Tập trung vào các vấn đề xã hội, nhiếp ảnh gia Bangladesh GMB Akash dùng chính những tác phẩm của mình để cất lên tiếng nói cho những người tị nạn, lao động trẻ em và những nhóm người bị bỏ quên.
Những dự án của nhiếp ảnh gia này đã cho thấy niềm đam mê và sự cống hiến không ngừng nghỉ của ông. Đặc biệt, Akash đã dành hơn 1 thập kỷ để ghi lại cuộc sống khốn khổ của những đứa trẻ Bangladesh không có tuổi thơ và phải mưu sinh từ khi còn nhỏ.
Những đứa trẻ này phải làm những công việc vất vả và nguy hiểm để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình từ khi mới 5 tuổi. Tuy nhiên, chúng chỉ được trả khoảng 4 - 8 USD/tháng so với mức lương 60 USD/tháng của người lớn.
Thông qua những tác phẩm của mình, nhiếp ảnh gia Akash mong rằng sẽ có sự thay đổi và hy vọng cho lao động trẻ em, không chỉ ở Bangladesh mà còn trên khắp thế giới.
"Khi tôi làm việc với cộng đồng người đồng tính, người ta gọi tôi là đồng tính. Khi tôi ghi lại những hình ảnh về lao động trẻ em, họ nói tôi buôn bán trên sự nghèo khổ của những đứa trẻ. Tuy nhiên, tôi không quan tâm những điều ấy mà chỉ lắng nghe những điều trái tim mình mách bảo. Đó là đem sự thật ra trước ánh sáng", nhiếp ảnh gia chia sẻ.
Akash cũng cho biết thêm: "Thành thật thì ảnh tư liệu không phải là một lĩnh vực kiếm được nhiều tiền. Bây giờ vẫn rất khó khăn và thậm chỉ nó còn khó khăn hơn khi tôi bắt đầu theo đuổi năm 1996. Mẹ tôi thường nói: "Khi con không còn lấy 1 xu trong túi, tình yêu của con sẽ bay đi thôi". Thế nhưng, cho đến nay, với tôi, tình yêu ấy vẫn là nhiếp ảnh".
Vượt qua sự không thoải mái và thiếu tự nhiên ban đầu với các nhân vật, Akash chia sẻ: "Càng gần gũi và thân thiết với họ, nhiếp ảnh càng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Tôi không còn phải tìm kiếm những góc đặc biệt hay những điểm nghệ thuật nữa. Tôi chỉ mở lòng mình và chờ đợi đúng thời điểm cho một khuôn hình đầy cảm xúc".
Akash bắt đầu ghi lại cuộc sống của lao động trẻ em cách đây 15 năm. Phải dành chủ yếu thời gian trong những nhà máy, hai tiếng "tuối thơ" biến mất khi những đứa trẻ Bangladesh chỉ vừa lên 5.
Những đứa trẻ này đều trưởng thành trước tuổi với những giọt nước mắt câm lặng trong những nhà máy bóc lột sức lao động của chúng một cách tàn tệ nhưng là những nơi duy nhất chúng có thể mưu sinh.
Có một thực tế đau lòng ở Bangladesh là dường như không có công việc nào mà không có trẻ em tham gia, kể cả những công việc nguy hiểm trong những nhà máy về thuốc lá, đóng gạch, than đá, tơ sợi... Với những đứa trẻ này, những bộ quần áo rách rưới là trang phục hàng ngày và một quả chuối với mẩu bánh mì đã là một bữa ăn vô cùng ngon miệng.
Cậu bé Abu, 10 tuổi từng chia sẻ với nhiếp ảnh gia: "Cháu không có gì ăn hôm qua và đi ngủ với cái bụng đói. Nhưng bây giờ cháu thấy vô cùng may mắn khi tìm được mẩu bánh mì hỏng này. Giày, quần áo và thức ăn của cháu đều lấy từ bãi rác kia. Bác sẽ hỏi cháu về mùi của chúng ư? Ai đó đã bỏ rơi cháu từ khi cháu sinh ra ở đây nên mùi của nơi này khiến cháu cảm thấy như ở nhà. Đây là nhà của cháu và những con chó, con chim kia là gia đình cháu".
"Cháu không đến trường nữa. Cháu phải chọn giữa trường học và thức ăn cho mẹ và các em cháu. Bố cháu đã chết trong đợt nắng nóng năm ngoái. Cháu đã làm thay công việc của bố ở nhà máy nhưng cháu không khỏe như bố..."
"Cháu thấy rất mệt, buồn ngủ và đói. Cháu nhớ trường, nhớ bạn bè và nhớ cảm giác được bơi ở con sông gần nhà. Có một chú thỉnh thoảng mua kem và giúp đỡ cháu những việc cháu không thể làm. Cháu muốn như chú ấy. Cháu muốn giúp những người nghèo khó bởi cây kem của chú ấy luôn nhắc nhở cháu rằng: "Chúng ta cần nhau", Rony, một lao động trẻ em chia sẻ câu chuyện của mình.
Nói về cảm xúc khi chụp những bức ảnh, Akash bày tỏ: "Đôi khi sự im lặng còn giá trị hơn lời nói. Tôi không thốt lên lời khi lắng nghe câu chuyện của những người tị nạn, những đứa trẻ, những người lao động và nhiều người nữa. Lắng nghe những điều ấy khiến tôi cũng cảm thấy đau lòng. Đó là lý do tôi luôn giữ im lặng trong suốt thời gian họ kể chuyện".
"Điều thú vị nhất là sau những khoảng lặng, hầu hết họ đều mỉm cười với tôi. Chúng tôi không nói về những vết thương lòng khó lành nữa. Họ mỉm cười với tôi và những giọt nước mắt thì lăn trên má. Những khoảnh khắc ấy là vô giá. Tôi không thể miêu tả được, dù là bằng những bức ảnh hay ngôn từ", Akash xúc động nhớ lại.
Sức mạnh của một đứa trẻ 6 tuổi làm việc nuôi mẹ ốm hay lòng dũng cảm của một người bà tị nạn vượt biển trên chiếc thuyền cao su tìm kiếm đứa cháu là niềm cảm hứng của tôi. Những tâm hồn ấy chưa bao giờ mất đi hy vọng".
Nói về lý do hướng ống kính vào những vấn đề xã hội, nhiếp ảnh gia Bangladesh chia sẻ: "Nhiều năm nay, tôi tập trung vào đề tài lao động trẻ em và thực tế là có những nơi, tuổi thơ của những đứa trẻ được trả chưa tới 1 USD/ngày. Khi một đứa trẻ làm việc trong một nhà máy bóng bay nói với tôi: "Cháu làm những quả bóng này cho em gái. Cháu không có thời gian để chơi. Cháu chỉ có thời gian phụ giúp gia đình", tôi nhận ra tôi nên hướng ống kính của mình vào những cuộc đời giống như cậu bé ấy.
Những bức ảnh của Akash là một cách để nâng cao nhận thức và khiến nhiều người hiểu về cuộc đời của những con người bị lãng quên, trong đó có cả những đứa trẻ.
"20 năm qua, mỗi người tôi gặp đều có một câu chuyện. Tôi cố gắng nắm bắt vẻ đẹp con người và tâm hồn của họ. Dù trong một vài hoàn cảnh thực tế, những bức chân dung nhân vật tôi chụp có phần tăm tối nhưng họ đều là những người mạnh mẽ với những tính cách tuyệt vời. Sứ mệnh của tôi, với tư cách là một nhiếp ảnh gia, chính là đem điều ấy lan tỏa tới mọi người"./.