Một thương vụ mạo hiểm, Shark Phú vẫn quyết định đầu tư vì tin vào start-up đã từng phá sản
Nhắc đến khởi nghiệp, có thể thấy rất nhiều những tấm gương thành công, tuy nhiên, cũng không ít bài học về thất bại. Và câu chuyện của start-up Xuân Hùng mang đến chương trình Thương vụ bạc tỷ phát sóng tối qua đã cho thấy: khởi nghiệp không hề dễ dàng.
Start-up Xuân Hùng là nhà sáng lập công ty chuyên về kinh doanh phụ tùng ô-tô Sedan Việt. Anh tham gia Shark Tank Việt Nam cùng người bạn đồng hành là Hồng Đức.
Trước khi chuyển hướng sang kinh doanh trong lĩnh vực phụ tùng ô-tô, Xuân Hùng đã từng sở hữu một hãng xe taxi nhỏ.
"Vạn sự khởi đầu nan", một start-up 21 tuổi đời, chưa có kinh nghiệm chập chững bước vào thương trường khốc liệt đã phải trải qua không ít gian nan và nếm mùi thất bại.
Start-up Xuân Hùng (bên phải) và bạn đồng hành tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ, kêu gọi 8 tỷ đồng cho công ty chuyên kinh doanh phụ tùng ô-tô.
Start-up chia sẻ về lần thất bại của mình: "Công ty phá sản sau 2 năm, do tôi còn non trẻ, không lãnh đạo được công ty mà lại bị các tài xế lớn tuổi hơn dẫn dắt.
Nguồn vốn để mở công ty là do tôi vay mượn và được bố mẹ hỗ trợ, đến tháng 2 năm 2012, tôi nợ 5 tỷ đồng do công ty phá sản. Lúc đó tôi không còn gì, chỉ còn chiếc xe máy, một nhẫn vàng cũng phải bán nốt để trả nợ."
Nhớ lại về lần thất bại đầu tiên, doanh nhân trẻ thậm chí đã không cầm được nước mắt: "Lúc đó không còn một ai tin mình nữa, khi mình ngã rồi thì không còn ai tin cả, chỉ còn cách là tự đứng lên.
Tuy nhiên, tôi vẫn xây dựng cho mình một chuẩn mực của bản thân, là dù mình mất tiền nhưng không thể mất giá trị.
Cho nên từ đó nên nay, tôi vẫn trả nợ cho tất cả những người đã cho mình vay tiền, không thiếu một ai, tôi trả cả tiền gốc và lãi. Giai đoạn trước năm 2014, phải trả đến 78 triệu đồng tiền lãi một tháng, tôi vẫn chạy xe ôm ở chợ trời để trả nợ."
Đi gọi vốn đầu tư nhưng lại chia sẻ về lần kinh doanh đầu tiên thất bại, có lẽ đây không phải là một ý tưởng đúng đắn. Tuy nhiên, chính chi tiết này lại khiến các Shark đánh giá cao về quyết tâm đứng lên sau vấp ngã, một tố chất cần có của các start-up trẻ.
Tham gia chương trình, Sedan Việt đề nghị 8 tỷ đồng cho 20% giá trị công ty, hai start-up cho biết họ khởi nghiệp ở lĩnh vực này là bởi ngành công nghiệp ô-tô đang phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì hiện tại cả nước đang có 3 triệu đầu xe. Mỗi năm có thêm khoảng 400 nghìn đầu xe thương mại, do đó đây là ngành công nghiệp tỷ đô đầy hứa hẹn ở Việt Nam.
"Chúng tôi kinh doanh trong lĩnh vực phụ tùng ô-tô đã được 4 năm. Khác biệt của chúng tôi so với các hệ thống nhỏ lẻ khác ở miền Bắc là chúng tôi có hệ thống chuyên biệt hóa về mã sản phẩm.
Chúng tôi còn đang phát triển một ứng dụng chuyên biệt dành cho lái xe, có sự tương tác giữa công ty với tài xế và đơn vị sửa chữa, tạo ra một hệ sinh thái" – sSart-up Hồng Đức chia sẻ.
Hiện tại, Sedan Việt đang tự cung cấp linh kiện, phụ tùng ô-tô cho người dùng, điều này khiến Shark Mạnh Dũng bày tỏ băn khoăn, bởi vị Sahrk này chia sẻ bản thân ông hay nhiều tài xế khác khi xe có vấn đề sẽ đưa thẳng vào gara sửa chữa, không có nhu cầu tự mua phụ tùng, linh kiện.
Sedan Việt là công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực phụ tùng ô-tô, thành lập từ năm 2014.
Shark Phú lên tiếng hỏi về tình hình kinh doanh của công ty sau 4 năm, start-up Xuân Hùng chia sẻ: "Vốn điều lệ của công ty là 1,9 tỷ. Hiện tại tài sản của công ty khoảng hơn 3 tỷ đồng. Tôi là người duy nhất sáng lập công ty này, kinh doanh từ mô hình công ty gia đình đi lên.
Năm 2016 doanh số đạt 8 tỷ đồng, lợi nhuận thu về là 1,6 tỷ. Năm 2017 doanh số 12 tỷ, lợi nhuận 2,3 tỷ. Đến 6 tháng đầu năm nay, doanh thu đã đạt 7,5 tỷ, lợi nhuận đem về khoảng 1,6 tỷ, đạt 84% kế hoạch năm".
Hiện tại, dù vẫn còn nợ khoảng 1,9 tỷ đồng, nhưng start-up Xuân Hùng đã và đang tiếp tục xây dựng công ty với hoạt động kinh doanh liên tục tăng trưởng lợi nhuận. Doanh thu hằng tháng từ 230-270 triệu đồng.
Shark Hưng chia sẻ sau khi lắng nghe câu chuyện: "Anh vẫn cảm thấy lo lắng vì tài sản của công ty và của cá nhân em đang gộp thành một, trong khi quá khứ em từng bị vỡ nợ, mặc dù anh rất thông cảm với nỗi đau đó.
Đến người thân còn không tin tưởng em về năng lực kinh doanh, thì anh cũng không dám. Nên anh quyết định không đầu tư"
Đó có lẽ cũng là tâm trạng chung của các nhà đầu tư còn lại. Duy chỉ có Shark Phú, ông cho hay mặc dù không dám đầu tư vào công ty bởi còn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng ông vẫn quyết định rót vốn vì vị chủ tịch tập đoàn Sun-House gửi gắm niềm tin vào con người.
Shark Phú quyết định đầu tư vì tin vào ý chí của nhà khởi nghiệp trẻ.
Shark Phú đề nghị 8 tỷ đồng, dưới dạng trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 15% năm. Cổ phần sẽ được chuyển đổi theo giá trị sổ sách sau 18-24 tháng nếu hiệu quả kinh doanh đạt yêu cầu.
Sau một hồi cân nhắc, hai start-up đề nghị chuyển đổi cổ phần sau 3 năm, thay vì 18-12 tháng như điều kiện Shark Phú đưa ra.
Nhà đầu tư chia sẻ: "Nếu sau 3 năm doanh thu đạt yêu cầu, anh chỉ cần nắm khoảng 40% cổ phần là được. Nhưng anh khẳng định, không chỉ 8 tỷ mà đến 100 tỷ anh cũng có thể rót được nếu công ty có tiềm năng.
Anh tin ở con người, tin vào bản lĩnh của em nên anh mới quyết định đầu tư cho em".
Thương vụ thành công bởi nhà khởi nghiệp trẻ đã chứng minh cho các nhà đầu tư cũng như người xem thấy được ý chí, bản lĩnh đứng lên sau thất bại của mình.