Vì sao bị sâu răng?
Nhiều nghiên cứu cho thấy có 3 yếu tố gây bệnh sâu răng là: vi khuẩn, chất đường và thời gian mà vi khuẩn và chất đường bám dính ở răng. Vi khuẩn gây sâu răng trú ẩn ở lớp mảng bám răng. Đường có trong thức ăn - uống.
Thời gian vi khuẩn tồn tại trong miệng từ 20 phút - 1 giờ sau khi ăn. Vi khuẩn sử dụng đường để tạo thành các mảng bám răng, chúng làm lên men đường tạo ra acid, ăn mòn các chất vô cơ ở men răng và ngà răng gây ra sâu răng.
Răng còn bị ăn mòn bởi môi trường acid trong miệng, trong đó mô cứng của răng bị ăn mòn hoá học từ bề mặt răng do các acid ngoại sinh hoặc nội sinh với một quá trình không có mặt của vi khuẩn.
Các acid ngoại sinh trong chế độ ăn bao gồm acid citric, acid phospholic, acid ascorbic, acid malic, acid tartaric, acid carbonic đã được tìm thấy nhiều trong các loại trái cây và nước ép trái cây, đồ uống có ga và dấm.
Sự ăn mòn trong trường hợp nặng có thể dẫn đến phá huỷ toàn bộ răng. Các nghiên cứu đã cho thấy thường xuyên uống nước ép hoa quả, đồ uống có ga (kể cả đồ uống thể thao), dưa chua (có dấm), các loại trái cây giống cam quýt và quả mọng thì sự ăn mòn răng tăng.
Những thực phẩm giúp hạn chế sâu răng
Để phòng ngừa sâu răng, chúng ta nên ăn uống theo những khuyến cáo sau đây: chỉ ăn đường dưới 500g/người/tháng sẽ giảm đáng kể nguy cơ sâu răng. Chất ngọt thay thế đường loại ngọt đậm và xylitol không gây sâu răng.
Các loại ít ngọt tuy bị vi khuẩn trong miệng chuyển hoá nhưng với tốc độ rất chậm nên có thể xem là an toàn. Tương lai, thuốc dùng cho trẻ em cũng dùng các chất ngọt thay thế đường sẽ giảm tỷ lệ sâu răng cho trẻ.
Dùng nguồn thức ăn giàu canxi, vitamin D: Có trong sữa, rau lá xanh, cá, phomat, hạt đậu khô... giúp chống rụng răng và loãng xương ở người lớn tuổi.
Mặc dù ở nước ta, thói quen ăn phomat chưa phổ biến nhưng đây là nguồn giàu chất canxi, khi ăn phomat, canxi sẽ được giải phóng, bám vào bề mặt răng và có tác dụng phục hồi bề mặt răng chống lại sự tấn công của acid gần như ngay lập tức.
Tinh bột: Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy tinh bột có ít nguy cơ gây sâu răng. Những người có chế độ ăn nhiều tinh bột/ít các đường nói chung có mức sâu răng thấp, trong khi những người tiêu thụ các chế độ ăn ít tinh bột/nhiều đường có mức sâu răng cao. Tinh bột được nấu chín có tính gây sâu răng bằng 1/3 hoặc 1/2 khả năng gây sâu răng của saccarose.
Thức ăn tinh bột trắng (bột loại bỏ nhiều lớp vỏ bám bên ngoài của hạt ngũ cốc) thì làm cho đường và acid bám chắc vào răng. Vì thế, trong bữa ăn hàng ngày, ta nên xen kẽ các thức ăn tinh, thô với các thức ăn có nhiều chất xơ (xenlulose) sẽ làm cho răng chắc khoẻ và sạch răng.
Rau quả: Ăn những thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp kích thích tiết nước bọt, giúp làm sạch răng và góp phần tái khoáng hóa men răng, ngăn ngừa sâu răng.
Ăn những loại thực phẩm không gây hại cho răng: như dưa chuột, bắp cải, súp lơ, bí xanh, bí đỏ, cà tím, củ cải, cà rốt, dưa gang, rau diếp... giúp làm sạch răng và loại bỏ mảng bựa vôi, chỉ nên ăn 200g/bữa nếu ăn nhiều sẽ gây táo bón, khi ăn nên nhai kỹ.
Loại thực phẩm không tốt cho răng: như chuối, chà là, nho, cà chua, quả vả, sung, táo ngọt, quả lựu, cam, quýt, quất, me chua... do chứa nhiều carbohydrate nhưng cũng không nên đoạn tuyệt vì chúng cũng có nhiều yếu tố có lợi cho răng miệng như làm sạch và chứa florua.
Nên súc miệng ngay sau khi ăn hay uống đồ ngọt. Chải răng mỗi ngày 2 - 3 lần, sau các bữa và trước khi đi ngủ. Nên dùng kem đánh răng có fluor.
Lưu ý không nên đánh răng ngay sau khi ăn và uống nước trái cây vì khi đó lớp men răng đang mềm hơn do tác dụng của acid hữu cơ trái cây, bàn chải sẽ mài mòn men răng. Đợi khoảng 30 phút sau để nước bọt có thời gian phục hồi và cân bằng chất khoáng của răng rồi hãy chải răng.