Anh-Mỹ tấn công Houthi, Ukraine suýt vạ lây: Lý do quan trọng về Nga "cứu thua" Kiev ngay phút chót

Nhật Minh |

Ukraine suýt chút nữa đã nhận tin xấu trước thời khắc Anh-Mỹ tiến hành cuộc tập kích quy mô lớn vào các mục tiêu của nhóm Houthi tại Yemen.

Ukraine suýt nhận tin xấu trước giờ Anh-Mỹ tập kích Houthi

Theo tờ Telegraph, Ukraine suýt chút nữa đã không thể nhận "món quà" trị giá tới 2,5 tỷ bảng Anh từ chính phủ London vào ngày 11/1, do Thủ tướng Anh Rishi Sunak đứng trước nguy cơ phải hủy bỏ chuyến thăm tới Kiev để tập trung cho cuộc không kích Houthi.

Nhiều cuộc tranh luận trong Nội các Anh đã diễn ra về việc liệu ông Sunak có nên tới Kiev vào ngày hôm đó hay không, bởi theo lẽ thường, Thủ tướng Anh - người đã ra lệnh tiến hành cuộc không kích - không lý nào lại rời đất nước khi sứ mệnh quan trọng diễn ra.

Telegraph dẫn các nguồn tin cho biết, quyết định điều tiêm kích ném bom các mục tiêu của Houthi đã được Thủ tướng Anh Rishi Sunak đưa ra vào lúc 11 giờ ngày 11/1 (theo giờ Anh).

Trong phòng họp vốn được bảo vệ đặc biệt cho các cuộc thảo luận về an ninh quốc gia, ông Sunak đã "bật đèn xanh" cho chiến dịch tấn công.

Bên cạnh ông còn có các quan chức chính trị, an ninh và quân sự cấp cao nhất trong chính phủ Anh. Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps, Bộ trưởng Ngoại giao David Cameron, Phó Thủ tướng Oliver Dowden, Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Anh Tony Radakin, Cố vấn an ninh quốc gia Tim Barrow đều tham dự cuộc họp.

Cuộc thảo luận diễn ra vào lúc 10 giờ 30 phút sáng 11/1 không phải là lần đầu tiên Anh cân nhắc phương án tấn công quân sự vào Houthi. Khả năng này từng được thảo luận trong một cuộc họp tương tự vào tháng 12/2023, sau khi nhóm phiến quân tại Yemen phát động tấn công vào các tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ.

Liên quân Anh-Mỹ tấn công các mục tiêu Houthi đêm 11/1, rạng sáng 12/1. Nguồn: Daily Mail

Cuộc họp ngày 11/1 tại COBRA (Cabinet Office Briefing Room A - nơi chính phủ Anh họp bàn tình trạng khẩn cấp), với khoảng 15 người tham dự, dự kiến kéo dài 30 phút. Ông Sunak cuối cùng đã đưa ra quyết định.

Một nguồn tin nắm rõ nội dung cuộc họp cho biết, "Ông Sunak nói rằng ông đồng ý với phương án được đề xuất".

Cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia Anh, với quy mô lớn hơn, đã diễn ra ngay sau đó. Kế tiếp là cuộc họp Nội các để thông qua quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay sau cuộc họp tại COBRA, kế hoạch tấn công các mục tiêu Houthi đã được triển khai luôn.

Trong quá trình này, có nhiều "vấn đề phức tạp" diễn ra. Một trong số đó là kế hoạch tới Kiev của ông Sunak.

Thông điệp gửi Nga khiến Thủ tướng Anh kiên quyết

Trước Giáng sinh 2023, Văn phòng Thủ tướng chính phủ Anh đã quyết định Ukraine sẽ là điểm đến đầu tiên trong lịch trình công du quốc tế năm 2024 của ông Sunak, và đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho "chuyến đi bí mật" tới Kiev. Thành phố này được lựa chọn là "nơi hoàn hảo" để công bố khoản viện trợ quân sự của Anh cho Ukraine năm 2024.

Gói viện trợ trị giá 2,5 tỷ bảng Anh, nhiều hơn 200 triệu bảng so với số tiền mà chính phủ Anh cam kết trong những năm trước. Thành phần gói viện trợ sẽ bao gồm máy bay không người lái và những hỗ trợ liên quan tới năng lực triển khai tên lửa tầm xa cho Ukraine.

