Chiều 21-3, Thượng tướng Tô Lâm , Bộ trưởng Bộ Công an, làm việc với Cảnh sát PC&CC TP.HCM về tình hình, kết quả công tác PCCC và tiềm lực PCCC, cứu nạn cứu hộ.
Chỉ sau đó một ngày, khoảng 1 giờ sáng 23-3 đã xảy ra vụ cháy chung cư Carina gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trung tá Huỳnh Quang Tuyến (ảnh), Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM, đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về thực trạng vi phạm PCCC ở các nhà cao tầng, chung cư hiện nay.
Ngàn kiểu lách luật của chủ đầu tư
. Phóng viên: Thưa ông, trong vụ cháy kinh hoàng tại chung cư Carina Plaza (quận 8), theo thông tin chúng tôi có được là chung cư đã được thẩm định PCCC, vừa được kiểm tra vào tháng 1-2018 nhưng khi phát hỏa thì không ai nghe báo cháy, hệ thống cửa ngăn cháy, ngăn khói bị vô hiệu hóa…?
Trung tá Huỳnh Quang Tuyến
+ Trung tá Huỳnh Quang Tuyến: Không phải thẩm định, kiểm tra xong là không xảy ra cháy mà còn nhiều vấn đề phát sinh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong quá trình hoạt động.
Các trang thiết bị như hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống hút khói, hệ thống tăng áp suất buồng thang, chữa cháy vách tường…
Có thể khi thẩm định, kiểm tra hoạt động tốt nhưng trong quá trình sử dụng nếu không duy trì bảo dưỡng thường xuyên thì sẽ bị xuống cấp, hư hỏng.
Chưa kể là trong quá trình sử dụng, người dân làm thay đổi kiến trúc, hệ thống PCCC, sử dụng câu mắc điện tùy tiện… làm tăng nguy cơ phát sinh cháy nổ.
Theo quy định hiện hành, mỗi năm cơ quan cảnh sát PCCC chỉ được phép kiểm tra chung cư, nhà cao tầng một lần. Còn lại trách nhiệm thuộc về ban quản lý, quản trị chung cư phải tự kiểm tra thường xuyên.
Chúng tôi muốn tới kiểm tra đột xuất phải căn cứ vào những quy định cụ thể: Ví dụ khi có phản ảnh của người dân về nguy hiểm cháy nổ tại chung cư hoặc kiểm tra theo chuyên đề.
. Như vậy, muốn kiểm tra phải “xin phép”, khác nào báo trước cho chủ đầu tư?
+ Đúng vậy! Khi kiểm tra theo kế hoạch thường phải thông báo trước ít nhất ba ngày nên có một số trường hợp đã tìm cách đối phó trước khi có đoàn kiểm tra.
Về tự kiểm tra của chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị thường cũng mang tính chất đối phó, những người có trách nhiệm kiểm tra không có kiến thức, kỹ năng cần thiết để phát hiện những thiếu sót, nguyên nhân, yếu tố… phát sinh ra cháy nổ để có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
Cảnh sát PCCC kiểm tra bình chữa cháy có còn sử dụng tốt hay không . Ảnh: DT
Về những thiết bị PCCC tại chỗ, tôi nói đơn giản như đầu báo cháy, thiết bị chữa cháy tự động, bình chữa cháy xách tay...
Chủ đầu tư chung cư… vì muốn tiết kiệm, có lãi tối đa nên xài thiết bị chất lượng không đảm bảo, tuổi thọ thấp nên sau một thời gian sử dụng thì bị hư hỏng, không hoạt động, cháy không báo, không hú, rất nguy hiểm.
Thời điểm tới kiểm tra nó vẫn báo, vẫn hú, chúng tôi đâu có quyền yêu cầu họ phải thay thiết bị, đầu báo cháy khác, quy định nào cho phép làm điều đó?
Vấn đề ở đây là lắp đặt trang thiết bị báo cháy, chữa cháy vì coi trọng sự an toàn, tính mạng người dân trong chung cư thì dùng đồ tốt, đồ xịn, còn lắp cho có để đối phó với lực lượng kiểm tra thì… thua.
Đó là chưa kể tình trạng báo cháy giả liên tục ở các chung cư khiến ban quản lý, người dân dần có tâm lý chủ quan, thậm chí tắt luôn hệ thống báo cháy thì sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Phạt cao nhất 80 triệu: Không ngán!
. Trong lần kiểm tra một chung cư ở quận 12, lúc kiểm tra đã có 49 hộ dân vào ở khi công trình chưa được nghiệm thu về PCCC…
Tại buổi làm việc, cảnh sát PCCC đã chỉ ra các vi phạm vô cùng nguy hiểm cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, công ty này cũng chỉ bị phạt 80 triệu đồng. Tại sao chúng ta không cưỡng chế, không cho công trình hoạt động, đợi khi nghiệm thu xong về PCCC mới cho dân vào, thưa ông?
+ Hiện quy định của pháp luật về PCCC thì hành vi trên chỉ phạt hành chính với mức cao nhất là 80 triệu đồng, trừ khi công ty này tái phạm, gây hậu quả nghiêm trọng như cháy chết người thì mới bị những chế tài khác.
Không có quy định nào cho phép cưỡng chế. trước đây chúng tôi còn phối hợp cùng các ngành khác như điện lực, cấp nước để cúp điện, cúp nước, buộc họ phải thực hiện nhưng hiện tại không được phép làm như vậy.
