Hai ngày qua, dòng người tìm về chùa Từ Hiếu rất đông để mừng thọ Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Được biết, ngày 11/10 là ngày mừng thọ tuổi 93 của ngài.
Khoảng 8h ngày 11/10, thiền sư Thích Nhất Hạnh trong bộ áo nâu sòng, đội mũ len ngồi trên xe lăn được đẩy từ thất Lắng Nghe (nơi thiền sư tịnh dưỡng một năm qua) sang thiền đường Trăng Rằm cạnh bên. Thiền sư muốn yên tĩnh nên các phật tử chỉ đứng bên ngoài chắp tay làm lễ từ xa.
Đoàn người hành hương đi dạo để hưởng không khí trong lành với nhiều cây cối mát mẻ trong chùa Từ Hiếu.
Nhiều người chọn cách ngồi thiền dưới những hàng cây râm mát.
Cũng có người một mình thịnh tâm để thiền định.
Số khác thì dạo quanh thiên đường Trăng Rằm - nới được bài trí để mừng thọ tuổi 93 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Các phật tử, khách hành hương dùng cơm ngay tại chùa với hy vọng có duyên diện kiến Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Ngày 28/10/2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu để xin tịnh dưỡng tại đây cho đến cuối đời. Sở dĩ Thiền sư Thích Nhất Hạnh chọn chùa Từ Hiếu làm nơi tịnh dưỡng vì đây là nơi ngài xuất gia học đạo thuở thiếu thời.
Ngày 9/10, trả lời PV VTC News, Thượng tọa Thích Từ Đạo - Giám tự chùa Từ Hiếu (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn đang tịnh dưỡng tại chùa, sức khỏe của thiền sư khá tốt, tuy nhiên do tuổi cao nên đôi lúc ngài hay bị mệt. Thỉnh thoảng ngài ngồi trên xe lăn để các đệ tử đưa đi vãn cảnh chùa, hít thở không khí trong lành.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 (tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo) tại Thừa Thiên - Huế.
Năm 16 tuổi, ngài xuất gia ở chùa Từ Hiếu (nay thuộc TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nơi đây ông thọ giáo với Thiền sư Thanh Quý - Chân Thật và được ban pháp danh Trừng Quang, tự Nhất Hạnh. Ngày 1/5/1966 tại chùa Từ Hiếu, Thiền sư Chân Thật trao ấn khả cho Thích Nhất Hạnh để từ đây ngài trở thành một thiền sư (thầy dạy về thiền).
Thiền sư Thích Nhất Hạnh phối hợp kiến thức của ngài về nhiều trường phái thiền khác nhau cùng với các phương pháp từ truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, những nhận thức sâu sắc từ Phật giáo Đại thừa, và các phát kiến của ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo thành cách tiếp cận hiện đại của ngài đối với thiền.
Với những hoạt động không ngừng nghỉ, theo đánh giá của các hãng tin nước ngoài, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma.