Ẩn số loài rồng biển mang thông điệp lạ từ cung điện Hải vương

H.H |

Nổi tiếng và đáng sợ, rồng biển hay quái vật biển, rắn biển khổng lồ, từ xa xưa đã trở thành một phần của nền văn hoá biển trên toàn thế giới. Từ các sự kiện liên quan đến rồng biển xuất hiện trong những thế kỷ gần đây, đã có hai luồng ý kiến trái ngược về đề tài này: Một bên tin tưởng vào sự tồn tại của những con quái vật biển, một bên khẳng định chúng chỉ là sản phẩm thuần túy của trí tưởng tượng.

Dù vậy, đại dương xanh sâu thẳm dường như còn ẩn chứa rất nhiều bí mật mà chúng ta vẫn chưa biết đến; bao gồm thông tin chi tiết về loài cá có hình thù kỳ dị và kích thước khổng lồ, khá giống với mô tả về loài rồng biển của các thủy thủ.

Từ truyền thuyết đến các sự kiện lịch sử

Giống như những quái vật biển khác, rồng biển cũng được con người thời trung cổ và Phục Hưng "ưu ái" vẽ lại cùng bộ dạng hung tợn trong các bản đồ mô tả chi tiết sự tồn tại của các loài thuỷ quái.

Những miêu tả về quái vật của các thủy thủ chính là nguồn cảm hứng để vẽ nên các bản đồ kiểu này.

Theo thời gian, rồng biển dần trở thành đề tài phổ biến trong sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng... của cư dân miền duyên hải; ngay cả Kinh Thánh cũng nhắc đến nó. Trong miêu tả của người Bắc Âu, rồng biển có thân hình lượn sóng, dài tới 30m, đầu giống như đầu ngựa.

Ẩn số loài rồng biển mang thông điệp lạ từ cung điện Hải vương - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet.

Một trong những câu chuyện nổi bật về sinh vật huyền bí này được ghi chép từ một chuyến hải trình của tàu hộ tống Anh Daedalus vào tháng 8/1848.

Khi di chuyển tới Mũi Hảo Vọng, nằm ở phía nam châu Phi, viên sĩ quan Sartoris bỗng trông thấy một con vật kỳ lạ mập mờ xuất hiện dưới lớp bọt sóng dập dềnh trên mặt nước. Anh lập tức thông báo điều này với chỉ huy M'Quhae.

Biết tin, toàn bộ thuỷ thủ đoàn tiến tới quan sát "quái vật" mang dáng dấp của một con rắn biển khổng lồ trong truyền thuyết. Nó bơi dọc theo thân tàu, lúc sang mạn trái, lúc qua mạn phải nhưng luôn giữ một khoảng cách nhất định.

Theo tờ CAND, cũng tại vị trí này vào 10 năm sau, chỉ huy tàu Carnatic là Shuckling cũng chứng kiến cảnh tượng tương tự. Đầu tiên, ông tin rằng đó là một thanh gỗ dài, phần sót lại của cột buồm.

Nhưng ngay sau đó ông thấy "cột buồm" này động đậy và rõ ràng là có cái đầu nhô lên. Quan sát, ông nhận ra quái vật có một vài chi tiết khá giống với quái vật mà tàu Daedalus đã nhìn thấy. "Phát hiện" của hai vị thuyền trưởng này dĩ nhiên đã khiến cho báo chí Anh thời đó hao tốn biết bao giấy mực.

Sau đó, rồng biển đã xuất hiện thêm nhiều lần nữa, thông qua lời kể của các nhân chứng trên chiếc tàu Mỹ Santa Clara năm 1947, ngư dân vịnh Herios năm 1951, hai phi công Liên Xô Ivan Djouss và Fedor Dolienko năm 1968, Tiến sĩ Donald Stewart năm 1969, anh kỹ sư máy tàu Jim Thomson năm 1984 và rất nhiều người nữa.

Dù có mặt tại các địa điểm khác nhau, song qua miêu tả, rồng biển mà họ đã "trông thấy tận mắt" hoặc ghi chép từ các nhân chứng khác đều có kích thước khổng lồ, phần thân uốn ượn ngoằn ngoèo như rắn, đôi khi có bướu trên lưng hoặc vây nhọn hoắt như cá tuyết.

Cùng với sự xuất hiện dày đặc của những thông tin "chắc như đinh đóng cột" kể trên, ngày càng có nhiều người tin vào sự tồn tại của rồng biển.

Họ cho rằng rồng biển là một trong những sinh vật biết giấu mình giữa đại dương mênh mông mà giới khoa học chưa biết đến hoặc chưa có điều kiện tiếp cận kỹ càng.

Không phải ngẫu nhiên mà những câu chuyện, các bức vẽ về rồng biển lại giống nhau đến thế.

Song, số khác chỉ tin vào những bằng chứng xác thực như hình ảnh hoặc dấu tích cụ thể hơn - những thứ mà người ta, dù đổ nhiều công sức sau các cuộc săn lùng quy mô lớn cũng không tìm được.

