Khi hay tin Đại tá Nguyễn Văn Bảy - người từng 94 lần lái máy bay MiG17 xuất kích, bắn rơi 7 máy bay Mỹ - bị đột quỵ, đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 TP.HCM, hàng chục cựu chiến binh không quân đã tìm đến thăm hỏi. Trong phòng bệnh, ai nấy đều sụt sùi gọi tên anh Bảy thân thiết, nắm tay nhắn nhủ vị Đại tá chân quê ấy mau chóng bình phục.
Những đồng đội của Đại tá Nguyễn Văn Bảy không khỏi xúc động.
"Anh Bảy à! Vừa là một nông dân vừa là một huyền thoại"
Có mặt tại Bệnh viện 175 cùng nhiều đồng đội trong Đoàn Cựu chiến binh Không quân và Ban Liên lạc Cựu chiến binh Không quân phía Nam, ông Nghĩa xúc động kể: "Mới cách đây 3 ngày, anh Bảy còn lên Sài Gòn, ngồi uống với chú cốc rượu, nhắc nhớ chuyện chiến tranh vui vẻ lắm. Vậy mà vừa về Đồng Tháp thì xảy ra chuyện…".
Đồng đội, anh em trong Đoàn Cựu chiến binh Không quân tới thăm Đại tá Bảy.
Theo chia sẻ từ ông Nghĩa, Đại tá Bảy là người vui vẻ, hiền lành. Thuở chiến tranh, cả hai cùng chiến đấu, rồi sau đó nhờ tình đồng đội nên gắn kết với nhau. Mỗi tháng, vào dịp truyền thống của Ban Liên lạc Cựu chiến binh không quân phía Nam, ông Bảy đều lặn lội từ Đồng Tháp lên TP.HCM hội ngộ cùng anh em.
Năm 2018, vị Đại tá chân quê này còn sang Mỹ theo chương trình Hội ngộ giữa 2 lực lượng Mỹ-Việt để nói chuyện cùng lực lượng ở bên kia chiến tuyến.
Với tất cả đồng đội, Đại tá Nguyễn Văn Bảy chính là một huyền thoại của không quân Việt Nam, nhắc đến ông ai ai cũng đều biết.
"Anh Bảy à! Anh ấy vừa là một nông dân, vừa là một huyền thoại. Nông dân vì có vị Đại tá nào về già lại chỉ thích về quê đào ao nuôi cá, trồng rau. Huyền thoại thì hồi đó tuy anh ấy không phải là người bắn rơi nhiều nhất, nhưng có mấy ai lái con MiG17, loại máy bay mà Mỹ còn bảo là đống sắt gỉ, chỉ có đạn không tên lửa, bay rất chậm, khả năng tiếp cận rất thấp, vậy mà làm máy bay tiêm kích, ném bom F105 tốc độ cao của Mỹ phải khiếp sợ…" - một đồng đội chia sẻ.
Mọi người đều mong mỏi Đại tá Nguyễn Văn Bảy mau chóng bình phục.
"Nãy thấy nhịp tim 89, thấy nhịp thở vẫn thở đều, chỉ hôn mê không biết gì thôi. Mong sao anh ấy có thể gắng sức vượt qua được", người đồng đội nói rồi lại nắm đôi bàn tay, kêu to tên vị Đại tá: "Anh Bảy ơi anh Bảy! Ráng mở mắt nhìn tụi em, ráng khoẻ lại trở về với gia đình nghen anh Bảy…".
Đứng trước cửa phòng bệnh, vợ và con trai út của Đại tá Nguyễn Văn Bảy không giấu nổi nỗi lo lắng. Theo chia sẻ từ bà Trần Thị Niên (vợ Đại tá Nguyễn Văn Bảy), cách đây 3 hôm, ông Bảy ra vườn nhà trồng cây như mọi ngày.
Gần 4 tiếng đồng hồ, trời chuyển mưa giông mà không thấy chồng vào, bà Niên nghĩ có chuyện chẳng lành nên liền gọi hàng xóm, bà con ra tìm.
"Lúc chạy ra vườn thì cô đã thấy chú nằm bất tỉnh dưới đất, nhắm mắt không còn biết gì nữa. Hàng xóm phụ cô đưa chú vào nhà, tắm nước nóng. Đưa lên Bệnh viện Sa Đéc thì bác sĩ chuyển lên Bệnh viện 175 lúc 12h khuya" - bà Niên buồn rầu nhớ lại.
