Ẩn ý của ông Putin về việc G7 nên có thêm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ

Minh Thu |

Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, nhóm G7 nên mở rộng quy mô và có thêm thành viên là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), dù tuyên bố của Tổng thống Putin về việc G7 nên có thêm Nga, Trung Quốc , Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ không nhận được nhiều sự ủng hộ từ bên ngoài, nhưng theo nhà lãnh đạo Nga, muốn hoạt động hiệu quả hơn thì G7 cần mở rộng quy mô.

Cách đây 5 năm, Nga đã bị loại ra khỏi G7 sau khi phương Tây phản đối việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từng thuộc Ukraine vào lãnh thổ quốc gia.

Còn phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok hôm 4/9, Tổng thống Putin nói, “Nếu các ngài muốn khôi phục G8 thì xin mời hãy làm điều đó”.

“Tôi nghĩ mọi người hiểu rằng và cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây cũng đã công khai ý kiến về việc thời kỳ thống trị của phương Tây đã hết. Tôi không thể tưởng tượng được một tổ chức quốc tế hoạt động hiệu quả mà không có sự hợp tác với Ấn Độ và Trung Quốc”, ông Putin nhấn mạnh.

Hồi tháng trước, Tổng thống Donald Trump cũng đã ngỏ ý mời Nga quay trở lại G7, nhưng đề xuất của nhà lãnh đạo Mỹ lại không nhận được sự ủng hộ từ các thành viên khác trong khối là Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản.

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra ở thành phố Biarritz của Pháp mà không có kết quả đột phá nào được công bố. Tại hội nghị năm ngoái, Tổng thống Trump còn ra về sớm và công khai công kích chủ nhà là Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Còn trong hội nghị G7 năm nay, các nhà lãnh đạo đã bàn luận về nhiều vấn đề đang là điểm nóng dư luận như cải cách Ngân hàng Thế giới, hội nghị thượng đỉnh về Ukraine và vấn đề Hong Kong.

Ông Wang Yiwei, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhận định, sáng kiến mời thêm các quốc gia khác tham gia nhóm G7 không gây khó chịu cho Trung Quốc, mà thậm chí còn tăng tính tương thích với những cơ chế như G20 mà Trung Quốc là thành viên.

“Nếu Tổng thống Putin thích điều này thì tại sao lại không? Ít nhất Trung Quốc cũng không công khai bác bỏ ý kiến, điều này cho thấy Trung Quốc là một đối tác thân thiết của Nga và mong muốn các nước đang phát triển có thêm tiếng nói trên trường quốc tế. Nhưng Trung Quốc cũng không muốn gia nhập một tổ chức đối đầu với Mỹ tương tự như thời chiến tranh lạnh và không muốn tham gia một tổ chức do quốc gia khác dẫn đầu”, ông Wang chia sẻ.

Còn theo ông Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Nghiên cứu quốc gia ở Moscow, tuyên bố của Tổng thống Putin chủ yếu là nhằm gửi đi thông điệp tới các đồng minh của Nga mà cụ thể là nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gia nhập nhóm với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

“Ông Putin hiểu rằng, không đời nào Trung Quốc và Ấn Độ chấp nhận gia nhập G7 và ngay cả tuyên bố của Tổng thống Trump về việc mời Nga quay trở lại G7 cũng không nhận được sự quan tâm từ phía Nga. Đây chỉ là câu nói sáo rỗng, một sáng kiến phi thực tế nên không nhận được bất cứ sự ủng hộ từ bên ngoài”, ông Kashin nhận định.

Ngày 4/9, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) lần thứ 5 chính thức khai mạc tại thành phố Vladivostok, Nga. EEF 2019 diễn ra từ ngày 4 đến 6/9, với chủ đề chính là “Viễn Đông - những chân trời phát triển” thu hút sự tham dự của khoảng 8.000 đại biểu đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, EEF nhằm mục đích thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác phát triển vùng Viễn Đông. Với sự thành công của những kỳ tổ chức trước, EEF nhanh chóng tạo được sức hút đối với cộng đồng quốc tế. Tại EEF 2018, đã có 220 thỏa thuận và hợp đồng đã được ký kết với tổng giá trị hơn 45 tỉ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại