Khác xa so với những buổi tiệc cưới xa hoa, lộng lẫy ở thành phố, đám cưới quê luôn mang một vẻ đẹp riêng vừa mộc mạc lại rất đỗi dung dị.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Núi Thành (Quảng Nam), đôi bạn Văn Học và Bảo Tuyết đã cùng có những tháng ngày tuyệt đẹp bên nhau, từ khi còn đang là học sinh phổ thông.
Học là học sinh lớp chuyên Toán, Tuyết học chuyên Văn. Nhưng mãi tận khi vào Đại học, hai người mới quen nhau khi cùng đi chơi với nhóm bạn trong hội đồng hương.
Tình yêu của hai người diễn ra khá tự nhiên, cũng giống như chính con người của họ vậy.
Hình ảnh quen thuộc thường gặp trong những đám cưới quê.
Sau gần 10 năm bên nhau, Học và Tuyết hiện đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan. Đám cưới cũng được tổ chức một cách tranh thủ trong quãng thời gian ít ỏi hai người về thăm quê hương.
Nhà chú rể cách nhà cô dâu 33 km, toàn là đường đèo ngập nước và rất lầy lội. Đúng hôm rước dâu thì mưa lớn 2 ngày liên tiếp, lại cúp điện nên mọi khâu chuẩn bị đều bị đảo lộn.
Nhưng đúng như những gì mọi người chia sẻ: "quan trọng nhất vẫn là cái tình, có gì làm đó nhưng như vậy lại thành vui", đám cưới của Học - Tuyết diễn ra ấm cúng và rất đỗi nhẹ nhàng trong cái tình nồng thắm của hai bên gia đình.
Được hoàn tất trong quãng thời gian ngắn ngủi, từ 4h sáng cho tới 11h trưa nhưng bộ ảnh cưới của Văn Học - Bảo Tuyết vẫn toát lên được sự mộc mạc của các nhân vật chính và buổi rước dâu "có một không hai" giữa trời mưa lầy lội.
Đối lập với sự xa hoa thường thấy trong hôn lễ ở thành phố, đám cưới quê ẩn giấu nét đẹp riêng, chân chất nhưng luôn tràn ngập cảm xúc trước người xem.
Mặc dù đã thực hiện không ít bộ ảnh thú vị nhưng Wang Zam - nhiếp ảnh thực hiện phóng sự cưới của cặp đôi Học - Tuyết vẫn không thể nào quên được ấn tượng khó phai trong quá trình rong ruổi về vùng quê Quảng Nam làm việc.
Trong đó, phải kể tới cảm giác "choáng" thực sự khi phát hiện ra đúng hôm diễn ra đám cưới thì cúp điện, chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng cũng là một thử thách khó nhằn mà chàng nhiếp ảnh trẻ này phải vượt qua.
"Buổi tối hôm đó, mình đến nhà cô dâu và ngủ lại để tiện cho sáng sớm mai dậy chụp. Nhà ở quê nên hơi tối và không gian hẹp, khiến mình nghĩ rằng chắc sẽ khó chụp nhưng cảm giác lúc đó lại thấy thú vị và tình cảm.
Sáng hôm sau dậy thì thấy trời mưa nên hơi choáng vì tối quá, trong khi nhà chỉ có 2 chiếc đèn pin dự phòng đủ để thấy đường đi lại.
Tuy vậy nhưng cuối cùng lại tùy cơ ứng biến, chính vì gặp mưa và cúp điện nên mới bắt được nhiều khoảnh khắc đáng nhớ và tình cảm", Wang Zam chia sẻ.
Tại nhà trai: từ chiều hôm trước mọi việc đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng.
Thắp hương cho ông bà tổ tiên trước ngày con trai lấy vợ.
Tại nhà gái: từ sáng sớm không khí đã rộn ràng. Mẹ hí hoáy sửa lại bóng đèn, cô dâu đã ngồi yên trong phòng trang điểm.
Vì cúp điện nên chị trang điểm đã phải dùng đến chiếc đèn soi cá để làm việc.
Cả nhà chỉ còn đúng 2 chiếc đèn dự phòng đủ để soi đường đi.
Bóng bay mẹ và các em thổi từ hôm trước, giờ mang ra ngoài trang trí. Bầy vịt sau nhà cũng dậy sớm rộn ràng cùng mọi người.
Con gái phụ ba diện đồ đẹp, chuẩn bị đón khách.
Bố và em gái thắp đèn cầy, chuẩn bị dâng bàn thở tổ tiên.
Em họ cô dâu phụ đốt đèn, trong nhà mỗi người một việc.
Trong nhà tối quá, mang ra ngoài cho sáng vậy!
Phái đoàn nhà trai đã đến...
Dâu rể gặp nhau vui mừng khi người lớn đang làm lễ cúng tổ tiên.
Cô dâu đeo bông tai mẹ chồng cho, ai cũng trầm trồ.
Vui mừng khi nhận con dâu mới.
Có điện rồi, mẹ chỉ bóng điện nhờ con trai chỉnh giúp.
Dâu rể hoan hỉ ra xe về nhà chồng.
Để anh dắt em qua con đường lầy lội.
Đến nhà chú rể cũng là lúc trời đổ cơn mưa tầm tã.
Hồi hộp chờ chú rể vào phòng tân hôn.
Giờ là khoảnh khắc "động phòng hoa chúc"!
ảnh: Wang Zam