Việc ra đời của quá nhiều chương trình giải trí mới đang biến màn ảnh nhỏ trở thành một cuộc cạnh tranh khốc liệt của các nhà sản xuất nhằm mục đích xem ai mang đến một "đứa con tinh thần" nổi bật nhất, giữ chân khán giả trong thị phần mà mình muốn hướng đến.
Chính vì thế, những yếu tố drama dựng lên và biên tập khi lên sóng được xem là mảng miếng "cứu cánh", là nước cờ mong giữ nhiệt được cho những chương trình đã cầm cự lâu năm trên "mặt trận" TV Show.
Tuy nhiên, làm sao kiểm soát những tình tiết này lại là một phép toán không đơn giản.
Bởi nếu tình tiết drama tính sai nước cờ hoặc lỏng lẻo trong khâu kiểm soát nội dung sẽ dễ bị biến thành con dao hai lưỡi mà nhà sản xuất tự cắt nhầm tay mình, gây phản cảm trong mắt người xem.
Yếu tố drama là gì?
Trước hết, có thể hiểu đây là chiêu trò mà ê-kíp làm chương trình (trong đó bao gồm cả nhà sản xuất, thí sinh lẫn ban giám khảo) thực hiện để mang lại điểm nhấn cho một tập lên sóng.
Đó là những câu chuyện cạnh tranh đằng sau hậu trường sinh hoạt của các thí sinh, những tình huống bất ngờ phát sinh trong khi thực hiện thử thách, những cuộc khẩu chiến đòi sự công bằng giữa thí sinh với giám khảo hay giữa những giám khảo với nhau...
Tất cả nhằm mục đích đẩy cao trào, tạo câu chuyện bàn tán cho "tập phim" đó.
Yếu tố này đôi khi đến từ dụng ý của nhà sản xuất - mà chúng ta vẫn hay gọi là "có kịch bản hết rồi". Hoặc nguyên nhân có thể xuất phát từ chính ham muốn được nổi bật theo "cách riêng" của những người tham gia chương trình.
Càng sáng tạo, càng lạ lùng thì càng được quan tâm.
Yếu tố drama là một gia vị không thể thiếu trong các tập truyền hình thực tế, đẩy mạnh cao trào của các tình tiết mà nhà sản xuất muốn nhấn vào.
Thế nhưng chưa bao giờ những hình ảnh, hành động tiêu cực lại nhan nhãn trên sóng truyền hình nhiều như lúc này.
Người xem đài cũng đang hoang mang rằng nhà sản xuất quá tham lam trong việc cố tình dùng các mảng miếng lệch chuẩn văn hóa để cứu phần nội dung chuyên môn tẻ nhạt.
Chỉ có điều phải cân nhắc rằng những hành vi này có thể đang ảnh hưởng đến suy nghĩ của giới trẻ, khiến họ xem những câu chuyện bạo lực, chèn ép là việc hiển nhiên đang diễn ra. Nếu câu chuyện còn đi xa hơn, đây thực sự là điều nguy hiểm.
Khi cách hành xử kém văn hóa đang nhan nhản, bình thường hóa trên sóng Quốc gia
Như mọi năm, câu chuyện cuộc chiến nhà chung trong chương trình Viẹtnam's Next Top Model luôn là một trong những drama khiến người xem phải "nóng mặt" vì các hành xử quá vô lý, chợ búa của các thí sinh sống chung với nhau trong một căn hộ trong thời gian tham gia cuộc thi.
Đây được xem như một đặc sản của chương trình, không năm nào là không có. Năm nay, mâu thuẫn giữa các cô gái lại bùng nổ, có điều mọi thứ dường như đi quá xa ra khỏi khuôn khổ "văn hóa".
"Văn hóa con người ngày càng đi lên, thì thật đáng buồn khi phải thấy những cảnh này trên sóng truyền hình quốc gia".
Đây là một trong những ý kiến khán giả bàn về những tình tiết gây ồn ào của chương trình Vietnam's Next Top Model trong thời gian qua.
Họ đánh giá rằng các thí sinh này có cố gắng trong việc hoàn thành vai diễn của mình trong "bộ phim" năm nay nhưng diễn xuất còn quá thô kệch.
Bên cạnh đó, không biết tiết chế trong phát ngôn cũng như cách cư xử đã làm cho hình ảnh của các cô mẫu này xuống dốc không phanh.
Có lẽ các cô gái này nên nhớ, vị trí của họ năm nay khi đến với cuộc thi đã khác trước.
Họ không còn là những thí sinh quê mùa chập chững bước vào nghề nữa, mà đã là những người mẫu chuyên nghiệp, ít nhiều có tên tuổi trong nghề và sức ảnh hưởng trong xã hội.
Thế nhưng khi trở lại, các thí sinh này vẫn không thể hiện được sự khéo léo và văn minh của những người nổi tiếng mà vẫn vướng vào những cuộc chiến "cãi nhau như cái chợ".
Hành xử như vậy, chỉ khiến người ngoài nhìn vào đánh giá tính cách và tư duy của những chân dài này chẳng đâu vào đâu.
Từ trước đến nay, cụm từ "chân dài não ngắn" trong nghề mẫu luôn bị khai thác, soi mói.
Ở thời đại mà những người trong ngành thời trang mất rất nhiều công sức để cố gắng xóa bỏ đi định kiến này bằng những giá trị chuyên môn thì lại bị những cô mẫu thị phi đảo ngược, đưa hết về con số 0 chỉ vì muốn tạo một chút drama?
Giới trẻ muốn tham gia nghề mẫu có bị chùn chân khi nhìn vào bề nổi của nghề qua chương trình này không?
Cha mẹ có con cái theo nghề liệu có an tâm khi họ liên tưởng về thế giới chân dài là như vậy hay không? "Chương trình này không biết đào tạo được những người mẫu tài năng thế nào chứ đạo đức thì chắc chắn là không ổn", một bình luận trên mạng xã hội bức xúc.
Trong showbiz có rất nhiều cách để nổi nhưng tài năng mới là một trong nhưng yếu tố chốt yếu để mỗi người nhớ đến bạn là ai. Nhìn Trang Khiếu, Hoàng Thùy, Mâu Thủy... những thế hệ mẫu cùng thời đã vượt mặt các cô kia bao lâu rồi, thậm chí là đánh dấu vị trí ở thị trường quốc tế, vậy mà những cô mẫu hoạt động có thâm niên trong nghề này vẫn một lối hành xử nghiệp dư, ồn ào cũ kỹ, thậm chí là chợ búa.
Trận chiến nhà chung "Vietnam's Next Top Model 2017" thực sự gây sốc
Cụ thể diễn biến tranh cãi của hai thí sinh Thùy Dương và Nguyễn Hợp trong teaser tập 4 (được phát trên kênh YouTube của chương trình) là một câu chuyện khó chịu.
Theo đó, khi Nguyễn Hợp trở thành thủ lĩnh nhà chung mới nhờ chiến thắng ở tuần trước, cô đã chỉ đạo nhóm Cao Thiên Trang và Thùy Dương phải thu dọn đồ ra khỏi phòng thủ lĩnh trong 3 tiếng, để bàn giao lại cho thủ lĩnh mới.
Thế nhưng, vì "team Sang" cứng đầu không thực hiện theo và vẫn ung dung nằm trong phòng, sinh hoạt bình thường như không có chuyện gì xảy ra đã làm cho Nguyễn Hợp tức giận ném đồ đạc trong phòng ra ngoài.
Và hành động nóng nảy của Nguyễn Hợp đã khiến Thùy Dương đáp trả bằng hành động thẳng tay ném lại quyển sách vào mặt cô. Sau đó các cô gái trong nhà chung cũng có những động thái hắt nước vào nhau.
Nếu trước đây, cuộc chiến giữa các cô này chỉ dừng lại ở những trận đấu võ mồm, thì khi hành động đáp trả bằng bạo lực, gây tổn thương cho nhau khiến người xem ngỡ ngàng và đặc câu hỏi: "Người làm văn hóa đang cư xử kiểu văn hóa gì trên truyền hình thế này?
Thời nào rồi mà những hành động mang tính bạo lực, cư xử chợ búa lại xuất phát từ những người làm văn hóa giải trí?".
Dù chi tiết Thùy Dương ném sách vào mặt Nguyễn Hợp đã bị cắt khỏi nội dung chính thức tập 4 khi lên sóng, chứng tỏ nhà đài đã có sự tiết chế về nội dung nhạy cảm khi lên sóng, nhưng việc nhà sản xuất tung ra tình tiết này trước khi tập 4 lên sóng vẫn bị đánh giá là chiêu trò câu rating.
Hay trong diễn biến ở tập 3, hình ảnh người mẫu Thùy Dương bắt thí sinh Chà Mi bóp chân cho mình gây tranh cãi khá dữ dội trên mạng xã hội. Đây là kết quả của việc Thùy Dương dành chiến thắng và nắm quyền làm thủ lĩnh nhà chung.
Hành động bóp chân phản cảm mà Thùy Dương (trái) phạt Chà Mi do cô không làm theo "luật" của thủ lĩnh nhà chung.
Ở format quốc tế, vị trí thủ lĩnh nhà chung là để người thắng cuộc của tuần có thể tận hưởng được không gian sống thoải mái hơn trong căn phòng đặc biệt, đồng thời có thêm tiếng nói để sắp xếp trật tự trong nhà chung, chứ không phải như Thùy Dương - cậy quyền lực để bắt người khác làm những điều vô lý
Tuy nhiên, hành động bắt người khác bóp chân cho mình khi lên sóng truyền hình lại trở thành hình ảnh phản cảm và quá đáng.
Vì nó thể hiện rõ suy nghĩ phân chia giai cấp "người cầm quyền - người phục tùng" - một hành động không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh, hiện đại.
Họ không chiến thắng một thử thách không có nghĩa là họ phải bị hạ mình hầu hạ một kẻ khác mà bản thân không muốn.
Tự nhiên tham gia một chương trình người mẫu thà bị hành hạ thử thách về chuyên môn thì không nói gì, tự nhiên vào đây lại bị đày phục vụ cho người khác theo kiểu kỳ cục như vậy, quả thật khó hiểu.
Bên cạnh đó, yêu cầu vô lý trên không thể được xem là một điều tử tế mà những người đồng nghiệp nên làm với nhau.
Trong cuộc thi này, những cô thí sinh này đã quên đi họ đã là những người mẫu được nhiều người biết đến, không lý do gì phải làm những trò lố bịch này để nổi bật.
Nhà sản xuất cần chọn lọc và nghiêm khắc hơn với các tình tiết drama trong show của mình
Sức mạnh của truyền hình thực tế đang dần tạo được vị thế ổn định trong ngành giải trí Việt Nam.
Một chương trình nếu gây được tiếng vang lớn về mặt truyền thông, đồng nghĩa với việc những người tham gia cũng sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn, và bản thân nhà sản xuất cũng được dịp khẳng định vị thế của mình.
Và tất nhiên yếu tố chiêu trò trong trận chiến cạnh tranh giữa các chương trình, nhất là cùng lĩnh vực (âm nhạc, thời trang...) là không thể thiếu.
Tuy nhiên yếu tố drama để thành công thì tiêu chí đầu tiên tuyệt nhiên không thể bỏ qua đó là phải phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của quốc gia.
Và người chịu trách nhiệm cho những nội dung không ai khác đó là nhà sản xuất chương trình, đài truyền hình.
Ngay khi có một tình tiết bất hợp lý xuất hiện, khán giả sẽ đặt câu hỏi: "Nhà sản xuất đứng ở đâu trong câu chuyện này?", bởi quyền giữ lại hay cắt bỏ đều nằm trong tay những người chịu trách nhiệm nội dung.
Về phía những người tham gia, đã đến lúc minh mẫn và sáng suốt hơn trong việc chọn lựa cách nào để nổi tiếng trên sóng truyền hình.
Thể hiện cá tính, cái tôi là tốt nhưng cần có một giới hạn nào đó. Bởi dù sao, khán giả vẫn cần xem một chương trình giải trí có văn hóa, đến từ những người có văn hóa.
Cá tính của bạn sẽ được đánh giá cao và tôn trọng nếu bạn thể hiện nó đúng lúc và chuẩn mực. Còn không, đây sẽ là con dao hai lưỡi, ảnh hưởng đến cả đời thực của bạn.
60 phút lên sóng không nói lên được con người bạn. Nhưng không ai có thể biến bạn thành một người hoàn toàn khác nếu như bạn không phải như vậy.
Nghĩa là bạn có thể tức giận, có thể quá quắt nhưng đừng mất tự chủ. Nếu như bạn không hành động như một nhân vật xấu, thì làm gì có được "bằng chứng" để tố cáo bạn khi chương trình lên sóng.
Và hãy nghĩ rằng, đến với sân chơi truyền hình nào đó, mọi thứ còn đi theo bạn ra ngoài đời thực. Mọi hành động, cách sống của bạn đều bị đánh giá khi bạn bước ra khỏi cuộc thi, dù có trở thành một người nổi tiếng hơn hay không là gì.
Người ta sẽ vẫn nhớ đến bạn đã từng có cách sống đáng ghét như thế nào khi là thí sinh trong chương trình.