Làng nghề Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) từ lâu đã nổi danh với nghề truyền thống chuyên làm vàng quỳ. Mới bước chân vào cổng làng, từ xa đã nghe thấy những tiếng búa rộn rã của các cơ sở chế tác vàng quỳ. Dấu ấn tài hoa của các nghệ nhân làng Kiêu Kỵ đã đi khắp muôn nơi qua các công trình kiến trúc, những bức tượng Phật, hoành phi câu đối dát vàng bạc lấp lánh…
Những thỏi vàng thật 24k hoặc bạc trắng được các nghệ nhân ở đây đập dập sao cho thật dài và mỏng. Mỗi một quỳ gồm 490 lá, được tán mỏng từ khoảng nửa chỉ vàng 24k. Được biết, lý tưởng nhất là 1 chỉ vàng cán dài ra 2m.
"Công đoạn này tưởng chừng như đơn điệu nhưng đòi hỏi phải có sự khéo léo nhất định. Một người thợ lành nghề có thể đập 1 chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích khoảng 1m2", anh Hào (30 tuổi), người đã có 11 năm cầm búa “giã quỳ” nói.
Sau khi đã giã xong, lá vàng sẽ được cắt ra thành các miếng nhỏ, hình vuông có cạnh chừng 1 cm, gọi là “mảnh diệp”.
Người thợ sau đó dùng chiếc bay nhỏ gắp lá vàng vào giữa các giấy bản nhỏ 5cm2, cho đến khi nào hết một xếp thì niêm phong thành từng gói.
Công đoạn cắt vàng, gỡ vàng bắt buộc phải thực hiện trong phòng kín gió.
Các lá vàng mỏng, nhẹ nên rất dễ rách, vỡ, thậm chí “thở mạnh một chút là bay”. Những lá vàng bị rách sẽ được thu gom để tiếp tục sử dụng.
Sản phẩm sau cùng, mỗi quỳ gồm có 10 buộc giấy, mỗi buộc có 40-50 tờ giấy tương ứng với chừng ấy lá vàng.
Nghệ nhân Ngô Bá Chung bên cạnh một bức tượng “Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn” dát vàng do chính cơ sở của ông góp phần tạo nên.
Nhờ vào sự tỉ mỉ, cần mẫn trong từng công đoạn, sản phẩm của làng nghề Kiêu Kỵ có độ bền bỉ tới “hàng trăm năm”.