Căn cứ vào tuyên bố của Tổ hợp chế tạo hàng không Kazan, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko khẳng định dây chuyền lắp ráp Tu-160M2 đã bắt đầu bước vào giai đoạn hoạt động quy mô lớn.
Trước mắt chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2 vừa sản xuất mới sẽ phải trải qua nhiều bài kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt để điều chỉnh cho những chiếc sản xuất tiếp theo.
Lực lượng không quân chiến lược Nga đã lên kế hoạch trong giai đoạn 2020 - 2021 có thể sẽ tiếp nhận tới 50 chiếc Tu-160M2 để thay thế cho phi đội cũ đã sắp hết hạn sử dụng.
Cần lưu ý là trước đó Nga đã giới thiệu một chiếc Tu-160M2 nhưng đây là máy bay được hoàn thiện dựa trên khung thân tồn dư từ thời Liên Xô chứ không phải sản xuất mới.
Tupolev Tu-160 (tên định danh NATO Blackjack) là loại máy bay ném bom hạng nặng siêu thanh với đôi cánh có thể thay đổi hình dạng được Liên Xô sản xuất vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.
Tu-160 là bản thiết kế máy bay ném bom chiến lược cuối cùng của Liên Xô mục đích để cạnh tranh với B-1 Lancer của Mỹ, đây cũng là máy bay chiến đấu lớn nhất từng được chế tạo.
Thông số kỹ thuật cơ bản của Tu-160: Kíp lái 4 người; chiều dài 54,1 m; sải cánh 35,6 m (cụp ở góc 65 độ), 55,7 m (xòe ở góc 20 độ); chiều cao 13,1 m; trọng lượng rỗng 110.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 275.000 kg, tải trọng vũ khí 40.000 kg.
Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực Samara NK-321 lực đẩy 137,3 kN (lên tới 245 kN khi bật tăng lực) cho tốc độ tối đa Mach 2,05; tầm bay 12.300 km; trần bay 15.000 m.
Lịch sử phát triển của Tu-160 bắt đầu từ năm 1972, khi phòng thiết kế Tupolev đưa ra mẫu máy bay có cánh kéo dài với tên hiệu Aircraft 160M, kết hợp một số yếu tố của Tu-144 để cạnh tranh với các bản thiết kế Myasishchev M-18 và Sukhoi T-4.
Thiết kế của Myasishchev đề xuất một máy bay có thể thay đổi hình dạng cánh được coi là kiểu thành công nhất dù Tupolev được đánh giá cao về khả năng thực hiện dự án.
Cuối cùng, năm 1973 Tupolev được chỉ định phát triển loại máy bay mới dựa trên thiết kế của Myasishchev. Đến năm 1977, thiết kế của Tu-160 chính thức được chấp nhận.
Tu-160 có hệ thống kiểm soát "bay bằng dây" tiên tiến, được trang bị radar tấn công Obzor-K và radar theo dõi mặt đất Sopka riêng biệt, khiến nó có chế độ bay hoàn toàn tự động theo địa hình ở độ cao thấp.
Ngoài ra trên máy bay Tu-160 còn có cả máy ngắm ném bom quang điện tử và các hệ thống phòng thủ điện tử (ECM) tích hợp cả kênh chủ động lẫn thụ động.
Tu-160 được sản xuất hàng loạt tại Tổ hợp hàng không Kazan từ năm 1984, ban đầu nó được dự kiến sản xuất với số lượng 100 chiếc nhưng thực tế mới chỉ có 35 chiếc xuất xưởng gồm cả 3 mẫu thử nghiệm.
Do sự tan rã của Liên Xô nên việc chế tạo diễn ra rất chậm chạp và đã bị ngừng lại vào năm 1994 mặc dù một số chiếc vẫn ở tình trạng chưa hoàn thành, chiếc Tu-160M2 đầu tiên ra đời chính từ một khung vỏ như vậy.
Nâng cấp đáng kể nhất trên Tu-160M2 đó là thay thế động cơ mới có hiệu suất cao hơn, nâng cấp thiết bị điện tử với máy tính có trí thông minh nhân tạo cùng nhiều thiết bị phụ trợ khác, năng lực tác chiến của Tu-160M2 được đánh giá vượt trội nhiều lần phiên bản cũ.