Đây được xem là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Việt Nam sẽ ngừng đặt hàng thêm Gepard 3.9, nguyên nhân được giải thích chủ yếu do đây là một thiết kế từ thập niên 1980 tỏ ra đã khá lạc hậu.
Mặc dù gần đây Nga đã cho ra mắt các phiên bản nâng cấp sâu cũng như biến thể đời sau là tàu hộ vệ tên lửa Dự án 11664 nhưng cơ bản chúng không có đột phá về công nghệ.
Trong trường hợp Việt Nam ngừng mua thêm Gepard 3.9 thì lại đang nổi lên một ứng viên rất sáng giá khác, đó chính là tàu hộ vệ tên lửa lớp Steregushchy - Dự án 20380.
Steregushchy - Dự án 20380 là thế hệ tiếp theo của tàu hộ vệ tên lửa lớp Grisha do nhà máy Severnaya Verf và Komsomolsk Shipyard đóng cho hải quân Nga, đây là lớp khinh hạm tàng hình đa năng rất tiên tiến.
Tàu được thiết kế phù hợp với hoạt động tại vùng duyên hải gần bờ, có thể thực hiện tốt mọi nhiệm vụ từ chống hạm, chống ngầm, phòng không đến hỗ trợ đổ bộ, chiếc đầu tiên vào biên chế hải quân Nga năm 2007.
Một điều rất đáng chú ý đó là trước khi Việt Nam chính thức ký hợp đồng đặt mua tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thì chiếc Steregushchy mới là đối tượng được phía Nga chào hàng cho Việt Nam.
Mặc dù lượng giãn nước và kích thước khá tương đồng, nhưng do là một thiết kế mới hoàn toàn chứ không phải sửa đổi từ một mẫu tàu cũ nên khả năng tàng hình của Steregushchy được đánh giá cao hơn hẳn.
Pháo hạm A-190E cỡ 100 mm của Steregushchy có tầm bắn xa và uy lực hơn AK-176M trên Gepard 3.9, hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Kashtan dẫn bắn bằng radar nên vẫn hoạt động tốt trong điều kiện sương mù so với Palma dẫn bằng cách bám chùm laser.
Bên cạnh đó, tàu còn có hangar để mang theo trực thăng trong những chuyến đi biển dài ngày, kết hợp với hệ thống sonar Zarya-M cho khả năng tác chiến toàn diện.
Nguyên nhân khiến Việt Nam quyết định lựa chọn lớp tàu chiến cũ hơn là Gepard 3.9 chứ không phải Steregushchy vẫn vì một lý do cơ bản: Dự án 20380 chưa từng được kiểm nghiệm năng lực hoạt động trong thực tế.
Tại thời điểm năm 2006, chiếc Steregushchy vẫn đang trong quá trình chế tạo, chưa thể đánh giá toàn diện mọi tính năng của lớp chiến hạm này. Thêm vào đó, đơn giá của nó cũng cao hơn Gepard 3.9 khoảng 25%.
Thực tế trong quá trình khai thác, một số vấn đề cũng đã phát sinh mà nổi bật nhất là radar trinh sát đường không Furke 2 gặp khó trong việc dẫn bắn cho tên lửa tầm xa.
Sau đó, khi vấn đề đã được khắc phục và Nga cho ra đời biến thể Dự án 20381 với hệ thống phòng không tầm trung Redut sử dụng tên lửa 9M96E thì nó lại được nhắc đến như một ứng viên sáng giá cho thế hệ tàu hộ vệ tên lửa tiếp theo của Việt Nam.
Với diễn biến mới, sẽ không quá ngạc nhiên nếu trong tương lai Việt Nam đàm phán với Nga về việc đóng mới lớp tàu hộ vệ tên lửa cỡ 2.000 tấn rất tiên tiến này.