Anh em đại gia lan đất Mỏ đã buôn lậu hàng nghìn tấn than như thế nào?

Đoàn Minh Sơn |

Cặp anh em song sinh đồng thời là những đại gia lan var đất Mỏ đã thuê công nhân làm Giám đốc làm bình phong cho hoạt động buôn lậu hàng nghìn tấn than.

Than lậu mua vào bán ra trị giá hàng nghìn tỷ đồng

Báo cáo của cục Thuế tỉnh Hải Dương cho biết, Cơ quan CSĐT bộ Công an đã bắt tạm giam 2 anh em song sinh Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang (được biết đến là đại gia lan var, tức lan đột biến) cùng trú tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh để điều tra hành vi khai thác, tiêu thụ than trái phép.

Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố Hà Anh Tuấn - nguyên Giám đốc, Bùi Mạnh Cường - Giám đốc và Ngô Đông Hải - Phó giám đốc công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương.

Theo cục Thuế tỉnh Hải Dương, công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0801214772, đăng ký lần đầu tháng 6/2017 do sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp.

Ngành nghề chính của doanh nghiệp này là khai thác và thu gom than cứng, vận tải hàng hóa bằng đường bộ đường thủy có địa chỉ tại khu 2, Bích Nhôi, phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Anh em đại gia lan đất Mỏ đã buôn lậu hàng nghìn tấn than như thế nào? - Ảnh 1.

Cặp anh em song sinh Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang trong đường dây mua bán tiêu thụ hàng nghìn tấn than lậu.

Kết quả thanh tra thuế 4 năm (2017-2020) và 6 tháng đầu năm nay cho thấy doanh nghiệp này nhập lượng than với giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, qua phân tích hồ sơ các năm 2019, 2020 và 6 tháng đầu năm, cục Thuế Hải Dương xác định, công ty Đông Bắc Hải Dương có doanh thu rất lớn, có nhiều yếu tố rủi ro.

Cụ thể, 2 năm 2017, 2018, doanh nghiệp này có tổng doanh thu mặt hàng than là hơn 488 tỷ đồng; trong đó tổng giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào là hơn 589 tỷ đồng. Năm 2019, tổng giá trị hàng hóa mua vào là 1.127 tỷ đồng, bán ra là hơn 1.130 tỷ đồng.

Năm 2020, tổng giá trị hàng hóa mua vào là 405 tỷ đồng, bán ra là gần 450 tỷ đồng. Trong 6 tháng năm nay, tổng giá trị hàng hóa mua vào là 124 tỷ đồng, bán ra 131 tỷ đồng (tất cả đều chưa có thuế giá trị gia tăng - VAT).

Dựng công nhân, thủ kho lên làm… Giám đốc

Cục Thuế tỉnh Hải Dương khẳng định, công ty Đông Bắc Hải Dương chỉ là đơn vị kinh doanh thương mại không có mỏ khai thác, không có bến bãi tập kết hàng hóa, không có phương tiện vận chuyển. Khi bán hàng hóa công ty không chứng minh được việc giao hàng, phương tiện vận chuyển, từng lần giao nhận vận chuyển.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, công ty này mua hàng hóa đầu vào mặt hàng than từ các đơn vị đã bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn, giải thể chưa làm thủ tục đóng mã số thuế.

Đáng chú ý, người đại diện pháp luật của một số công ty cung cấp hàng hóa cho công ty Đông Bắc Hải Dương là những người lao động với vị trí công nhân, thủ kho.. làm việc tại công ty Đông Bắc Hải Dương.

Bước đầu, cục Thuế tỉnh Hải Dương xác định doanh nghiệp của 2 anh em Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh có dấu hiệu sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp, cơ quan Thuế đang củng cố hồ sơ gửi cơ quan công an. Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương ước tính trốn thuế 24,6 tỷ đồng. Về chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp 246 tỷ đồng, cục Thuế Hải Dương đang gửi cơ quan công an để làm rõ các hành vi sai phạm có thể phát sinh.

Anh em đại gia lan đất Mỏ đã buôn lậu hàng nghìn tấn than như thế nào? - Ảnh 2.

Những núi than không có hóa đơn, chứng từ được tổng cục Quản lý thị trường phát hiện.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo bộ Công an, cục Cảnh sát Kinh tế đã phối hợp với tổng cục Quản lý thị trường bộ Công Thương đồng loạt kiểm tra 21 bãi than thuộc các doanh nghiệp nằm rải rác tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, phát hiện các bãi than này có dấu hiệu nhập lậu, khai thác lậu.

Sau 6 ngày kiểm tra liên tục, lực lượng chức năng xác định có những điểm bị phát hiện hàng nghìn tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có hoá đơn chứng từ. Phần lớn các bãi than còn lại đều có khối lượng tồn trữ vượt quá số lượng rất nhiều so với hoá đơn nhập hàng.

Được biết, các bãi than được bố trí nằm cách nhau từ 5-7km, giáp bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển đường thuỷ, nằm ở xa khu dân cư và cử người canh gác, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác minh, làm rõ.

Các bãi than tại huyện Kinh Môn, Hải Dương đa số là bãi than lậu, chỉ có ít công ty được cấp phép thuê mặt bằng, số bãi than còn lại chủ yếu do các doanh nghiệp, hộ cá thể mua gom đất bãi của người dân đấu thầu, sau đó tự ý san lấp thành bãi phẳng rồi cho doanh nghiệp kinh doanh than thuê lại mặt bằng, hưởng chênh lệch.

Như vậy, ngoài việc khối lượng than thực tế vượt quá khối lượng trong hoá đơn chứng từ, khai thác lậu thì đa số các bãi than trên không được cấp phép.

Đến ngày 27/8, Cơ quan CSĐT bộ Công an đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" xảy ra tại công ty CP Yên Phước, công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.

Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 bị can, trong đó có Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc công ty CP Yên Phước, trú tại quận 12, TP.HCM) và anh em Bùi Hữu Thanh cùng Bùi Hữu Giang.

Kết quả điều tra xác định Châu Thị Mỹ Linh (Tổng Giám đốc công ty CP Yên Phước, cùng với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương lên kế hoạch tổ chức đường dây khai thác, mua bán than trái phép tại mỏ than Minh Tiến tại xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại