Trong cuộc họp báo diễn ra lúc gần 3h sáng 31/1 (giờ Việt Nam) ở Geneva (Thụy Sĩ), WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) tuyên bố sự bùng phát chủng mới virus Corona (nCoV) từ Trung Quốc là "TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP Y TẾ TOÀN CẦU".
Một số hình ảnh ghi nhận về tình hình người dân Hà Nội tăng cường dùng khẩu trang phòng chống Viêm phổi Vũ Hán - Corona (virus nCoV) trong ngày hôm nay, 31/1/2020.
Rất nhiều ý kiến trái chiều nhau trên mạng xã hội về việc Bộ Giáo Dục có nên cho học sinh nghỉ học giữa cơn bão dịch Corona hay không? Nhiều người cho rằng nên có quyết định cho nghỉ ngay lập tức, nhiều phụ huynh lại cho rằng sẽ rất khó để trông nom con nhỏ khi người lớn vẫn phải đi làm, đảo lộn rất nhiều tới sinh hoạt cả gia đình và đặt ra câu hỏi đại dịch sẽ kéo dài bao lâu, học sinh sẽ nghỉ tới khi nào?
Tuy nhiên theo quan sát và ghi nhận, có tới 3/10 số học sinh khi tới cổng trường là ngay lập tức tháo bỏ khẩu trang. Dường như các em nhỏ chưa được nhà trường và phụ huynh khuyến cáo và nhắc nhở về việc phòng dịch, chủ yếu chỉ là đeo theo thói quen tránh bụi ô nhiễm khi đi đường. Một số em nhỏ khác được cha mẹ đưa đi học bằng ô tô cũng gần như 100% không đeo khẩu trang tới trường.
Ghi nhận tại sảnh chờ thang máy toà nhà Hapulico Center (Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân), hầu hết nhân viên văn phòng tại đây đều đeo khẩu trang.
Một số công ty tại toà nhà này đã khuyến cáo nhân viên làm việc online từ xa, hạn chế đến văn phòng, phát khẩu trang miễn, miễn chấm vân tay... phí để phòng tránh dịch.
Bến xe Mỹ Đình, một trong những bến xe tấp nập nhất Hà Nội trong sáng ngày mùng 7 Tết.
Bến xe khá vắng vẻ bởi đây đã là ngày làm việc chính thức thứ 2 sau kỳ nghỉ Tết và cũng rơi vào thứ 6.
Được khuyến cáo và thông báo từ ngay trước Tết, toàn bộ nhân viên bến xe đều chấp hành việc đeo khẩu trang phòng dịch đầy đủ. Dự kiến trong hai ngày cuối tuần sắp tới sẽ là cao điểm khi hàng nghìn chuyến xe sẽ đưa người dân trở về Hà Nội sau Tết, chủ yếu là sinh viên và người lao động tự do có kỳ nghỉ dài hơn.
Tuy nhiên không phải ai cũng trang bị cho mình đầy đủ, rất nhiều hành khách thiếu khẩu trang phòng dịch, kể cả trẻ nhỏ.
Đào Quang Trường (ngồi giữa) cùng nhóm bạn sinh viên trường Bách Khoa ngồi chờ xe cho chuyến du xuân Hà Giang những ngày đầu năm mới. Mặc dù đều nhắc nhở nhau đeo khẩu trang phòng dịch nhưng vẫn có người quên mang theo.
Khu vực hồ Hoàn Kiếm trong sáng 31/1, cảnh người dân và du khách dạo chơi quanh hồ với những chiếc khẩu trang trên mặt không còn lạ lẫm trong nhiều ngày qua.
Các bà các cô tập thể dục buổi sớm cũng có riêng cho mình mỗi người một chiếc.
Giờ đây có lẽ chỉ những người không đeo khẩu trang ra đường mới trở thành những người lạ lẫm và kỳ quặc giữa đám đông.
Một du khách nước ngoài với nón lá và khẩu trang trên đường phố thủ đô.
Du khách nhí trên xe buýt 2 tầng dạo quanh thành phố Hà Nội.
Văn Miếu Quốc Tử Giám trong sáng nay vẫn đón lượng lớn khách nước ngoài tới tham quan.
Dù là bên trong đền hay bên ngoài sân, những chiếc khẩu trang luôn keo kín trên mặt mỗi người, dù là lúc thành tâm kính lễ.
Kể cả những nhân viên bán hàng tạp hoá, lưu niệm. Họ chính là người tiếp xúc nhiều du khách đến từ nhiều nơi nhất và dễ bị lây nhiễm nhất.
Một cảnh xin chữ đầu xuân bên trong Văn Miếu.
Một nhóm những người đàn ông thăm quan Văn Miếu chụp ảnh kỷ niệm khi họ vẫn còn đeo nguyên khẩu trang trên mặt.
Đây có lẽ là những hình ảnh selfie kỳ quặc nhất trong những ngày đầu năm 2020.
Dịch cúm Corona đang phủ một bóng đen khắp nơi. Theo số liệu mới nhất tại Việt Nam: số ca tử vong là 0, số ca mắc bệnh 05: trong đó 02 công dân Trung Quốc (01 người đã khỏi); 03 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Số trường hợp nghi nhiễm là 97 người, trong đó: 65 trường hợp đã xét nghiệm âm tính với nCoV, 32 trường hợp tiếp tục được cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây ra cộng đồng. Ngoài ra, có 43 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm virus nCoV.
Trước nguy cơ lây truyền dịch bệnh mới nổi Ban bí thư chỉ đạo trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, hội nghị để phòng chống dịch corona. Trong ảnh là cảnh người dân đi lễ tại Phủ Tây Hồ sáng mùng 6 thàng Giêng.
Lễ hội là nơi tiếp xúc rất nhiều người, nên nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ cao. Một số người trông khỏe mạnh nhưng có thể họ đã mang mầm bệnh. Trong lễ hội thường là nơi tập trung đông người chen lấn nhau, khoảng cách tiếp xúc là rất gần và lây lan bệnh rất mạnh cho nhiều người.
Với virus tiếp xúc trong vòng 2m cũng có nguy cơ lây nhiễm. Trong lễ hội tiếp xúc gần như vậy thì yếu tố nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên. Vấn đề đau đầu nhất hiện nay là không biết được ai mang mầm bệnh. Do thời gian ủ bệnh do virus Corona dài (trong khoảng 14 ngày), nhiều người không có triệu chứng.
Các chuyên gia khuyến cáo vì sức khỏe của chính mình và gia đình không nên tới nơi lễ hội, tập trung đông người. Các cơ quan, rạp hát, rạp chiếu phim phải mở cửa cho thông thoáng để hạn chế virus phát triển.
Một số hình ảnh đông đúc tấp nập người chen chân trong lễ hội đầu năm được ghi nhận tại Lễ hội chùa Tam Chúc (Hà Nam) trong ngày mùng 5 - 6 tháng Giêng.
Tại các hiệu thuốc, người người đổ xô đi mua khẩu trang và các loại dung dịch tẩy rửa y tế, thậm chí nhiều sản phẩm đã cháy hàng.
Một số hiệu thuốc, cơ sở y tế và cửa hàng tạp hoá y tế đã tổ chức phát miễn phí khẩu trang cho người có nhu cầu như tại số 70 Thái Hà và 66 phố Chùa Láng.
Tính tới thời điểm sáng ngày 31/1, trên thế giới đã ghi nhận 22 vùng lãnh thổ, quốc gia có người mắc bệnh. Số người mắc bệnh trên toàn thế giới đã tăng lên nhanh chóng 8.239 người mắc.