Bà Niên bần thần nhớ lại giây phút phát hiện chồng bất tỉnh.
Sau khi Đại tá Nguyễn Văn Bảy về hưu, ông cùng vợ về quê nhà ở Đồng Tháp để sinh sống. Tuy đã 83 tuổi nhưng ông rất khoẻ mạnh, chưa từng ốm vặt hay sử dụng bất kì loại thuốc huyết áp nào. Mỗi ngày, ông Bảy vẫn giữ thói quen trồng cây, nuôi cá trong vườn nhà để làm thú vui tuổi giả.
Nghe tin bố đột ngột trở bệnh nặng, anh Quân (con út Đại tá Nguyễn Văn Bảy) không khỏi xót xa.
"Bác sĩ chẩn đoán do tăng huyết áp, có hơn 200cc máu đọng trong não của ba nên không ai dám chỉ định phẫu thuật. Nghe tin ba bệnh, đau buồn lắm nhưng anh vẫn phải cố gắng để làm chỗ dựa, cùng mẹ chăm sóc ba…" - anh Quân bày tỏ.
Lão nông bắn rơi 7 máy bay Mỹ
Đại tá Nguyễn Văn Bảy (83 tuổi) tên thật là Nguyễn Văn Hoa, sinh tại huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Trong kháng chiến chống Mỹ, ông thuộc biên chế của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 (mật danh Đoàn Yên Thế), tham gia trực tiếp vào trận đánh ở Bắc Sơn - Chi Lăng.
Với 94 lần lái máy bay MiG17 xuất kích, 13 lần nổ súng và bắn rơi 7 chiếc máy bay Mỹ, ông là một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES, một danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai, dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên.
Vị Đại tá 7 lần bắn rơi máy bay khiến Mỹ khiếp sợ.
Được biết, năm 17 tuổi, ông Bảy bị ba mẹ ép cưới vợ. Vì không muốn lập gia đình sớm, ông đã trốn bố mẹ để tham gia cách mạng. Đến năm 1960, ông là một trong số ít người được tuyển chọn vào đội không quân, rồi sau đó được chọn đi học lái máy bay.
"Cái hồi được tuyển tôi cao 1m67, nặng chưa đầy 70kg. Gia đình nông dân nghèo rách khố nên nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ là mình được đi học lái máy bay. Hồi ấy, để được học lái máy bay, ít nhất cũng phải xong lớp 10/10 (tương đương lớp 12 hiện nay), trong khi tôi mới học tới lớp 3.
Vì vậy, đúng vỏn vẹn một tuần học văn hóa theo phương châm "cần gì học đó", tôi hoàn thành 7 lớp học còn lại", ông từng chia sẻ trên VTC News.
Từ năm 1965 - 1968, ông Bảy tham chiến trên mặt trận đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ. Trong đó có 2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4.
Ngày 24/6/1966, phát hiện hai máy bay Không lực Hoa Kỳ đang bám đuổi máy bay của Không quân Nhân dân Việt Nam ở Võ Nhai (Thái Nguyên), ông Bảy cùng đồng đội lao thẳng vào máy địch, bám riết nổ súng.
Trong trận này, biên đội của ông bắn rớt hai máy bay Mỹ, riêng ông bắn hạ một chiếc là F-4C của thiếu tá Mỹ John Roberton.
Đại tá Nguyễn Văn Bảy khi còn khỏe. Ảnh: VOV
Ảnh: Người lao động
Từ năm 1990, ông Bảy nghỉ hưu và chuyển về quê nhà Đồng Tháp sinh sống cùng vợ. Dù là một "phi công huyền thoại" nhưng ở quê nhà, người dân chỉ quen thuộc với hình ảnh một lão nông với chòm râu bạc phơ, chân chất, ngày ngày làm bạn cùng vườn tược, ao cá.
Trong nhiều năm, Đại tá Nguyễn Văn Bảy vẫn tích cực tham gia công tác địa phương, giúp đỡ bà con nghèo và các học sinh vượt khó, trẻ em khuyết tật… khiến ai nấy càng thêm kính mến.