Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, truy cập vào Google, Facebook, Youtube, Instagram, Zalo… và gõ chữ review món ăn sẽ cho hàng chục triệu kết quả khác nhau trong vòng chưa đầy 1 phút. Từ đó, các thực khách có thể dễ dàng chọn lựa những quán ăn, nhà hàng vừa rẻ vừa ngon, thậm chí được thưởng thức những món mới, độc lạ mà trước nay chưa từng được thưởng thức.
“Thường tôi lên Facebook xem món ăn rồi xem bình luận họ đánh giá như thế nào, nếu tốt thì mình cũng phải thử. Ví dụ như món mì udon, họ đến quán của Nhật, sợi mì to, nước làm bằng đậu tương hấp dẫn, ngay lập tức là tôi rủ bạn bè đến thưởng thức”, một bạn trẻ ở Hà Nội chia sẻ.
Ăn mì với kem - sở thích ăn theo trend của nhiều bạn trẻ thời gian vừa qua
Tuy nhiên, những món ăn theo trend thường chỉ xuất hiện một thời gian ngắn rồi tự nhiên sẽ giảm dần độ “hot”, thậm chí có những món ăn sẽ rơi vào quên lãng.
“Những thói quen ăn uống sẽ bị ảnh hưởng bởi những thứ mà chúng ta thấy. Ví dụ tất cả bạn bè trên mạng xã hội đều đăng tải về thức ăn nhanh chẳng hạn thì chúng ta sẽ dần nghĩ rằng thức ăn nhanh là những thứ mà ai cũng lựa chọn thì dần dần sẽ tạo thành xu hướng” - Ths.Hồ Thị Hoa – Viện phó Viện nghiên cứu và phát triển dinh dưỡng, lý giải về hiện tượng này.
Ăn theo mạng xã hội, trên thực tế đã có những người bị ngộ độc thực phẩm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi bắt chước làm theo. Vì vậy, có thể nói, việc ăn uống theo những gì được quảng cáo trên mạng xã hội mang lại hiệu ứng tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào sự hiểu biết và lựa chọn của các thực khách.
Ths.Hồ Thị Hoa cho rằng, phần lớn các bạn trẻ khi đi ăn ở quán chỉ quan tâm đến vị giác mà bản thân cảm nhận được chứ chưa chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. “Ví dụ ăn khô gà thấy ngon thì đó là do tẩm ướp chứ các bạn không quan tâm nguồn gốc món khô gà đó đến từ đâu. Hay món chân gà thì đã có nhiều bài báo nói về việc chân gà nhập lậu bị hỏng, nhưng qua tay người chế biến, đã tẩm ướp thì nó rất ngon, các bạn ý có biết được đâu, điều đó thì không mấy người đi tìm hiểu nên việc ăn uống theo mạng xã hội mang lại kết quả tích cực hay tiêu cực đều do bản thân người tiêu dùng lựa chọn”
Ths. Hồ Thị Hoa - Viện phó Viện Nghiên cứu và phát triển dinh dưỡng
Vì vậy, để việc ăn theo trend không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe, Ths.Hồ Thị Hoa khuyên giới trẻ nên biết cách lựa chọn thông tin có độ tin cao. Chẳng hạn như cùng về món ăn đó những sẽ có nhiều cửa hàng bán khác nhau, mọi người nên đọc những nhận xét của người đã từng ăn, từng mua ở đó thường thể hiện ở phần bình luận dưới video hay hình ảnh về món ăn đó để lựa chọn địa chỉ có nhiều người khen nhất.
“Người trẻ nên tìm hiểu thực phẩm đó có an toàn đối với sức khỏe, phù hợp với bản thân mình hay không rồi hãy lựa chọn. Các bạn đừng nghĩ rằng ăn một chút thì không sao, hoặc ăn bữa này thôi rồi bữa sau sẽ kiêng. Chính suy nghĩ đó khiến cho việc ăn uống thiếu kiểm soát, nguy cơ gây thừa cân, béo phì. Nhiều bạn hay nói là không ăn gì mà vẫn béo nhưng khi khai thác chế độ ăn 24h của các bạn, thì thấy rằng các bạn ăn mỗi thứ một chút, nhưng đồ ăn đó lại không lành mạnh. Vì vậy, nếu chúng ta không đặt ra kỷ luật cho mình thì sẽ có hại đối với sức khỏe”, Ths.Hồ Thị Hoa khuyến cáo./.