Tuy nhiên, ông D.S. Hooda - người từng dẫn dắt Bộ Chỉ huy quân đội miền Bắc (NAC) giám sát biên giới Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc cho rằng cũng nên làm rõ vấn đề chủ quyền liên quan đến 3.488 km biên giới chưa phân chia, được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), để tránh xung đột tái diễn. Cũng theo ông Hooda, một giải pháp để xoa dịu tình hình căng thẳng hiện tại là tạm ngưng tuần tra những khu vực tranh chấp, như đã từng làm trong quá khứ.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), hai phía vẫn chưa chính thức nói về nguồn gốc của xung đột bắt đầu vào khoảng 1 tháng trước, song giới chuyên gia cho rằng quyết định của Trung Quốc về việc huy động lượng lớn binh sĩ đến biên giới tranh chấp có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có việc Ấn Độ gỡ bỏ quy chế tự trị của khu vực Kashmir vào năm ngoái. Ấn Độ đã cáo buộc binh sĩ Trung Quốc tiến vào những khu vực chưa từng xảy ra xung đột, chẳng hạn như thung lũng Galwan nằm giữa khu vực Ladakh do New Delhi quản lý và khu vực Aksai Chin do Bắc Kinh quản lý.
Theo các nguồn tin quân sự Ấn Độ, xuyên suốt cuộc gặp hôm 6-6, phái đoàn của họ, trong đó có Tư lệnh Quân đoàn 14 Harinder Singh, sẽ yêu cầu duy trì trạng thái hiện tại của Galwan, đồng thời tìm kiếm giải pháp xuống thang căng thẳng tức thì ở khu vực hồ Pangong Tso tại cao nguyên Tây Tạng, nơi 2 phía còn nhiều tranh chấp chưa giải quyết. Khẳng định xung đột lần này là "bất thường", cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Shyam Saran kêu gọi giới chức cấp cao 2 bên phối hợp để tháo ngòi căng thẳng, đặc biệt là trong bối cảnh bạo lực và hiện diện quân sự đang gia tăng.