"Tuy nhiên, việc Thủ tướng Anh bay ra nước ngoài trong lúc các máy bay chiến đấu Anh xuất kích thực hiện sứ mệnh quân sự mà ông vừa ký kết liệu có đúng đắn? Nếu có chuyện xảy ra thì sao?" - Telegraph viết.

Đã có những tranh luận gay gắt liên quan tới việc ông Sunak liệu có nên hủy chuyến đi gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hay không. Thế nhưng, tới phút chót, ông Sunak chính là người đã dập tắt các cuộc thảo luận.

Anh-Mỹ tấn công Houthi, Ukraine suýt vạ lây: Lý do quan trọng về Nga "cứu thua" Kiev ngay phút chót- Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tới Ukraine trao gói viện trợ cho Kiev. Ảnh: Euro News

Thủ tướng Anh cho rằng, việc tới Ukraine sẽ làm nổi rõ thông điệp của ông gửi tới Điện Kremlin: Phương Tây sẽ không rời mắt khỏi cuộc xung đột Ukraine.

Theo một nguồn tin Anh cung cấp cho Telegraph, ông Sunak nhìn nhận rằng, chuyến đi tới Ukraine ở thời điểm này thậm chí còn "gửi một tín hiệu lớn hơn tới Nga", cho thấy chính phủ Anh nói riêng và phương Tây nói chung "không bị xao lãng khỏi Ukraine bởi những gì đang diễn ra ở nơi khác và sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev".

Vì thế, vào chiều muộn ngày 11/1, vài giờ trước cuộc không kích Houthi, ông Sunak vẫn lên đường tới Kiev theo kế hoạch.

Một cuộc họp Nội các đã diễn ra vào lúc 19h45 ngày 11/1. Mở đầu cuộc họp, ông Sunak đã phát biểu trực tuyến, tiếp theo là các bộ trưởng cấp cao đã tham dự cuộc họp tại COBRA sáng cùng ngày.

"Houthi đã phớt lờ các cảnh báo. Vì thế, đây là những hành động có chủ đích và tương xứng với họ" - Ông Sunak nói.

Việc tiếp theo cần làm là thông báo cho phe đối lập chính thức. Keir Starmer - lãnh đạo Đảng Lao động và John Healey - Ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng của Đảng Lao động, đã được mời đến Văn phòng Nội các vào khoảng 20h15 tối 11/1, cùng với Lindsay Hoyle - Chủ tịch Hạ viện, để nghe báo cáo.

Phó Thủ tướng Dowden đã điều hành cuộc họp và ở lại cho tới khi các phi công Anh thả bom xuống các mục tiêu chỉ định ở Yemen vào khoảng 23h30 cùng ngày. Chỉ sau khi nhiệm vụ hoàn thành vào rạng sáng 12/1, ông Dowden mới trở về nhà với công việc đã được giải quyết xong xuôi.

Theo phân công, Anh chịu trách nhiệm tấn công 2 mục tiêu, bao gồm 1 địa điểm ở Bani, phía tây bắc Yemen (nơi phục vụ các cuộc tấn công bằng UAV của Houthi), và 1 sân bay ở Abbs. Trong khi đó, Mỹ phụ trách tấn công 14 mục tiêu khác.

Tờ New York Times cho biết, đêm 11/1, rạng sáng 12/1, làn sóng tấn công đầu tiên do Mỹ dẫn đầu đã nhắm vào 60 mục tiêu được lên kế hoạch trước tại 16 địa điểm ở Yemen với hơn 100 quả bom và tên lửa dẫn đường chính xác.

Khoảng 30 đến 60 phút sau đó, đợt tấn công thứ hai được thực hiện nhằm vào 12 mục tiêu khác mà các nhà phân tích xác định là nơi cho phép Houthi tạo ra mối đe dọa đối với máy bay và tàu thuyền trên Biển Đỏ.

Trung tướng Douglas Sims, chỉ huy tác chiến của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết, bất chấp những lời tuyên bố và đe dọa "nảy lửa" về việc trả đũa, phản ứng quân sự của Houthi đối với cuộc tấn công đêm 11/1 tới nay vẫn là "im lặng", chỉ một tên lửa chống hạm duy nhất "lao qua Biển Đỏ một cách vô hại, cách xa bất kỳ tàu nào đi qua".

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn chuẩn bị cho khả năng quân Houthi đáp trả sau khi nhóm này xác định được lượng khí tài còn lại và lên kế hoạch tấn công.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Houthi dường như bị chia rẽ nội bộ về cách ứng phó các cuộc tấn công của Anh-Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại