Không quân Hungary là một trong những lực lượng nước ngoài đầu tiên sử dụng tiêm kích hạng nhẹ JAS 39 Gripen do Thụy Điển sản xuất để bảo vệ không phận.
Vào giai đoạn đầu thập niên 2010, Không quân Hungary cùng với Cộng hòa Czech, mỗi bên đã thuê 14 máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen từ Thụy Điển để sử dụng.
Tiêm kích JAS 39 Gripen được đánh giá có năng lực tác chiến tuyệt vời, vô cùng tin cậy khi hoạt động, chi phí cho mỗi giờ bay cực thấp và bảo trì bảo dưỡng rất đơn giản.
Chính vì vậy sau một thời gian dài sử dụng, Không quân Hungary đã quyết định sẽ giao phó toàn bộ không phận của mình cho phi đội chiến đấu cơ JAS 39 Gripen này.
Ngoài 14 chiếc đang thuê (có thể sẽ mua đứt) thì Không quân Hungary đã lên kế hoạch trang bị mới vài phi đội JAS 39 nữa để chuẩn hóa với cơ sở hạ tầng của NATO.
Điều này có nghĩa là các máy bay chiến đấu thế hệ cũ do Liên Xô sản xuất đang trở nên thừa thãi, cho nên Hungary được dự báo sẽ bán thanh lý chúng nhằm giảm gánh nặng.
Đúng như nhận định trên, Chính phủ Hungary mới đây đã công bố kế hoạch bán lại phi đội tiêm kích MiG-29 của mình với số lượng 19 chiếc cho quốc gia nào quan tâm.
Được biết các tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ này được Nga chuyển giao cho Hungary vào thời điểm năm 1993 như một hình thức thanh toán các khoản nợ từ thời Liên Xô.
Do vậy khi Hungary muốn bán đi các máy bay chiến đấu này thì họ sẽ được yêu cầu đàm phán cả với Nga, điều này cũng tương tự như thương vụ Israel muốn bán F-16 cho Croatia thời gian gần đây.
Theo một vài nguồn tin nội bộ, Hungary sẽ bán 19 máy bay MiG-29 với giá 10 triệu USD/chiếc (trong đó nhiều chiếc không còn bay được), đi kèm 20 động cơ, gần 300 thành phần thiết bị khác trong đó có cả vũ khí.
Như vậy có thể thấy rằng giá thành MiG-29 được Không quân Hungary bán thanh lý thực sự cũng chẳng hề rẻ chút nào, nhất là khi MiG-29 là dòng chiến đấu cơ có khá nhiều tai tiếng.
Phiên bản MiG-29 của Hungary thuộc thế hệ đầu, nó sử dụng động cơ RD-33 hiệu suất thấp thường xuyên phun khói mù mịt, hệ thống thiết bị điện tử hàng không lạc hậu và chi phí bảo dưỡng rất cao.
Để so sánh, một công ty tư nhân của Mỹ đã rao bán máy bay MiG-29UB với giá gần 5 triệu USD. Chiếc tiêm kích mới hoạt động được 818 giờ và đã đại tu sau khi chạm mốc 700 giờ bay. Tuy nhiên nó không có radar và vũ khí.
Nếu Không quân Hungary mà tìm được hợp đồng nào đó thì có lẽ sẽ là một nhà sưu tập tư nhân chứ không phải quân đội chính quy, khi đó giá thành MiG-29 nhiều khả năng sẽ giảm bớt vì phải tháo bỏ radar cùng vũ khí.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-hungary-ban-thanh-ly-ca-phi-doi-tiem-kich-mig29-voi-gia-re-nhu-cho/798945.antd