Tháng trước, hãng tin Izvestia trích dẫn một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga tiết lộ, hệ thống phòng không S-500 mới đây đã được tiến hành thử nghiệm thực địa ở Syria.
Mặc dù ngay sau đó Moscow đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên, đã có nhiều cuộc thảo luận về việc nền tảng phòng không mới nhất này nếu xuất hiện thì sẽ làm được điều gì ở Syria.
Trong phát biểu mới nhất hôm 11/11, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov tuyên bố, hệ thống phòng không thế hệ tiếp theo của Nga đang chuẩn bị bước vào sản xuất hàng loạt.
"Ở thời điểm này, chúng tôi đang đưa một hệ thống mới vào hoạt động - S-500", ông Vladimir Borisov nói với hãng tin Nga Interfax.
Borisov là quan chức cấp cao nhất của Nga úp mở về sự sẵn sàng của S-500 trong suốt năm qua, cùng với những tuyên bố ẩn ý trước đó của Phó Tổng tư lệnh Lực lượng Không gian Vũ trụ Nga - Trung tướng Yuri Grekhov và Giám đốc điều hành của tập đoàn Rostec - Sergei Chemezov.
Chính phủ và ngành công nghiệp quốc phòng Nga tiếp tục tái khẳng định S-500 sẽ được giao đúng kỳ hạn theo chương trình vũ khí nhà nước năm 2027, với tổ hợp S-500 đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020.
Truyền thông Nga hồi tháng trước loan tin rằng, S-500 gần đây đã trải qua thử nghiệm thực địa ở Syria, nơi lực lượng không quân Nga tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ.
Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận thẳng thừng về việc S-500 có mặt ở đất Syria trong một tuyên bố ngày 2/10, khẳng định rằng nước này không có nhu cầu thử nghiệm thêm hệ thống phòng không mới.
Khả năng bí mật
Mặc dù sắp chuẩn bị ra mắt, các chi tiết thông số kỹ thuật chính thức của S-500 đến lúc này vẫn nằm trong màn bí mật.
Tuy nhiên, dựa vào những thông tin nội bộ rò rỉ, bình luận của nhà sản xuất và các báo cáo chính thức của Nga kết hợp lại, chúng ta đã có một bức tranh tổng thể về những gì đáng mong đợi từ S-500.
Sức mạnh của S-500 vẫn là ẩn số.
Với phạm vi hoạt động tối đa ở mức 600 km và thời gian phản hồi từ 3 đến 4 giây, S-500 có phạm vi hoạt động xa hơn 200km và phản ứng nhanh hơn khoảng 6 giây so với hệ thống tiền nhiệm S-400.
Cùng với đó, trang bị vũ khí tên lửa 77N6 và 77N6-N1 của S-500 có thể đánh chặn tên lửa hành trình siêu thanh và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cũng như các mục tiêu trên không bay với tốc độ trên 5 Mach.
Nhà sản xuất Almaz-Antey tuyên bố S-500 thậm chí có thể tấn công các vệ tinh có quỹ đạo thấp và một số loại tàu vũ trụ gần không gian, mặc dù có quan điểm cho rằng S-500 sẽ bị suy yếu về sức mạnh khi đối mặt với mục tiêu ở tầm cao cực đoan như vậy.
Hoạt động một mình đã đủ đáng gờm, nhưng S-500 còn có thể phát huy tối đa năng lực khi kết hợp với các hệ thống hiện có như S-400 và S-300 bằng cách mở rộng không phận Nga và cung cấp thêm một lớp phòng thủ chống lại các cuộc tấn công tổng lực.
Không có gì ngạc nhiên khi giới quan sát mô tả S-500 được coi là "viên đạn bạc" chống lại các máy bay chiến đấu tàng hình nói chung và F-35 nói riêng, theo The National Interest.
Viên đạn bạc
Như tuyên bố trước đây, kỹ sư trưởng của Almaz-Antey là Pavel Sozinov đã khẳng định S-500 là một đòn giáng chống lại danh tiếng của Mỹ, "hệ thống vô hiệu hóa vũ khí tấn công của Mỹ và vượt qua tất cả các loại vũ khí phòng thủ, chống tên lửa vốn bị thổi phồng của Mỹ".
Hiện Nga vẫn chưa tiết lộ có bao nhiêu đơn vị S-500 được lên kế hoạch sản xuất trong thập kỷ tới. Quan hệ đối tác sản xuất chung S-500 được công bố gần đây với Ankara là tín hiệu tốt cho sự ổn định tài chính lâu dài của nền tảng S-500, mặc dù mức độ tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, S-500 không phải sản xuất hàng loạt để phục vụ mục đích lấy cái mới thay cái cũ. Trên thực tế, Điện Kremlin ngày càng thể hiện rằng họ chưa bao giờ có ý định nghiêm túc về việc thay thế hàng loạt S-400 bằng S-500.
Almaz-Antey đang định vị S-500 không phải là nền tảng kế nhiệm S-400, mà là một lớp hệ thống phòng không khác biệt được thiết kế để ngăn chặn các mối đe dọa chiến lược nguy hiểm nhất.