Ăn trông nồi, ngồi trông… cao tốc (!!)

Minh Minh |

Liên tiếp trong một tháng xảy ra 4 vụ trải chiếu, ăn nhậu trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đây là hành vi phản ánh ý thức tham gia giao thông kém, coi thường tính mạng bản thân và người xung quanh; đồng thời “tố cáo” lỗ hổng văn hóa một cách trầm trọng.

Sáng 24/2, hình ảnh một nhóm 6 người trải chiếu ngồi ăn uống trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, phía sau là chiếc xe hiệu Innova mang biển kiểm soát 89A-064.90 xuất hiện trên mạng xã hội đã khiến cho sự bất bình dâng lên đến đỉnh điểm.

Hình ảnh này một lần nữa khiến cộng đồng mạng dậy sóng chỉ trích hành động vừa nguy hiểm cho chính mình, vừa gây nguy hiểm cho các phương tiện khác lưu thông cùng chiều của nhóm người trên.

Như vậy là, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, đây là lần thứ tư những hình ảnh ngồi ăn trên đường cao tốc xuất hiện trên mạng xã hội.

Ăn trông nồi, ngồi trông… cao tốc (!!) - Ảnh 1.

Hình ảnh phản cảm của một nhóm người "hồn nhiên" ăn nhậu trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Trước đó, ngày 6/2 (tức mùng 2 Tết Kỷ Hợi) một gia đình ngồi ăn uống trên làn khẩn cấp của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn thị xã Phú Thọ.

Trong lúc ăn uống vui vẻ, gia đình này còn livestream, khoe bữa tiệc liên hoan trên Facebook khiến nhiều người bức xúc.

Hậu quả là nam tài xế đồng thời là chủ xe, sau đó bị Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phạt 5,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng vì lỗi dừng đỗ xe trên đường cao tốc.

9 ngày sau, hôm 15/2, tiếp tục một nhóm dừng ôtô ăn uống trên dải phân cách, cũng trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tiếp đó, ngày 16/2, trên mạng xã hội facebook cũng xuất hiện ảnh chụp một nhóm 4 thanh niên trải chiếu ngồi trước đầu chiếc xe ô tô 88A-079.xx. Vị trí nhóm người này ngồi được cho tại km 233+400 thuộc lối ra nút giao thông IC17 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Theo điểm c, khoản 7, điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tài xế có hành vi "Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định" bị phạt tiền 5 - 6 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, tài xế phạm lỗi trên còn bị hình tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng theo quy định tại điểm b, khoản 12, điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Theo điểm c, khoản 7, điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tài xế có hành vi "Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định" bị phạt tiền 5 - 6 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, tài xế phạm lỗi trên còn bị hình tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng theo quy định tại điểm b, khoản 12, điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Hành vi vi phạm giao thông nói trên đã bị xử phạt theo đúng quy định hiện hành và đây chắc chắn sẽ là bài học kinh nghiệm cho những ai còn coi thường pháp luật. Song, bên cạnh hành vi cấu thành tội vi phạm luật giao thông thì đây cũng là một hành vi xấu xí đáng lên án vì nó đi ngược lại thuần phong mỹ tục của người Việt, thể hiện lỗ hổng văn hóa trầm trọng của một bộ phận người dân.

Thật vậy, trong truyền thống văn hóa Việt Nam, hoạt động ăn uống – đặc biệt bữa ăn gia đình không chỉ là hành động duy trì sự sống mà còn là một không gian văn hóa, là nghi thức cổ truyền của người Việt.

Thậm chí có thể nói không hề quá rằng, ăn – chính là khởi đầu của một triết lý giáo dục .

Sinh thời, nhà nghiên cứu văn hóa – cố giáo sư Trần Văn Khê từng nhận định, cái ăn chiếm phần khá quan trọng trong đời sống của chúng tạ. Khi dạy dỗ một đứa trẻ thì phải cho nó "học ăn, học nói, học gói, học mở" để biết ăn, nói với người tạ.

Ra đường phải biết "ăn mặc" cho phải cách. Đối với mọi người không nên "ăn thua" làm chi cho bận lòng. Làm việc gì phải cẩn thận "ăn cây nào, rào cây nấy" . Trong việc chi tiêu phải biết "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm".

Ra làm ăn thì không nên "ăn gian, ăn lận". Trong cuộc sống nên tìm việc làm hữu ích cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước đừng để mang tiếng "ăn hại", "ăn bám" người khác…

Trong không gian gia đình, việc ăn uống tiếp tục được giáo dục "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", thể hiện văn hóa ứng xử kính trên nhường dưới, nhập gia tùy tục.

Hay nói cách khác, mọi hành động của người Việt đều lấy ăn làm đầu: Ăn uống, ăn ở, ăn mặc, ăn nói, ăn chơi, ăn học, ăn tiêu, ăn ngủ, ăn Tết… Thông qua cách ăn, người ta có thể nhận xét và kết luận ít nhiều về nhân cách cá nhân đó và cả gia đình của họ.

Việc ăn vì thế mà trở nên quan trọng tới mức "Trời đánh còn tránh bữa ăn". (Đây là câu thành ngữ xuất phát từ giai thoại "Lôi Công (thần sấm sét) không đánh người đang ăn cơm", có ý nghĩa giáo dục về tình cảm gia đình trong bữa ăn hàng ngày).

Lý thuyết về phong thủy cũng khuyên con người ta chọn nơi đặt bàn ăn trong gia đình phải kín đáo vì ăn uống phản ánh không gian riêng tư của mỗi cá nhân và gia đình. Nơi ăn uống không kín đáo còn bị coi là vi phạm phong thủy vì hút hết tài lộc của gia chủ. Do đó, bước vào căn nhà bao giờ cũng là phòng khách rồi mới đến phòng ăn.

Thế mà không hiểu vì lý do gì 4 gia đình kể trên lại bỏ qua tất cả những nguyên tắc về pháp luật , văn hóa để tổ chức bữa ăn ngay trên làn dừng đỗ khẩn cấp của cao tốc?

Lôi Công trong tích xưa không đánh người đang ăn cơm, nhưng nay, lực lượng cảnh sát giao thông buộc phải "tuýt còi" phạt bữa ăn của gia đình nọ, bởi hành vi ăn không tùy nơi chơi không tùy chỗ của họ không chỉ làm phương hại đến văn hóa ứng xử nơi công cộng mà còn tiềm ẩn mối đe dọa đến tính mạng của nhiều người.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại