Bà già xấu xí
Bức chân dung phụ nữ lớn tuổi của nghệ sĩ Flemish Quinten Massys năm 1513 có thể nói là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của thời kỳ Phục hưng.
Với làn da nhăn nheo, bộ ngực khô héo và đôi mắt sâu trong hốc mắt, chủ thể của Massys - được cho là nhân vật dân gian hư cấu hoặc phụ nữ mắc dạng bệnh Paget (rối loạn về xương) đặc biệt hiếm gặp - trông có vẻ đã già. Nhưng, bà không chỉ già, mà còn kỳ cục: trán phồng lên, mũi hếch và rộng, cằm vuông vức quá mức.
Ngay cả trang phục cũng khác xa so với những gì người ta thường thấy ở một quý bà thời Phục hưng ở độ tuổi đó. Thay vì quần áo khiêm tốn, trang nhã, bà mặc chiếc váy cắt xẻ hở hang khoe vòng một thiếu đi sự căng tràn. Bà không có bất kỳ phẩm chất lý tưởng nào được thấy ở các nhân vật nữ khác trong thời đại đó, như Venus của Sandro Botticelli hay Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Ngay cả tên gọi cũng nói lên tất cả - The Ugly Duchess (Nữ công tước xấu xí).
Bức The Ugly Duchess đang được triển lãm tại National Gallery. Ảnh: Telegraph.
Tuy nhiên, bất chấp vẻ ngoài, bức chân dung quyến rũ đến mức khiến bà lão trở thành một trong những nhân vật khó quên nhất trong thời đại của bà. Hiện tại, National Gallery ở London (Anh) mở cuộc triển lãm có tiêu đề The Ugly Duchess: Beauty and Satire in the Renaissance (tạm dịch: Nữ công tước xấu xí: Vẻ đẹp và sự châm biếm trong thời kỳ Phục hưng ) để làm sáng tỏ sức cuốn hút của bức tranh.
Theo CNN , kiệt tác của Massys được trưng bày cùng với bức tranh đồng hành, An Old Man (tạm dịch: Một ông già ) - mượn từ nhà sưu tập tranh tư nhân, cũng như tác phẩm khác của các danh họa Leonardo da Vinci, Albrecht Dürer và Jan Gossaert. Điểm chung của những bức tranh này là đều mô tả phụ nữ lớn tuổi, từ đó khám phá xem cơ thể phụ nữ, tuổi tác và một số đặc điểm trên khuôn mặt bị châm biếm và biến thành ma quỷ như thế nào trong thời kỳ Phục hưng.
Người phụ trách chương trình Emma Capron cho biết The Ugly Duchess là một trong những tác phẩm được yêu thích, cũng gây chia rẽ nhất trong National Gallery.
"Có người thích, có người ghét, có người không thể nhìn. Tôi muốn tìm hiểu điều đó, đồng thời xem xét hình ảnh này và những hình ảnh tương tự về phụ nữ ‘lệch chuẩn’ - phụ nữ già nằm ngoài tiêu chuẩn cổ điển về cái đẹp – có ý nghĩa như thế nào trong việc chế giễu các chuẩn mực xã hội và khiến trật tự xã hội đảo lộn. Bất chấp những gì bạn có thể nghĩ ngay từ cái nhìn đầu tiên, đây là những nhân vật mạnh mẽ, mâu thuẫn, thậm chí mang lại niềm vui”, Capron nói với CNN qua điện thoại.
Phá vỡ chuẩn mực
Trong một thời gian dài, các nhà phê bình giải thích bức tranh của Massys chủ yếu truyền tải châm biếm về sự phù phiếm và tự huyễn hoặc của phụ nữ. Vẻ ngoài gây tranh cãi của bà đặt bên cạnh ông già - có thể là chồng - ăn mặc chỉnh tề hơn (thậm chí có chút cổ hủ), từ lâu bị coi là sự chế nhạo cuộc hôn nhân. Bà được coi là tặng chồng nụ hồng như biểu tượng của tình yêu, nhưng ông già giơ tay lên như để biểu thị sự khinh thường.
Tuy nhiên, Capron tuyên bố bức tranh còn sâu sắc hơn thế. “Đây là một người phụ nữ lớn tuổi, xấu xí đang đặt câu hỏi về các tiêu chuẩn của sắc đẹp. Với những nét cường điệu, bà ấy tượng trưng cho một người không xấu hổ về bản thân và những gì bà ấy đang mặc. Bà ấy cũng không cố gắng che giấu hay trở nên vô hình.
Ngược lại, bà ấy đang đạp lên trên luật lệ đặt ra cho phụ nữ về cách cư xử hay ăn mặc ở một độ tuổi nhất định. Sự thách thức và không bị rào cản của bà ấy dường như hoàn toàn thuộc về thời đại chúng ta. Điều đó khiến hình ảnh của bà ấy trở nên trường tồn”, nữ chuyên gia nhận định.
Theo Capron, vị trí của người phụ nữ trong mối quan hệ với bạn đời cho thấy bà không phải người “chiếu dưới”. Trên thực tế, nữ công tước đang đứng bên phải. Trong các bức chân dung kép vào thời kỳ đó, phải dành cho bên có quyền lực hơn, thường của nam giới. Về cơ bản, nữ công tước đang thay thế vị trí của người đàn ông. “Giống như bà ấy đang đảo lộn thế giới và mang lại sự thay đổi”, cô giải thích.
The Ugly Duchess được treo cạnh An Old Man. Ảnh: Telegraph.
Nữ chuyên gia nói thêm Massys ý thức được phản ứng mà nhân vật của ông sẽ khuấy động. Massys chắc chắn muốn thể hiện sự châm biếm nhân vật, nhưng bên cạnh đó, danh họa cũng sử dụng tác phẩm để “cà khịa” các nguyên tắc nghệ thuật cổ điển, pha trộn văn hóa cao và thấp và đẩy sự kỳ cục vào dòng chính.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với The Observer , Capron không ngoại trừ khả năng nữ công tước là một người đàn ông. “Chúng tôi biết rằng Massys rất quan tâm đến lễ hội hóa trang, nơi đàn ông đóng giả phụ nữ. Bộ ngực có thể là trí tưởng tượng của Massys”, cô nói.
Theo CNN, Telegraph