Do đó, lời kể về rồng biển, dẫu được diễn đạt bởi con người trung thực nhất, có lẽ cũng chỉ xuất hiện do ảo giác hoặc sự nhầm lẫn tai hại về những sinh vật có trong tự nhiên mà thời bấy giờ, con người hiếm khi bắt gặp.

Sự mong manh của một loài "thuỷ quái"

Mãi sau này, nhờ đặc tính vật lý và kiểu bơi lượn sóng mà cá khổng lồ Oarfish được cho là loài vật xuất hiện trong nhiều cuộc chạm trán rồng biển được ghi chép lại.

Đây là loài sống lâu đời nhất được biết đến trong các loài cá có xương và được đưa vào danh mục phân loại đầu tiên vào năm 1772.

Oarfish thường sống ở độ sâu 1.000m và có thể đạt tuổi thọ lên tới cả trăm năm; cơ thể thuôn nhọn không có gai, tuy nhiên khi lần đầu chạm nhẹ vào da loài này cũng tạo một cảm giác nhói nhẹ như một cú sốc điện. Thế giới từng ghi nhận về một con Oarfish có chiều dài tới 17m, nặng 300kg.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các thuỷ thủ tưởng nhầm con cá khổng lồ, dài ngoằng lượn lờ, thở phì phì bên thân tàu là quái vật biển, rắn biển khổng lồ, hay rồng biển.

Dù bị miêu tả là "hung thần biển cả" trong truyền thuyết, nhưng trên thực tế loài cá này không gây nguy hiểm cho con người.

Chúng thậm chí không có răng thực, mà thay vào đó là cái lược mang để bắt các sinh vật phù du nhỏ bé.

Không chỉ là nguồn gốc của nhiều câu chuyện kỳ bí ngoài đại dương, các chuyên gia nghiên cứu "rồng biển" này cho biết ở một số quốc gia, việc cá Oarfish mắc cạn còn được xem là điềm báo về động đất, sóng thần.

Từ lâu, nhiều người Nhật đã tin rằng, mỗi khi xác cá Oarfish trôi vào bờ là vừa có một thông điệp được gửi đến từ cung điện của thần biển, thường là cảnh báo về việc sắp có động đất.

Ẩn số loài rồng biển mang thông điệp lạ từ cung điện Hải vương - Ảnh 2.

Với chiều dài "khủng" cùng phần vây đỏ đặc biệt nên nhiều người gọi Oarfish là "rồng biển" hoặc "rắn biển khổng lồ". Ảnh: Internet.

Một bản tin vào năm 2010 đã ghi nhận sự lo lắng của một số người Nhật sau khi họ được biết có xác cá Oarfish dạt vào bãi cát. Không lâu sau đó, một trận động đất kinh hoàng đã xảy ra tại Haiti, Chile làm hơn 200.000 người thiệt mạng và hơn 3 triệu người khác bị ảnh hưởng.

Sự việc trên tiếp tục được lặp lại đúng một năm sau đó và nạn nhân lần này chính là Nhật Bản. Ở Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận những trường hợp tương tự. Khi nhìn thấy hai con cá Oarfish trôi dạt vào một bãi biển ở miền Nam California, một số nhà khoa học ở đây đã lo ngại về một trận động đất có thể xảy ra.

Song, đã có không ít các nhà khoa học bác bỏ mối tương quan giữa sự xuất hiện của cá Oarfish và các thảm họa thiên nhiên. Bằng chứng là loài cá này vốn khá mong manh, lại sống gần đáy biển nên chúng dễ bị tổn thương bởi va đập mỗi khi biển động, sóng lớn.

Thêm vào đó, Nhật Bản được biết đến là nơi vỏ Trái đất kém ổn định nhất, thường xuyên phải đối diện với động đất.

Do đó, việc người dân có sự liên tưởng giữa "rồng biển" với động đất cũng là điều dễ hiểu. Trong khi vụ động đất, sóng thần ở Haiti diễn ra sau khi phát hiện cá Oarfish "lụy bờ" đến hai tháng – khoảng thời gian quá dài để xác định được mối liên hệ giữa hai sự kiện này...

Đến nay, vẫn còn nhiều thông tin chưa được làm sáng tỏ về loài sinh vật kỳ lạ này. Nghiên cứu quá trình sinh hoạt và tập tính của Oarfish, các nhà khoa học Nhật Bản cho hay đây là loài động vật đơn độc, luôn tránh sự ồn ào.

Chúng ẩn thân dưới mực nước sâu tới cả ngàn mét. Chính vì vậy, thông tin về loài, cũng như đặc điểm giao phối của chúng vẫn là một điều bí ẩn. Chúng chỉ thường được nhìn thấy trên mặt nước, lúc chúng bị bão xô lên, đang gặp nạn, hoặc sắp chết.

Loài "rồng biển" này cũng đã xuất hiện ở Việt Nam, khi trôi dạt vào bờ biển, được một "cần thủ" ở Đà Nẵng câu được. Trong khi một số người lo ngại về sự xuất hiện của một cơn địa chấn xuất phát từ đáy đại dương sắp sửa ập tới, một số người lại hồ hởi "xử lý nhanh gọn" thuỷ quái. Cách đây vài năm, một con "rồng biển" đã được ướp đá đem về TP. Đà Nẵng làm... đồ nhậu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại