Anh đỗ đại khoa, em thành danh tướng

Trần Siêu |

Từ người cha là quan Tham nghị, đã hướng 12 người con theo đường khoa bảng, để rồi người đỗ đại khoa, người hàng võ tướng nức tiếng triều Lê.

Cha dạy 12 con đỗ đạt

Đó là dòng họ Phùng Văn ở làng Vĩnh Mỗ (nay thuộc thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Cha là quan Tham nghị Phùng Khoa Hân, con là Tiến sĩ Phùng Bá Kỳ, danh tướng Phùng Dong Oánh cùng 10 người con khác thành danh trên con đường chữ nghĩa.

Nhắc tới dòng họ Phùng Văn ở Vĩnh Mỗ, người yêu mến và quan tâm sử xưa hẳn sẽ biết tới dòng họ Phùng Văn nổi danh khoa bảng khi chú cháu cùng nhau đỗ nhất - nhì khoa thi Hương, hay người cha nuôi dạy 12 con đỗ đạt để rồi được vua ban “giáo tử đăng khoa”, cùng nhau vinh quy bái tổ.

Theo gia phả dòng họ Phùng Văn, quan Tham nghị Phùng Khoa Hân sinh năm Kỷ Dậu 1669 tại làng Ốc Trù, Hội Hạ (ngày nay thuộc xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 26 tuổi, ông tham gia kỳ thi Hương đỗ tứ trường, năm 30 tuổi thi Hội đỗ tam trường. Sau khi đỗ đạt, Phùng Khoa Hân trải qua nhiều chức quan, từ tri huyện, tri phủ đến Tham nghị.

Phùng Khoa Hân có tới 12 người con và tất thảy đều được ông dạy dỗ, cẩn thận hướng các con theo nghiệp lều chõng. Trong số đó nổi tiếng có một người con cả đỗ Tiến sĩ. Đó là Phùng Bá Kỳ (sinh năm 1694), tên chữ là Trác Tuynh, tên hiệu là Mặc Trai.

Tương truyền, từ nhỏ Phùng Bá Kỳ đã rất thông minh và nổi danh thần đồng. Năm 17 tuổi, ông đỗ Giải nguyên trong kỳ thi Hương. Đến khoa thi năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 11 (1715), vào thi Hội ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, đứng hàng thứ 3 trong 20 Tiến sĩ sau Bùi Sĩ Tiêm và Nguyễn Quý Ân, và đứng đầu hàng Đệ tam giáp.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Ất Mùi (1715) do Hàn lâm viện Hiệu lý Bùi Sĩ Tiêm vâng sắc soạn, Tham tụng kiêm Thượng thư bộ Lại - Đông các Đại học sĩ Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận có đoạn: “Đầu Xuân năm Ất Mùi, bộ Lễ chiếu theo điển lệ mở khoa thi Hội cho các cống sĩ trong nước. Bèn sai Trạc Quận công Trịnh Thực làm Đề điệu, Bồi tụng Binh bộ Thượng thư Nguyễn Đăng Liên làm Tri Cống cử, Bồi tụng Phạm Công Trạch, Nguyễn Đương Hồ làm Giám thí cùng trăm quan hữu ty chia giữ các việc.

Ngày mồng 10 tháng 3 vào trường nhất. Bấy giờ số dự thi đông đến hơn 2.500 người. Vào đến trường bốn, chọn hạng xuất sắc được 20 người. Hữu ty ghi tên dâng lên.

Bèn cho lính đưa voi tới cửa trường chở bảng mực nhạt ra treo ở đình Quảng Văn ngoài cửa Đại Hưng. Sĩ tử bốn phương kéo đến xem như mây tụ, tiếng hô reo như sấm dậy đất bằng, đều ngợi khen khoa thi Tiến sĩ này lại được nhiều người giỏi.

Qua ngày 11 tháng 6 vào Điện thí. Hoàng thượng đích thân ra đề thi văn sách, hỏi về điều cốt yếu của đạo trị nước. Ngày hôm sau, quan Độc quyển nâng quyển đọc, Hoàng thượng xếp định thứ bậc cao thấp. Ban cho Bùi Sĩ Tiêm, Nguyễn Quý Ân 2 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân; bọn Phùng Bá Kỳ 18 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân”.

Cha con cùng vinh quy bái tổ

Anh đỗ đại khoa, em thành danh tướng- Ảnh 1.

Bản rập văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Ất Mùi (1715).

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Ất Mùi (1715) còn có đoạn: “Loa xướng tên người đỗ, Bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa nhà Quốc học. Kế đó lại ban áo mũ phẩm phục để được hiển vinh, ban yến Quỳnh hoa bạc để tỏ lòng sủng ái, ơn lớn đãi ngộ xem chừng chẳng khác gì thời trước. Nay lại cho khắc đá đề danh, theo đúng như quy chế cũ, không sớm không muộn, cho khắc bia đúng lúc, đúng là cuộc tao ngộ đầy vinh hạnh…

Phàm cây cối tốt tươi là vì nơi đó có ngọc, nước suối trong mát là vì ở đó có châu. Thế đạo nước nhà thịnh sáng, cơ đồ vững chắc là vì nước có nhiều hiền tài như cây rừng vậy.

Nếu không có phương nuôi dưỡng tác thành, không có cách tuyển lựa kén chọn, ưu ái phải tăng mà khuyến khích khen thưởng phải đạo, thì làm sao có thể khiến cho tiếng đức nhà vua hòa tập được lòng người như nhổ gốc cỏ tranh được luôn cả cụm rễ, hiền tài được tuyển dụng đứng chật cả sân triều?”.

Sau khi thi đỗ, Phùng Bá Kỳ được bổ làm quan, trải qua nhiều cương vị đến chức Giám sát ngự sử, sau được thăng Đông các đại học sĩ. Trong các nguồn chính sử, ghi chép về Tiến sĩ Phùng Bá Kỳ không còn nhiều.

Anh đỗ đại khoa, em thành danh tướng- Ảnh 2.

Bia khắc những lời răn dạy con cháu của quan Tham nghị Phùng Khoa Hân.

Hiện trong cuốn “An Lãng thượng thư công gia phả” của Phan Công Huyễn chép vào cuối thế kỷ thứ 18 có đoạn như sau: Văn thần Phùng Bá Kỳ đời Lê Dụ Tông, quê ở làng Vĩnh Mỗ, huyện Yên Lạc, đỗ Giải nguyên, đến năm Ất Mùi (1715), đỗ Tam giáp Tiến sĩ, rồi làm Đãi chế ở Viện Hàn lâm, sau thăng dần chức Đô đài ngự sử.

Năm Nhâm Tuất (1742), đời vua Lê Hiển Tông, ông được cử đi sứ Trung Quốc, khi về nước có soạn sách “Sứ hoa tùng biên”.

Tuy không được ghi nhiều trong sách sử, song tại Vĩnh Mỗ xưa, lại lưu truyền khá nhiều giai thoại về cha con và các anh em của Phùng Bá Kỳ. Trong đó có những câu chuyện về lời răn dạy con cháu họ Phùng được khắc trên bia đá lưu truyền đến ngày nay.

Đặc biệt có một câu chuyện nữa dưới triều vua Lê Dụ Tông (1705 - 1729) mà trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của sử gia Phan Huy Chú có ghi, Phùng Bá Kỳ đỗ Tiến sĩ ở tuổi 21, trẻ nhất khoa thi. Biết thầy dạy lại chính là người cha, vua Lê Dụ Tông liền ban khen và cho phép 2 cha con cùng vinh quy bái tổ.

Các con của Phùng Khoa Hân, ngoài Phùng Bá Kỳ đỗ đại khoa, còn có Phùng Khoa Xưởng - quan viên tử, tiền hậu vệ; Phùng Năng Kính - tước bá; Phùng Đĩnh Lập - Tri huyện Thúy Vân; Phùng Thế Oánh - quan Chánh vô úy; Phùng Khoa Chủng - Tri huyện Trung Thuận; Phùng Du Thảo và Phùng Đôn Nghĩa - Tri huyện liêm binh, tước bá; Phùng Khuông Lục - tước hầu; Phùng Dong Oánh - Đô Chỉ huy sứ; Phùng Trung Tín - Thị nội mật sát trung úy hầu; Phùng Tôn Dục - quan viên tử.

Tấm gương nghĩa liệt

Anh đỗ đại khoa, em thành danh tướng- Ảnh 3.

Danh tướng Phùng Dong Oánh xếp bậc Thượng trụ quốc, cho ghi tên vào sổ trung nghĩa. Ảnh minh họa: IT.

Em của Tiến sĩ Phùng Bá Kỳ là Phùng Dong Oánh (1716 - 1748) tên chữ là Trung Cảnh, tên hiệu là Nhã Trực. Ông là con thứ 8 của quan Tham nghị Phùng Khoa Hân. Theo phả tộc, Phùng Dong Oánh sinh ra và lớn lên vào giữa thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Thế nước không yên khiến nảy sinh nhiều nhóm lục lâm, thảo tặc. Chúng ngụy danh quân nghĩa gây cảnh cướp của giết người. Dân chúng đã khổ sở lại càng thêm điêu đứng. Dân xã Vĩnh Mỗ cũng chịu chung thảm cảnh này.

Ngoài việc thường xuyên bị bọn giặc cướp kéo đến điên cuồng cướp phá, giết hại. Khi ấy, ở núi Thanh Lanh - vùng Tam Đảo có thủ lĩnh Nguyễn Danh Phương nổi lên chống lại triều đình, cát cứ cả một vùng rộng lớn, như: Bình Tuyền, Yên Lạc, Tam Dương, Bạch Hạc, Lập Thạch (nay đều thuộc tỉnh Vĩnh Phúc)… Nguyễn Danh Phương đã dẫn quân về đánh chiếm lỵ sở Yên Lạc khi đó đóng tại xã Vĩnh Mỗ. Cảnh đao binh lửa cháy người chết khiến dân tình nơi đây càng thêm khổ sở, ly loạn.

Cũng khi đó (khoảng năm 1740), Phùng Dong Oánh vốn xuất thân khoa bảng nhưng theo ngạch quan võ đời vua Lê Hiển Tông đương nhậm chức Tri huyện Bạch Hạc. Nghe tin quê nhà bị giặc cướp hoành hành, ông rất đau lòng liền dâng biểu lên triều đình xin về quê đánh giặc.

Tộc phả họ Phùng ở Vĩnh Mỗ chép rằng: Với cương vị là Đồn trưởng đồn Vĩnh Mỗ, Phùng Dong Oánh đã lặn lội hết mình, đêm ngày xây dựng đồn lũy, thao luyện quân binh cùng nhân dân đồng cam cộng khổ quyết tâm đánh giặc giữ làng.

Vừa truy đuổi giặc cướp, Phùng Dong Oánh vừa chỉ huy quân binh chiến đấu với quân của Nguyễn Danh Phương. Nguyễn Danh Phương là một thủ lĩnh có tài cầm quân, gặp Phùng Dong Oánh là một viên tướng trẻ tuổi mà rất kiên cường, lại có lòng trung thành tuyệt đối với triều đình Lê - Trịnh.

Theo đó, cuộc chiến đấu kéo dài ròng rã nhiều năm. Nhiều lần, Phùng Dong Oánh chỉ huy quân binh đánh trả mãnh liệt, khiến đối phương bị thua đau mà phải rút lui. Dân càng thêm tin tưởng, yêu mến, khâm phục tài đức của vị tướng trẻ.

Công trạng của Phùng Dong Oánh được triều đình ghi nhận. Ông được thăng bậc chỉ huy từ Trung úy lên Chánh võ Đô hiệu úy. Tháng 5 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748), Nguyễn Danh Phương lại dẫn quân tiến công đồn Vĩnh Mỗ. Phùng Dong Oánh tiếp tục chiến đấu nhưng vì bị cô lập, không nhận được tiếp ứng, lực lượng dần suy yếu.

Anh đỗ đại khoa, em thành danh tướng- Ảnh 7.

Gia phả họ Phùng Văn ở Vĩnh Mỗ xưa.

Đêm 24/5/1748, Nguyễn Danh Phương dùng mưu hiểm, bất ngờ tập kích. Trước sức công phá dữ dội của đối phương, đồn Vĩnh Mỗ bị vỡ. Phùng Dong Oánh trúng hơn mười vết thương, máu nhuộm đỏ áo trận. Không chịu nhục, ông vát nhọn ngọn tre ngà, trèo lên cao, nhìn ngắm quê hương lần cuối rồi buông mình tự vẫn ở tuổi 33.

Sau khi Phùng Dong Oánh hi sinh, gần 900 người gồm các tùy tùng, binh sĩ theo ông chiến đấu cũng đều bị giết hại, nỗi oán hận không sao kể hết. Xót thương người trung nghĩa vô song, dân hai xã Vĩnh Mỗ, Tiên Mỗ đã lập đền thờ, cung kính khói nhang tưởng nhớ. Từ đó về sau, ngày 25 tháng 5 hằng năm được người dân nơi đây lấy làm ngày giỗ trận.

Tận mãi về sau, trận đánh đồn Vĩnh Mỗ vẫn còn vang danh. Cảm kích bậc trung thần nghĩa kiệt, triều đình nhà Lê sau đó đã ban tặng Phùng Dong Oánh 4 chữ: “Trung nghĩa khả gia”, truy thăng vượt 3 bậc từ Tổng binh đồng tri lên Đô chỉ huy sứ.

Rồi lại thăng tới chức Khinh xa úy, trung ban, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân - Đô chỉ huy sứ Oánh Quận công - xếp bậc Thượng trụ quốc, thượng trật, cho ghi tên vào sổ trung nghĩa để thỏa tiếng thơm muôn đời.

Triều đình còn cấp 20 mẫu ruộng ở 3 xã Vĩnh Mỗ, Tiên Mỗ (thị trấn Yên Lạc ngày nay), và xã Đan Dương Thượng, huyện Bạch Hạc (nay thuộc Vĩnh Tường) làm ruộng tế tự, cấp cho 20 hộ dân xã Vĩnh Mỗ lập “Trung nghĩa đường” làm nơi khói hương, đời đời thờ phụng.

Cùng với những câu chuyện, giai thoại về nhà khoa bảng Phùng Bá Kỳ, ngày nay tại Yên Lạc (Vĩnh Phúc) còn nhiều dấu tích minh chứng về dòng họ Phùng Văn trong sự học, đường khoa danh cũng như sự nghiệp quan tước. Tại nhà thờ họ Phùng Văn hiện còn lưu giữ một số sắc phong, đại tự, câu đối thể hiện công lao dấu tích của các bậc tiền nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại