Loài vật xâm lấn đáng sợ này là cua lông Trung Quốc (danh pháp khoa học là Eriocheir sinensis), hay còn gọi là cà ra, hoặc cua lông Thượng Hải. Đây là loài cua có nguồn gốc từ Đông Á. Đặc điểm nổi bật của loài cua này là chúng có những chiếc càng phủ đầy lông, trông giống như găng tay. Thông thường có thể nhận dạng chúng thông qua cơ thể có màu xanh xám đến nâu sẫm. Loài cua này tuy nhỏ bé, thường dài khoảng 8 cm, nhưng chân của chúng lại có thể dài gấp đôi con số đó.
Cua lông Trung Quốc được cho là đã di chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu và Bắc Mỹ trong các lớp trầm tích được tìm thấy dưới đáy tàu. Loài cua này thường sống ở trong môi trường nước ngọt như sông, kênh, rạch và các cửa sông.
Cua lông Trung Quốc lần đầu được phát hiện ở Anh vào năm 1935. Kể từ đó đến nay, chúng đã phát triển và hiện diện ở khắp nước Anh. Thời gian gần đây, người dân còn bắt gặp nhiều cua lông bò ở xung quanh các vùng nước tại khắp London và Cambridgeshire.
Loài cua xâm lấn gây hại cho môi trường
Theo các chuyên gia, cua lông Trung Quốc có thể phá hoại môi trường tự nhiên bằng cách đào hàng ở dưới lòng sông, chặn dường nước và thậm chí làm hỏng cả ngư cụ bằng những chiếc càng sắc nhọn của chúng. Hơn nữa, các nhà khoa học tỏ ra lo ngại vì loài cua này còn có thể ăn trứng cá và chiếm tài nguyên của các sinh vật bản địa.
Tiến sĩ Paul Clark tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, cho biết: "Số lượng cua lông đang tăng lên vì chúng có lối sống rất khác thường. Sau khi di cư xuôi dòng, các con cua cái trưởng thành có thể đẻ được 3 lứa trứng. Số lượng trứng trong mỗi lứa có thể gồm từ 500.000 – 1.000.000 quả".
Rất khó để loại bỏ loài cua xâm lấn ở Anh. Trên thực tế, để giải quyết tình trạng số lượng cua lông Trung Quốc ngày càng tăng ở Anh, Tổ chức Lincolnshire Wildlife Trust, Cơ quan Thoát nước Welland và Deepings, phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, để tiến hành lặp đặt các bẫy cua cố định đầu tiên ở Pole Hole Lincolnshire.
Các cơ quan này đã đặt bẫy cua lông từ ngày 31/8 nhưng vẫn chưa bắt được một con nào. Tiến sĩ Paul Clark chia sẻ, việc đặt bẫy cua có thể bị trì hoãn vì thời tiết ấm áp.
Ngoài ra, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Anh cũng đang thực hiện chương trình theo dõi cua lông, đồng thời kêu gọi người dân hãy báo cáo những lần mà họ bắt gặp loài cua này. Các cơ quan chức năng ở Anh cũng khuyến khích người dân gửi báo cáo khi trông thấy cua lông. Bởi điều này có thể giúp các chuyên gia tiến hành theo dõi quần thể và ngăn chặn về sự di chuyển của trứng.
Bài viết tham khảo nguồn: New Scientist, Dailymail