Ông Andrew O'Neil, Giáo sư từ Đại học Griffith (Australia), nhận xét: "Thực tế thường đưa người ta trở lại mặt đất rất nhanh. Hai quốc gia này về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, và nội bộ Hàn Quốc vẫn chia rẽ về cách thức giải quyết vấn đề này, cũng như chưa có sự đồng thuận thực sự tại Mỹ về cách thức đối phó với Triều Tiên."
Giáo sư Andrew cho rằng hai bên có thể đối thoại lần nữa, song câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đàm phán với Bình Nhưỡng đạt tiến triển cũng như bằng cách nào Hàn Quốc có thể thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.
Chuyên gia này lập luận: "Hội nghị thượng đỉnh năm 2000 và 2007 về cơ bản diễn ra được do phía Hàn Quốc 'hối lộ' cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il tới tham gia hội nghị."
Một số chuyên gia Triều Tiên tin rằng Thế vận hội đã trao cho phía Bình Nhưỡng thời gian quý báu để xúc tiến chương trình hạt nhân của nước này và một vụ thử vũ khí nữa chỉ là vấn đề thời gian.
Trong khi đó, chuyên gia Joseph Siracusa, Giáo sư nghiên cứu về an ninh nhân loại và ngoại giao quốc tế tại trường RMIT ở Melbourne (Australia), cho rằng không rõ người Triều Tiên tại Seoul đã chuẩn bị những gì để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.
Chuyên gia này nhận xét Thế vận hội mùa Đông PyeongChang là "một thắng lợi về mặt tuyên truyền" đối với Bình Nhưỡng.
Quan trọng hơn hết, theo chuyên gia Siracusa, sự xuất hiện thành công của Triều Tiên tại Thế vận hội cũng gây sự chia rẽ ngay trong nội bộ Hàn Quốc, giữa phe muốn thống nhất hai miền và phe phản đối. Điều này sẽ gây phức tạp cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Moon Jae-in, đặc biệt trong việc hợp tác với phía Mỹ về vấn đề Triều Tiên./.