Ăn tiết canh dê nhưng lại... mắc liên cầu lợn: Chuyên gia giải thích nguyên nhân

Phương Linh |

Đã có những trường hợp ăn tiết canh dê, tiết canh dơi, tiết canh vịt…mắc liên cầu lợn. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp rất hiếm gặp nhưng hoàn toàn có thể xảy ra.

Ăn tiết canh dê cũng mắc liên cầu lợn

Liên quan đến 2 ca bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn khi ăn tiết canh dê tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, tính đến ngày 1/6, hai bệnh nhân vẫn đang được các bác sĩ điều trị tích cực và đang trong tình trạng nguy kịch.

Một vấn đề rất nhiều người đặt ra câu hỏi sau khi 2 nam bệnh nhân này nhập viện, đó là: Vì sao ăn tiết canh dê lại mắc khuẩn liên cầu lợn?

Trước câu hỏi trên, trao đổi với phóng viên Ths.BS Nguyễn Trung Cấp ( Phụ trách Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, việc ăn tiết canh dê mà mắc khuẩn liên cầu lợn là rất hiếm gặp.

"Khuẩn liên cầu lợn có thể tồn tại trong dê, nhưng vô cùng hiếm gặp. Cũng không thể vì 2 ca bệnh này mà khuyến cáo người dân không nên ăn thịt dê. Chỉ có điều, người dân khi chế biến món ăn thì cần phải đảm bảo ăn chín. Không ăn tiết canh, đồ tái, sống …vì dù hiếm gặp nhưng nó hoàn toàn có thể xảy ra", BS Cấp cho hay.

Không chỉ có ăn tiết canh dê mắc liên cầu lợn, trước đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã ghi nhận một trường hợp nam bệnh nhân ăn tiết canh vịt sau đó nhiễm liên cầu lợn.

Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, sau khi đi ăn tiết canh vịt ngoài quán về, nam bệnh nhân bắt đầu sốt cao và có biểu hiện xuất huyết dưới da. Khi đưa đến bệnh viện thì xác định nhiễm liên cầu lợn.

Đối với trường hợp này, nghi vấn được đặt ra đó là do chủ quán "phù phép" tiết canh lợn thành tiết canh vịt, khi ăn phải loại tiết canh này khả năng nhiễm liên cầu lợn là rất cao.

Không chỉ tiết canh, những món ăn tái, sống như nem chua, nem chạo được chế biến từ thịt lợn, khi ăn vào khả năng nhiễm liên cầu lợn là rất cao. Theo đó, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn có nhiều nhất ở các nơi như khoang mũi, đường sinh dục, tiêu hóa và phân của lợn, có thể sống 10 phút ở nhiệt độ 60 độ C; 24 giờ ở 25 độ C và 8 ngày trong phân.

Khi con người tiếp xúc với mầm bệnh này thông qua các con đường khác nhau, từ chế biến thịt lợn tươi sống, ăn tiết canh và các sản phẩm chưa được nấu chín như nem chua, nem chạo có nguy cơ rất lớn mắc bệnh liên cầu lợn.

Ăn tiết canh dê nhưng lại... mắc liên cầu lợn: Chuyên gia giải thích nguyên nhân  - Ảnh 2.

Bệnh nhân mắc liên cầu lợn. (Ảnh minh họa)

Liên cầu lợn cực nguy hiểm với tính mạng con người

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn.

Thể viêm màng não thường kèm theo giảm thính lực, có thể gây điếc không hồi phục. Ở thể sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân thường có phát ban xuất huyết thành từng đám lan tỏa kèm theo rối loạn đông máu nội mạch rải rác dễ tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng, tỷ lệ tử vong từ 5-20%, nếu khỏi thì thời gian hồi phục thường kéo dài.

Bệnh thường xảy ra dưới dạng các trường hợp tản phát, tuy nhiên cũng có thể gây thành những vụ dịch trên động vật và người.

Căn bệnh này lây qua đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài, buồn nôn và đa xuất huyết hoại tử trên da. Do vậy khi có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, có biểu hiện xuất huyết hoại tử trên da, có thể thấy những vết tím trên mặt rồi lan ra toàn thân…sau khi ăn tiết canh lợn, đồ sống, tái được chế biến từ lợn thì cần nghĩ ngay đến bệnh liên cầu lợn.

Khi bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn vào các cơ sở y tế điều trị thì gia đình sẽ phải gánh một khoản chi phí rất lớn, thực tế đã có những bệnh nhân phải trả chi phí lên đến 400 triệu đồng trong quá trình điều trị. Điển hình như bệnh nhân điều trị khuẩn huyết viêm màng não do liên cầu khuẩn.

Để chủ động phòng chống bệnh Liên cầu lợn ở người, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

2. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

4. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

5. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại