Clip: Cảnh tượng nhộn nhịp tại làng sản xuất lá dong Tràng Cát.
Thôn Tràng Cát (xã Thanh An, Thanh Oai, Hà Nội) có diện tích trồng lớn nhất Hà Nội. Toàn thôn có hơn 300 hộ trồng lá dong, với diện tích hàng chục hec-ta. Từ mùng 10 tháng Chạp, nhiều gia đình bắt đầu thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán và cung cấp cho thị trường trong nước và ngoài nước.
Tới thôn Tràng Cát vào những ngày cuối năm đâu đâu cũng thấy lá dong, từ ngoài đồng cho đến vườn nhà. Người dân trong thôn cho biết, việc trồng lá dong khá đơn giản, chỉ cần tách nhánh rồi trồng sau đó chăm bón, làm cỏ rồi đợi ngày thu hoạch.
Gia đình ông Phan Văn Khoát (Tràng Cát, Thanh Oai) trồng hơn 2 sào lá dong, năm nay lá dong được mùa nên ông rất phấn khởi, huy động cả gia đình ra thu hoạch để kịp buôn bán. "Thời tiết thuận lợi cho ra lá xanh tốt và to, mỗi năm có thể thu hoạch được 2 vụ lớn đó là tháng 7 và cận Tết. Nhưng thời điểm giáp Tết này mới là bận nhất, gia đình chúng tôi huy động hết con cháu ra thu hoạch để kịp xếp hàng cho lái buôn vào mua", ông Quang nói.
Mỗi vườn lá dong có thể thu hoạch từ 2 - 3 vụ trong năm, nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết Nguyên đán. Người dân sử dụng dao nhỏ sắc bén (dao bổ cau) rồi cắt cuống lá sát gốc.
"Lá dong trồng dễ nhưng quá trình chăm sóc khá tốn công sức, quan trọng hơn là việc bón phân, tưới nước phải đúng thời điểm để có lá đẹp phục vụ dịp lễ Tết. Mỗi năm nhà tôi thu được từ nghề này khoảng vài chục triệu đồng", bà Nguyễn Thị Nguyễn (thôn Tràng Cát) cho biết.
Sau khi cắt xong, lá dong được đem về rửa sạch, xếp thành từng bó lớn chờ thợ buôn đến đánh hàng. Lá dong Tràng Cát được ưa chuộng nhờ chất lá đẹp nên khi gói bánh sẽ cho màu xanh tự nhiên, bắt mắt.
Lá dong sau khi được phun rửa sạch sẽ để phơi khô ráo nước rồi bó lại từng bó chờ thương lái đến mua hoặc tự vận chuyển đến những nơi cần tiêu thụ.
"Lá dong ở Tràng Cát nổi tiếng với loại lá dong nếp, to tròn và rất đẹp, lá có độ dai nên khi gói bánh rất bền mà không bị rách. Lá ở đây khác hẳn so với lá dong rừng, lá dong rừng gói bánh khi luộc lên màu lá sẽ bị chuyển thành màu bạc nhìn không bắt mắt bằng màu xanh nõn của lá ở làng Tràng Cát. Nếu nhà hàng nào mà dùng lá dong rừng thì sẽ phải dùng hoá chất", ông Nguyễn Vũ Quang chia sẻ.
Lá dong khi được cắt từ ngoài vườn về, người dân phân loại và xếp thành từng cọc, mỗi cọc có khoảng 100 tàu lá. Lá to đẹp có thể bán được với giá từ 150.000 đồng một bó.
Ngoài ra theo ông Quang, ngoài xuất khẩu trong nước, lá dong còn được gia đình ông xuất sang nước ngoài như Pháp, Anh, Mỹ... "Kiều bào ta đang sinh sống tại nước ngoài muốn gói bánh đón Tết cổ truyền đều đặt mua lá ở nhà tôi, mỗi năm tôi có thể xuất vài vạn lá sang bên các nước khác", ông Quang nói thêm.
Tuỳ vào việc phân loại lá dong, lá to đẹp sẽ bán có giá hơn so với các loại lá bé hơn. "Thị trường chủ yếu là các tỉnh miền Bắc, nhưng trong miền Nam vẫn cung cấp. Các mặt hàng lá dong to đẹp đều đã có các nhà hàng, hoặc những người gói bánh với số lương lớn đặt trước", bà Nguyễn Thị Tuất kể.
Việc thu hoạch lá dong sẽ kết thúc vào khoảng ngày 25/12 Âm lịch, thời điểm đó nếu như thương lái vẫn còn thu mua thì người dân sẽ tiếp tục nhặt nhạnh để bán, còn không họ sẽ cắt bỏ và chuẩn bị cho một mùa vụ mới.