Vì mức phạt cao nhất chỉ 80 triệu đồng nên chủ đầu tư sẵn sàng đóng phạt rồi cho dân vào ở. Tiền phạt đó không là gì so với tiền đề bù hợp đồng cho mấy ngàn hộ dân nếu không bàn giao nhà.
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm của một chung cư, nhà cao tầng không hề dễ dàng bởi liên quan đến nhiều sở, ngành…
Trực thăng chữa cháy… đang nằm trên bàn giấy
. Tại buổi làm việc với bộ trưởng Bộ Công an , Cảnh sát PCCC TP.HCM nêu một số tồn tại, hạn chế về phương tiện kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác chữa cháy. Cụ thể nó là gì và khi xảy ra cháy nhà cao tầng, chúng ta có biện pháp chữa cháy hữu hiệu, thưa ông?
+ Hiện lượng trụ nước chữa cháy còn thiếu và yếu, hư hỏng nhiều gây nhiều khó khăn trong công tác chữa cháy.
Việc này cảnh sát PCCC đã báo cáo cho lãnh đạo TP.HCM và công tác này đang tiếp tục triển khai để đáp ứng việc chữa cháy. Cạnh đó, lãnh đạo cũng đang gấp rút bố trí các trạm, đội, cụm chữa cháy để các đơn vị tiếp cận đám cháy ban đầu nhanh nhất.
Cảnh sát PCCC cũng có báo cáo đề xuất về trang bị trực thăng chữa cháy nhưng vẫn chưa thể triển khai vì vướng nhiều thứ như cơ sở vật chất, nhân lực, hạ tầng chưa đảm bảo…
85 chung cư tại TP.HCM và TP Hà Nội vi phạm về an toàn PCCC (đến tháng 5-2017). Trong đó có chung cư đã đưa dân vào ở nhưng chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động theo thiết kế, hệ thống tăng áp cho thang bộ cũng không đảm bảo quy chuẩn... |
. Trong báo cáo cho Bộ trưởng Tô Lâm, Cảnh sát PCCC TP.HCM có nêu là công tác tuyên truyền PCCC chưa đi vào chiều sâu…
+ Có một thực tế là khi đi diễn tập, tuyên truyền về PCCC, rất nhiều người già, người giúp việc đi thay. Khi chúng tôi đặt vấn đề diễn tập, một số chủ đầu tư thường tìm cách né tránh.
Nhiều người khi tham gia diễn tập còn đùa giỡn, không nghiêm túc. Rồi trong các chung cư cũ còn có tình trạng lăng chữa cháy bị trẻ con lấy ra nghịch, thiết bị chữa cháy như bình chữa cháy mini sắm đó chứ không biết dùng.
. Công tác phòng cháy phải được đặt nặng hơn chữa cháy, đặc biệt là các công trình cao tầng. Vậy sắp tới TP.HCM sẽ triển khai các chỉ đạo này thế nào?
+ Đối với vấn đề này, từ trước tới nay chúng tôi luôn triển khai nghiêm túc. Năm 2016, TP.HCM đã tổ chức hội nghị về công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, cao tầng và đưa ra những biện pháp, giải pháp phòng ngừa.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia PCCC bằng nhiều hình thức, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng tại chỗ về PCCC và cứu nạn cứu hộ, tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ …
Chúng tôi cũng sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát, bổ sung các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại chỗ nhằm kịp thời khắc phục các sơ hở, thiếu sót về PCCC, các nguyên nhân có thể gây cháy, cháy lan, cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng…
Tuy nhiên, để công tác PCCC tại cơ sở đạt được những hiệu quả nhất định thì đòi hỏi chủ đầu tư và người dân phải có hiểu biết, kỹ năng và trách nhiệm trong công tác phòng ngừa và xử lý những sự cố về cháy nổ ngay từ ban đầu.
. Xin cám ơn ông.
Quy chuẩn PCCC nhà cao tầng
• Nhà cao tầng phải được thiết kế hệ thống báo cháy. Tùy thuộc vào tính chất sử dụng của nhà cao tầng mà thiết kế hệ thống báo cháy cho phù hợp.
Khi thiết kế hệ thống báo cháy phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau: Phát hiện cháy nhanh, chuyển tín hiệu rõ ràng, đảm bảo độ tin cậy. Trường hợp hệ thống báo cháy liên kết với hệ thống chữa cháy thì ngoài chức năng báo cháy còn phải điều khiển hệ thống chữa cháy hoạt động ngay để dập tắt đám cháy kịp thời.
• Nhà cao tầng phải được thiết kế hệ thống chữa cháy bên trong và cấp nước chữa cháy bên ngoài.
Hệ thống chữa cháy bên trong có thể thiết kế điều khiển tự động và điều khiển bằng tay phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm cháy và tính chất sử dụng. Các đầu phun được lắp ở hành lang, phòng đệm, buồng thang ở các tầng hoặc tối thiểu phải có ở các phòng như phòng công cộng, phòng có diện tích lớn, các phòng có nguy hiểm cháy.
• Trường hợp hệ thống chữa cháy bên trong là hệ thống chữa cháy vách tường phải bảo đảm số họng nước chữa cháy được phun đồng thời là hai, lưu lượng nước tính cho mỗi họng là 2,5 lít/giây.
(Theo tiêu chuẩn Việt Nam PCCC nhà cao tầng)