Ảnh minh họa
Những chiếc chum chứa xương người
Năm 1978, ở huyện Lam Nhữ, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), người cán bộ văn hóa Lý Kiến An nghe nói ở khu vực vườn táo gần đó có người đào được rất nhiều mảnh gốm vỡ, liền tức tốc đem cuốc đến đào.
Lấy vườn táo làm trung tâm, anh Lý đào rộng ra bốn phía quanh khu vực đó, kết quả sau một ngày miệt mài làm việc, anh ta đào được 13 chiếc chum gốm hoàn chỉnh, trong đó chỉ có 1 chiếc có trang trí hoa văn. Ngoài những thứ đó ra, anh ta cũng không đào thêm được thứ gì nữa. Sau đó anh ta lấy xe lần lượt mang những chiếc chum gốm đó về nhà.
Một trong những chiếc chum được phát hiện có hoa văn hình con cò, con cá (Ảnh: Kknews)
Về nhà, anh Lý mang những chiếc chum này ra xem, phát hiện bên trong toàn là "đất và xương người". Hóa ra những chiếc bình này là công cụ an táng của người xưa. Người thân trong nhà anh nhìn thấy những thứ này thì vô cùng sợ hãi, kịch liệt bắt anh phải vứt chúng đi. Anh Lý không còn cách nào, đành mang toàn bộ số chum gốm này đến để ở nơi làm việc.
Thời đó trình độ của các cán bộ văn hóa không cao, không có nhiều hiểu biết về cổ sử, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, cho nên, không chỉ những người đồng nghiệp của anh Lý mà cả những cán bộ văn hóa ở cấp cao hơn anh cũng cho rằng những chiếc chum anh đào được không có giá trị gì cả.
Suốt hàng năm trời, những chiếc chum nằm im trong kho.
Bảo vật quốc gia, bị "cấm đưa ra nước ngoài"
Sang năm 1980, một số cán bộ của tỉnh và huyện đã tiến hành điều tra chi tiết về 13 chiếc chum của anh Lý, họ đăng một bài nghiên cứu trên tạp chí "Trung Nguyên Văn Vật" với tiêu đề "Báo cáo về việc điều tra di chỉ đồ đá mới ở Lam Nhữ", trong đó giới thiệu với công chúng về những chiếc chum này.
Bài báo đã thu hút sự chú ý lớn của các chuyên gia tại Viện bảo tàng tỉnh Hà Nam, qua nghiên cứu, các chuyên gia xác nhận chiếc chum duy nhất có hoa văn là một hiện vật quan trọng thuộc về văn hóa Ngưỡng Thiều.
Hình vẽ trên chum đơn giản nhưng màu sắc rất hài hòa và sinh động. (Ảnh: QQ)
Văn hóa Ngưỡng Thiều (5000 - 3000 TCN) là một nền văn hóa thuộc thời kỳ đồ đá mới.
Các di chỉ của nó được phát hiện tại nhiều địa điểm lưu vực sông Hoàng Hà từ năm 1921 với đặc điểm điển hình là "đồ gốm màu" (để phân biệt với "đồ gốm đen" trong các nền văn hóa khác). Hình thức mai táng phổ biến được sử dụng là mai táng bằng "mộ chum" - thi thể được đặt trong các chum, vò.
Bức hình trên chiếc chum duy nhất có hoa văn tên là "Hạc Ngư Thạch Phủ Đồ" (bức tranh con hạc, con cá và chiếc rìu đá). Màu sắc chủ đạo trên bình là màu hồng đất, chiều cao 47 cm, đường kính đáy và miệng lần lượt là 19 cm và 32 cm.
Trên thân bình có vẽ hình một con chim, miệng đang ngậm một con cá lớn, bên cạnh là một chiếc rìu bằng đá. Hình vẽ trang trí được đánh giá là đơn giản nhưng màu sắc rất hài hòa và sinh động. Gần miệng chum còn có bốn quai cầm đã bị sứt mẻ gần hết.
"Hạc Ngư Thạch Phủ Đồ" được coi là đại diện tiêu biểu của văn hóa Ngưỡng Thiều, mang phong cách nghệ thuật hội họa ở thời kỳ sơ khai, cũng là bức tranh trên đồ gốm có tuổi đời lâu nhất được phát hiện cho đến thời điểm hiện nay tại Trung Quốc.
Sau đó, chiếc chum được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc và vào năm 2003, nó nằm trong số 64 hiện vật đầu tiên được Cục Văn vật Quốc gia Trung Quốc đưa vào danh sách những hiện vật "không được phép đưa ra triển lãm tại nước ngoài".