Anh hiện đại hoá đội tàu chiến để mở rộng sức mạnh toàn cầu

Bình Giang |

Hải quân Hoàng gia Anh đang trải qua quá trình đại tu lớn nhất trong một thế hệ để tăng cường sức mạnh trên biển của một “nước Anh toàn cầu”.

Phó đô đốc Ben Key chỉ huy 30.000 thuỷ thủ của Hoàng gia Anh từ tháng trước. Ông là người đã giám sát chương trình sơ tán khỏi Afghanistan sau khi Taliban giành chiến thắng nhanh chóng ở thủ đô Kabul hồi tháng 8.

Đội tàu của Hải quân Anh sẽ được bổ sung 5 tàu khu trục Type 31, 8 tàu săn ngầm Type 26 và bốn tàu ngầm hạt nhân lớp Dreadnought. Một tàu trong số đó sẽ được đặt tên là HMS Dreadnought, còn 3 tàu kia sẽ được đặt tên theo Vua George VI, Valiant và Warspite. Đội tàu này sẽ hỗ trợ cho 2 tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales.

Cơ sở cho quá trình hiện đại hoá lực lượng đã được tạo nên từ thời Đô đốc Tony Radakin, người sẽ trở thành tổng tham mưu trưởng tiếp theo của quân đội Anh.

Ông Radakin là người thúc đẩy mạnh mẽ việc mua sắm và tận dụng trí tuệ nhân tạo vào các hệ thống phòng thủ.

Nhưng khi dự án tàu Dreadnought phải đợi đến năm 2030 mới xong và các tàu khu trục trên vẫn trong quá trình chế tạo, tham vọng toàn cầu của Vương quốc Anh thời hậu Brexit vẫn phải chờ thêm vì lực lượng của Hải quân Hoàng gia Anh hiện đang phải dàn trải quá mỏng.

“Hải quân Hoàng gia đã đang trong tình trạng tốt hơn cách đây 10 năm với 2 tàu sân bay mới, nhưng trong ngắn hạn chúng tôi vẫn bị kéo căng”, ông Pete Sandeman, nhà phân tích hải quân và là giám đốc của trang web Navy Lookout, nói.

“Có rất nhiều bàn luận về việc nghiêng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng chúng tôi vẫn phải trông chừng Nga”, ông Sandeman nói.

Chính phủ Anh đã công bố chiến lược quốc phòng hậu Brexit, trong đó đề ra mục tiêu đưa Anh trở thành cường quốc toàn cầu.

Chiến lược này được coi là đánh giá toàn diện nhất về quốc phòng và an ninh của Anh kể từ thời Chiến tranh Lạnh, trong đó nêu ra cách tiếp cận của Anh đối với những thách thức dự kiến trong thập kỷ tới và nói về xu hướng “nghiêng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Chuyến hoạt động của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trị giá 3 tỷ bảng và các tàu tấn công hộ tống đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào mùa hè vừa qua được thiết kế để gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về ý định của chính phủ Anh. Tàu sân bay HMS Prince of Wales dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm sau.

Tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace chính thức cắt tấm thép đầu tiên của HMS Venturer, tàu đầu tiên trong nhóm 5 tàu khu trục Type 31 sẽ được chế tạo tại Scotland với chi phí 250 triệu bảng/tàu. Các tàu này sẽ làm nhiệm vụ phát hiện những hoạt động trái phép trên biển, thu thập tin tức tình báo và hỗ trợ nhân đạo, chính phủ Anh cho biết.

Một tháng sau, Hải quân Anh tiết lộ rằng con tàu đầu tiên trong 8 tàu khu trục Type 26 mang tên HMS Glasgow đã sẵn sàng hoạt động. Loại tàu này được ca ngợi là “tay săn” tàu ngầm hiện đại nhất thế giới.

Đầu tháng này, Anh thông báo triển khai dự án nâng cấp năng lực chiến tranh điện tử trên biển trị giá 100 triệu bảng để tăng cường năng lực của Hải quân khi Nga đã sở hữu hệ thống vũ khí điện tử hiệu quả hơn.

Căng thẳng gia tăng với Nga vì vấn đề ở biên giới Ukraine là một trong những mối bận tâm hàng đầu của Anh và NATO.

HMS Defender cũng đã đến châu Á cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và đội tiêm kích F-35B với một tàu khu trục của Hà Lan và một tàu khu trục Mỹ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Sky News đầu tháng này, đại tá Steve Moorhouse, sĩ quan chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh , nói rằng các tàu khu trục và trực thăng đi cùng HMS Queen Elizabeth đã định vị được tàu ngầm Trung Quốc khi đến châu Á, giúp con tàu lớn nhất của Anh có thể di chuyển an toàn.

Sau đó, nhóm tàu Anh tham gia hàng loạt cuộc tập trận đa phương với Mỹ, Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Ông Sandeman nói rằng HMS Queen Elizabeth đã chứng minh rằng nó rất đáng tin cậy, dù vẫn chưa có đội tiêm kích F-35 riêng mà vẫn phải phụ thuộc vào Mỹ.

“Chúng ta có thể phối hợp với các máy bay Mỹ là điều tốt, nhưng về dài hạn chúng ta phải tự chế tạo máy bay của mình”, ông Sanderman nói.

Anh có kế hoạch sở hữu 48 máy bay như vậy vào năm 2025. Nước này có 24 chiếc F-35 trước khi xảy ra một vụ tai nạn vào tuần trước.

Hai tàu tuần tra xa bờ HMS Spey và HMS Tamar đã rời Anh từ tháng 9 để thực hiện nhiệm vụ kéo dài 5 năm ở châu Á. Hai tàu hiện đang ở Hawaii và sẽ hướng đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Những tàu này được thiết kế để trở thành tai mắt của Anh và NATO ở khu vực, nhưng không phải để tham gia xung đột mà để chống buôn bán ma tuý và cướp biển, chính phủ Anh khẳng định.

Ông Kaushal nói rằng chiến lược của Anh là hỗ trợ các đồng minh về kỹ thuật, như hỗ trợ Úc chế tạo đội tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ liên minh AUKUS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại