Ngày 24/1/2017, ngay sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trước khi ông Trump nắm quyền, 12 quốc gia giáp vành đai Thái Bình Dương tưởng chừng đã đạt được một thỏa thuận tự do thương mại chưa từng có trong lịch sử.
Hiệp định TPP từng là di sản quan trọng từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, trong chính sách tập trung mũi nhọn vào các nền kinh tế châu Á, tránh khỏi "vũng lầy chiến tranh" vùng Trung Đông. TPP không chỉ đem lại tự do thương mại cho 12 quốc gia, mà còn thiết lập những bộ luật mới, chi tiết để điều hành việc giao dịch, giúp loại bỏ sự bất công, bất hợp lí trong các thỏa thuận thương mại.
TPP cũng là đối trọng với kế hoạch của Trung Quốc nhằm kiểm soát thương mại toàn cầu với sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) của nhóm các nước ASEAN, và ý định thâu tóm khu vực biển Đông cả về mặt kinh tế và quân sự.
Khi rút khỏi TPP, ông Trump không chỉ từ bỏ những đối tác quan trọng nhất, mà còn vô tình nhượng lại tầm ảnh hưởng trong khu vực cho Trung Quốc.
Tổng thống Trump rất ít có khả năng sẽ quay lại TPP.
Ngày 20/5/2017, tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hà Nội, ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ mới được bổ nhiệm, từ chối đưa ra thông tin mới về TPP. Trước đó, ông cũng cho rằng thỏa thuận TPP đã đi vào đường cùng.
Việt Nam và các quốc gia khác được cho là đã cố gắng thay đổi ý định của chính quyền ông Trump về hiệp định này.
Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận TPP hôm 24/1/2017. Ảnh: Independent
Nhưng thay đổi ý định của ông Trump sẽ là một điều cực kì khó khăn. Ông Trump đã dọa sẽ rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada. Ông cũng khiến Liên minh châu Âu (EU) bối rối khi bỏ ngỏ Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trên bàn đàm phán.
Không chỉ có vậy, Đảng Dân chủ Mỹ tỏ ra không ủng hộ TPP. Những ứng viên tổng thống khác như Hillary Clinton và Bernie Sanders cùng nhiều nghị sĩ khác cũng phản đối hiệp định này.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Getty
Việt Nam và các quốc gia khác đang cân nhắc việc soạn thảo 11 thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ.
Việt Nam đặc biệt quan tâm tới TPP vì những nguồn lợi kinh tế đáng kể thu được từ thỏa thuận này. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á, với giá trị giao dịch 2 chiều đạt 53 tỉ USD. Khi TPP được kí kết, GDP của Việt Nam có thể sẽ tăng 11%, tương đương nguồn lợi 36 tỉ USD. Nhưng, điều này sẽ không xảy ra nếu chỉ thông qua giao dịch song phương.
Tất cả những thành viên khác của TPP đều muốn đàm phán với Mỹ nhằm thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc gia này. Nếu không bao gồm nền kinh tế có giá trị 25 nghìn tỉ USD của Mỹ, thì tổng cộng, các nền kinh tế TPP chỉ có giá khoảng 12,4 nghìn tỉ USD.
Những thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ cũng rất khó để đạt được. Mỹ chỉ có 16 thỏa thuận thương mại với 20 quốc gia, cho thấy việc đàm phán thương mại với quốc gia này là không hề đơn giản. Rất nhiều tổ chức Mỹ (liên đoàn lao động, các đơn vị hoạt động môi trường, tổ chức nhân quyền,…) phản đối thông qua các thỏa thuận.
Tháng 3/2017, đại diện 2 nước đã gặp mặt tại Hà Nội để đàm phán về các điều kiện trong Hiệp định Khung về Đầu tư và Thương mại (TIFA), lần đầu tiên kể từ năm 2011. Thỏa thuận TIFA đã được kí dưới thời ông George W. Bush hồi năm 2007, cho thấy việc thông qua các hiệp định với Mỹ tốn nhiều thời gian tới mức nào.
Tuy vậy, những tháng qua, dường như ông Trump rất lạc quan về Việt Nam. Có thể ông Trump sẽ nhận ra Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực, đặc biệt sau những biến động ở biển Đông và căng thẳng hạt nhân Triều Tiên trong thời gian gần đây.
11 nước thành viên còn lại của TPP sẽ cố gắng bù lấp khoảng trống khi Mỹ rút khỏi hiệp định. Nhiều nguồn tin cho rằng TPP sẽ được đề cập trong Hội nghị Thượng đỉnh APEC tuần này tại Đà Nẵng.
Hiện chỉ có một vài điều khoản đã được tiết lộ. Các nước thành viên đều nhất trí sẽ loại bỏ những điều khoản được kí kết khi Mỹ còn tham gia TPP. Tuy vậy, Nhật Bản không đồng ý và muốn bảo lưu những điều khoản này phòng trường hợp Mỹ sẽ đổi ý, quay lại TPP trong tương lai.
Nếu các quốc gia đều đồng thuận, chắc chắn thỏa thuận thương mại sẽ được tiến hành. Thêm vào đó, vài quốc gia sẽ được tiếp thêm động lực để cải cách về kinh tế và thể chế, điều rất khó thực hiện nếu không có sự giúp sức từ cộng đồng kinh tế thế giới. Do đó, có thể thấy TPP sẽ đem lại nguồn lợi khổng lồ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngày 6/11, bên lề các cuộc họp chính thức, trưởng đoàn đàm phán của 11 thành viên APEC, thuộc trong nhóm thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trừ Mỹ, đã bắt đầu họp kín thảo luận về tương lai Hiệp định được biết đến với tên gọi TPP-11.
Trả lời Trí Thức Trẻ trước phiên họp này, ông Raul Salazar, trưởng đoàn các quan chức cấp cao (SOM) APEC 2017 của Peru nói: "Tại APEC, chúng ta sẽ có 1 cuộc họp về TPP-11 và đã có nhiều tín hiệu tích cực đảm bảo cho thành công của cuộc họp về TPP này. Chúng ta sẽ tìm ra cách để kiên định với các mục tiêu và thành công cùng nhau. Ở TPP, không có riêng một thành viên nào là quá quan trọng. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với nhau. Peru sẽ ở lại TPP đến cùng".
Ngọc Anh (ghi)
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.