Giáo sư Li Yan, Trưởng khoa Tâm lý Giấc ngủ, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) nhắc nhở: “Nếu không muốn mất ngủ, ngủ không ngon giấc hoặc mệt mỏi khi thức dậy vào sáng hôm sau, bạn cần đặc biệt chú trọng tới cách ăn tối”.
Theo ông, nhiều người thường cho rằng mất ngủ chủ yếu là do trạng thái tinh thần hoặc ăn tối sai cách chỉ ảnh hưởng tới cân nặng. Trên thực tế, bữa tối hàng ngày - bao gồm cả cách ăn vả thực phẩm được lựa chọn ảnh hưởng rất lớn tới giấc ngủ. Ông cảnh báo 5 thói quen ăn tối phổ biến có thể gây khó ngủ, mất ngủ cả đêm, ngủ nhiều nhưng vẫn mệt mỏi sau đây:
1. Ăn tối quá muộn hoặc quá sớm
Ăn tối quá muộn, khoảng cách giữa bữa tối và giấc ngủ nhỏ hơn 3 giờ gây hại cho giấc ngủ và nhiều cơ quan khác nhau. Bởi vì thói quen này gây khó chịu, khó ngủ, mất ngủ do thức ăn chưa tiêu hóa hết. Nó cũng dễ gây trào ngược dạ dày, lâu dài có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Hay làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn lipid máu, tăng đường huyết, bệnh tiểu đường, huyết áp cao và nhiều hội chứng chuyển hóa khác.
Ăn tối quá sớm cũng không tốt. Nó dễ làm rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể và gây đói bụng ban đêm, tăng nguy cơ ăn đêm. Ăn đêm làm dạ dày phải làm việc, thức ăn chưa tiêu hóa kịp nên mất ngủ. Đói bụng ban đêm cũng làm bạn khó ngủ, mất ngủ hoặc trằn trọc, thức giấc do đói. Ngay cả khi cố gắng chống chọi với cơn đói, không ăn đêm thì buổi sáng thức dậy cũng dễ mệt mỏi vì thiếu năng lượng.
Theo Giáo sư Li, thời gian tốt nhất để ăn tối là từ 18 - 20h và đừng ăn tối trước 17h cũng như không nên ăn bất cứ thứ gì sau 21h để có thể đi ngủ trước 0h trong trạng thái tốt nhất.
2. Ăn món cay nóng vào bữa tối
Muốn ngủ ngon và bảo vệ sức khỏe thì bạn không nên ăn đồ cay, nóng vào buổi tối, dù là mùa đông. Bởi vì thói quen ăn uống này làm tăng thân nhiệt, khiến cơ thể khó thư giãn và hạ thân nhiệt để đi vào giấc ngủ. Ngoài ra, ăn cay gần giờ ngủ cũng dễ gây ra các vấn đề sức khỏe như ợ nóng, khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
Giáo sư Li giải thích: “Các món ăn cay nóng, ví dụ như ớt chứa capsaicin có tác dụng kích thích lên đầu lưỡi, sau đó kích thích lên não bộ và hệ thần kinh trung ương. Từ đó khiến cho tim đập nhanh hơn, nhiệt độ cơ thể tăng và gây hưng phấn trong một khoảng thời gian khá dài. Đây đều là những nguyên nhân trực tiếp khiến cho giấc ngủ đến muộn, ngủ không sâu giấc. Đương nhiên, ăn cay cũng không có lợi cho dạ dày, nhất là nếu sát giờ đi ngủ”.
3. Dùng thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt làm bữa tối
Thói quen này có thể hình thành do sở thích hoặc vì quá bận rộn. Tuy nhiên vì lý do gì thì nó cũng không tốt cho giấc ngủ cũng như sức khỏe tổng thể.
Theo Giáo sư Li, hàm lượng chất béo bão hòa và đường cao có trong những thực phẩm này có thể góp phần gây ra tình trạng trào ngược axit dạ dày, kích thích thực quản, gây khó chịu và khó ngủ, thức giấc giữa đêm. Ăn nhiều chất béo bão hòa vào buổi tối còn gây áp lực và tăng nguy cơ mắc bệnh về dạ dày, gan, tuyến tụy…
Với đồ ngọt, ăn chúng vào bữa tối làm tăng đường huyết và khiến cơ thể phải tích cực hoạt động để chuyển hoá chúng và não cũng phải hoạt động liên tục. Khi đó, cả cơ thể của bạn sẽ không được nghỉ ngơi và bạn cũng không thể đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng. Thậm chí, nó còn khiến cho bạn thức dậy vào ngày hôm sau với trạng thái mệt mỏi dù ngủ nhiều hay sau khi ngủ bù.
4. Dùng đồ uống dễ gây mất ngủ trong hoặc sau bữa tối
Bên cạnh món ăn, loại đồ uống chúng ta chọn trong, sau bữa tối cũng có thể dẫn tới mất ngủ, khó ngủ. Lời khuyên của ông là không dùng các đồ uống gây kích thích, chứa caffeine ảnh hưởng tới giấc ngủ vào buổi tối như: trà, cà phê, nước ngọt có ga, bia rượu… Đặc biệt là nếu bạn ăn tối muộn hoặc ăn khuya, có ý định đi ngủ ngay sau khi ăn.
Nước ngọt có ga làm tăng đường huyết, khiến não bộ tỉnh táo lâu, tăng nguy cơ trào ngược axit nên không có lợi cho giấc ngủ. Còn uống bia rượu khiến tâm vị giãn ra, dễ gây trào ngược axit dạ dày và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngay cả khi bạn ngủ một thời gian dài sau khi uống rượu, bạn vẫn sẽ cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy.
Trà và cà phê dù dùng cùng lúc hay nhâm nhi sau bữa tối cũng không tốt cho giấc ngủ. Bởi các alkaloid trong chúng như: caffeine, theophylline và theobromine có thể làm tăng nhịp tim và tăng tính hưng phấn của dây thần kinh giao cảm, khó đi vào giấc ngủ. Vì vậy, ông khuyên không nên uống chúng 4 - 8 tiếng trước khi đi ngủ.
5. Ăn tối quá no
Giáo sư Li cho biết: “ Buổi tối hệ tiêu hóa làm việc chậm hơn so với ban ngày. Cơ thể chúng ta được cấu tạo để tiêu hóa thức ăn trong khi ngồi hoặc đứng chứ không phải khi nằm. Nằm xuống khi thức ăn chưa được tiêu hóa hết có thể gây khó tiêu, dẫn đến mất ngủ. Nhất là nếu bạn ăn tối muộn hoặc/và chọn thực phẩm khó tiêu hóa.
Chưa kể, ăn tối quá no lâu ngày còn gây hại cho dạ dày, tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh tật từ dạ dày, tim, mạch, não bộ, rối loạn chuyển hóa, ung thư…”.
Ông đưa ra lời khuyên là ngoài lựa chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, chúng ta chỉ nên ăn tối no ở mức 70 - 80%. Tức là chưa đến mức căng tức bụng nhưng cũng không còn thấy thèm ăn, chớm no và ăn thêm cũng được, không ăn thêm cũng không khó chịu.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor