Vào cuối tháng 11/2019, Không quân Israel (IAF) đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công dữ dội vào các vị trí của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đóng trên lãnh thổ Syria.
Bên cạnh việc gây thiệt hại nặng nề cho IRGC, Không quân Israel còn tuyên bố đã phá hủy tới 6 tổ hợp tên lửa phòng không tối tân của Quân đội Arab Syria (SAA).
Trong số những hệ thống phòng không Syria bị tiêu diệt, ngoài Pantsir-S1 thì danh sách còn có thêm một cái tên mới là tổ hợp phòng không tầm trung Buk-M2E, tính năng chỉ thua kém S-300PMU-2.
Tuy nhiên phía Syria sau đó đã bác bỏ thông tin này, họ khẳng định tiêm kích Israel đã đánh nhầm vào các mô hình ngụy trang thay vì hủy diệt được vũ khí thực sự.
Trước tình hình trên ấn phẩm quân sự của Israel Defence đã đề cập đến báo cáo của quân đội nước này, cho rằng do hiệu quả của các cuộc tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Syria đã được khẳng định.
Đặc biệt, Israel Defence nhấn mạnh một lần nữa rằng các hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 và Buk-M2 do Nga sản xuất đang phục vụ trong biên chế quân đội Syria đã bị phá hủy.
"Cuộc tấn công đã phá hủy các khẩu đội tên lửa phòng không hiện đại của Syria bao gồm cả Pantsir-S1 và Buk-M2, được biết đến ở Nga với tên gọi thợ săn tên lửa hành trình", Israel Defence cho biết.
Theo nguồn tin này, Israel không muốn gây bối rối cho người Nga và tạo ra căng thẳng giữa Moskva và Tel Aviv khi họ đã hạn chế phạm vi tấn công, chỉ đánh vào các tổ hợp vũ khí do binh lính Syria điều khiển.
Được biết đây đã là lần thứ tư Israel tấn công và phá hủy hệ thống Pantsir-S1 của Syria, trong đó có vẻ như mới chỉ là lần đầu tiên Buk-M2E trở thành nạn nhân.
Trong các trường hợp trước đây, người Nga tuyên bố rằng các cuộc tấn công diễn ra khi các hệ thống Pantsir-S1 tạm dừng hoạt động để nạp lại tên lửa vào bệ phóng.
Trong khi đó Israel Defence khẳng định tổ hợp Pantsir-S1 đã bị tiêu diệt khi đang hoạt động, máy bay không người lái Harop thậm chỉ còn ghi lại cảnh tên lửa 57E6 được phóng lên, trước khi nó lao xuống huỷ diệt tổ hợp này.
Hơn nữa trước khi tấn công thì Israel đều quan sát rất kỹ bằng phương tiện trinh sát quang điện tử cũng như radar và đánh giá rõ hoạt động của hệ thống phòng không, cho nên chẳng thể nào có chuyện đánh nhầm.
Thực tế cũng cho thấy sau cuộc tấn công, Israel đã nhiều lần tung được bằng chứng về vũ khí thực sự của lực lượng phòng không Syria đã bị họ phá hủy.
Ở chiều ngược lại, quân đội Syria nhiều lần tuyên bố bắn rơi tên lửa Israel hay lừa cho đạn đánh nhầm vào mô hình ngụy trang nhưng họ lại không đưa ra được bằng chứng xác thực.