, nhưng chưa cung cấp sóng 5G.
Bộ trưởng Văn hóa Anh Oliver Dowden đã triệu tập cuộc họp với các nhà mạng và mạng xã hội nhằm ngăn chặn thuyết âm mưu vô căn cứ về sự liên quan giữa mạng 5G và COVID-19.
Phát ngôn viên Vodafone nói rằng hồi tuần trước, ít nhất bốn tháp phát sóng 5G đã bị đốt phá ở Birmingham, Liverpool và Melling (vùng Merseyside) của công ty cùng đối tác O2. Các vụ phá hoại được cho là liên quan đến tin giả về COVID-19.
Stephen Powis, giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), khẳng định thuyết âm mưu cho rằng tháp phát song 5G có thể phát tán virus corona mới (SARS-Cov-2) gây dịch COVID-19 là tin tức giả mạo, không có cơ sở khoa học."
"Câu chuyện 5G hoàn toàn vô nghĩa, nó là loại tin tức giả mạo tồi tệ nhất," ông Powis nói. "Thực tế, các mạng điện thoại di động là cực kỳ quan trọng đối với tất cả chúng ta."
"Đây cũng là những mạng điện thoại được sử dụng bởi các trung tâm khẩn cấp cùng đội ngũ y tế của chúng ta, và tôi hoàn toàn phẫn nộ trước việc mọi người hành động phá hoại chính cơ sở hạ tầng mà chúng ta cần để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe hiện này."
Vodafone, nhà mạng di động lớn thứ hai thế giới, cho biết các cuộc tấn công hiện đã là vấn đề an ninh quốc gia.
Giám đốc điều hành Vodafone của Anh Nick Jeffery nói, "Thật không thể tin được là có những người lại muốn phá hoại phương tiện duy nhất để kết nối những trung tâm khẩn cấp với phần còn lại của đất nước trong giai đoạn phong tỏa này."
Ông Jeffery gọi các kỹ sư viễn thông của mình là những anh hùng, và kêu gọi mọi người đừng lan truyền những câu chuyện hoàn toàn vô căn cứ trên mạng.
Trước đó, một số nhóm kín trên các mạng xã hội Facebook, Twitter và ca Youtube chia sẻ thuyết âm mưu rằng dịch bệnh COVID-19 có thể lây lan qua sóng 5G, bởi căn bệnh có gốc từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - một trong số địa điểm đầu tiên triển khai mạng 5G tại quốc gia châu Á.
Không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào thể hiện có sự liên hệ giữa đại dịch với công nghệ 5G.