Một tối thứ 7 tại quận Kabukicho, gần khu phố đèn đỏ sầm uất Shinjuku, Tokyo, Nhật Bản.
Makoto Togashi đẩy cửa bước vào phòng V.I.P tại hộp đêm Platina – hơn 4 triệu đồng đã được tính vào hóa đơn thanh toán của khách hàng.
Gã trai trẻ nhẹ nhàng khui nắp chai sâm-panh làm hơn 1/3 số rượu bên trong vụt bắn ra theo từng dòng trắng xóa, đồng nghĩa với 12 triệu nữa cho tiền phí dịch vụ.
Phàm trong cái nghề tiếp rượu (hay còn gọi là "host") này, Makoto Togashi vẫn luôn được coi là huyền thoại sống.
Khi tiếp viên nam thường kiếm được nhiều nhất vào dịp sinh nhật của chính mình, Makoto lại biến con số "nhiều" ấy trở thành "nhiều không tưởng".
Tính trong vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ tổ chức sinh nhật vào năm 2017, gã đã xác lập kỉ lục với khoản chi 10 triệu Yên (hơn 2 tỷ đồng) từ những khách hàng mến mộ và tung hô mình.
Không khác những tiếp viên nam còn lại trong nghề, Makoto Togashi với biệt danh là Roland, là "ông hoàng ngành host" vẫn đang làm công việc được đất nước Nhật Bản gán cho thứ biệt danh đã thất truyền bấy lâu: Geisha Nam.
Khởi nguồn cho sự xuất hiện của geisha nam có niên đại từ thế kỷ 13, khi các lãnh chúa phong kiến trưng dụng người hầu nam giới của mình để làm trò tiêu khiển hay biểu diễn nghệ thuật trong những buổi yến tiệc; song vai trò này cũng đã dần đổi thay khi gia thế của hoàng tộc Nhật Bản mai một theo thời gian.
Và khi thời kỳ Bong Bóng Kinh Tế diễn ra tại đây vào những năm 80 khiến đồng Yên lên giá phi mã (vượt qua cả đồng Đô-la của Mỹ Quốc) dẫn đến sự lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và các thương vụ làm ăn triệu đô cứ ùn ùn kéo đến; các doanh nhân người Nhật bắt đầu bỏ bê vợ con mà thường xuyên vắng nhà để đi họp bàn việc lớn.
Vậy là giữa một Nhật Bản phồn vinh và hưng thịnh, các bà vợ giàu có bắt đầu tìm đến những liều thuốc tinh thần giúp chữa căn bệnh cô đơn do chồng để lại, tạo điều kiện cho sự trở lại mạnh mẽ của geisha nam, nhưng nay đã tự biến đổi mình dưới dạng hình thức "host" - kinh doanh tình cảm tại xứ sở mặt trời mọc.
Tua nhanh đến thời điểm hiện tại, khi đã có tới gần 7,000 "geisha nam" đang làm việc trong ngành công nghiệp tiếp rượu, host đã trở thành một nền văn hóa giải trí thiết yếu bậc nhất tại Nhật Bản.
Phàm ở bất cứ ngành nghề nào, sẽ luôn có một người được mệnh danh là "số 1".
Và Roland chính là người đó.
"Đệ nhất Geisha Nam Nhật Bản" từng bỏ học từ năm 18 tuổi sau một tuần điểm danh tại đại học danh tiếng Tokyo, quyết dấn thân vào nghề host với mục tiêu kiếm càng nhiều tiền càng tốt, để không phải bó mình trong văn phòng 12 tiếng/ngày với mức lương ba cọc ba đồng đến cuối đời - như hầu hết bạn bè đồng trang lứa của anh.
Vạn sự khởi đầu nan, Roland cũng như bao tiếp viên khác khi mới vào nghề, phải tiếp rượu những khách hàng ở đủ mọi tầng lớp, từ quý bà cô đơn, nữ CEO giàu có nức tiếng cho tới những người đàn ông đồng tính đơn độc và u sầu.
Các tiếp viên như Roland sẽ là người bầu bạn, là người tâm sự và lắng nghe, hòng thỏa mãn cái tôi, lấp đầy sự cô đơn của khách, bất kể địa vị hay giới tính.
Cứ thế, Roland dần hoàn thiện những kĩ năng tiếp rượu của mình qua ngày tháng; làm càng lâu, anh càng nhiều tiền.
Ở thời điểm hiện tại, hẳn số tiền thu được của Roland đã vượt quá xa ước mơ nhỏ nhoi của gã sinh viên 18 tuổi năm nào, cứ nhìn vào những chiếc Porsche, Mercedes, Rolls Royce, rồi các xa xỉ phẩm thuộc về những nhà mốt hàng đầu như Hermes, Saint Laurent, Louis Vuitton, những chuyến du lịch châu Âu kéo dài cả tuần lễ của Roland là biết.
Anh chỉ thuê khách sạn hạng nhất để ngủ lại mỗi đêm thay vì mua nhà riêng vì thích thế, chi hàng tỷ đồng cho việc phẫu thuật thẩm mỹ sau vài năm và 40 triệu đồng mỗi tháng để tút tát lại nhan sắc.
Roland sống cuộc sống của một ông hoàng chỉ nhờ việc tiếp rượu; và tuy rằng không phải host nào cũng được sống xa hoa như gã trai 26 tuổi này, khoản lợi kếch xù mà họ đút túi được sau mỗi ca làm việc vẫn là một con số đầy sửng sốt với những người thường như chúng ta.
Nhưng nhờ đâu, và do đâu ngành host lại bội thu như vậy? Vì lí do gì mà Roland lại được liệt vào hạng ngôi sao tầm cỡ trong giới host Nhật Bản?
Có lẽ vì thế giới của họ luôn có 3 điều tối kỵ: Cấm hỏi về nhân thân, cấm lợi dụng về tiền bạc và cấm quan hệ tình dục với khách hàng.
Cân nhắc câu chuyện sau:
Khi màn đêm phủ xuống Shangrila – một host club cũng được đặt tại quận Kabukicho – là lúc tiếng gọi sâm-panh hào sảng của một quý bà lấn át hoàn toàn không khí nơi đây.
Hàng tá những chàng trai trẻ với khuôn mặt đẹp như tạc tượng, tóc tai chải chuốt gọn gàng, ăn vận lịch sự bao vây lấy cô chỉ với một nhiệm vụ duy nhất: Làm khách hàng của mình cảm thấy được đối xử như một nữ hoàng.
Hội mỹ nam này là những kẻ hiểu biết sâu về tâm lý học, khiến những lời tán dương và thăm hỏi của họ đưa quý bà lên tận mây xanh; vị nữ khách được dịp thổ lộ hết những tâm tư thầm kín của mình cho các tiếp viên, đồng thời cũng hứng chí mà tiêu tiền không tiếc tay.
Kết thúc của buổi tối hôm đó là tờ hóa đơn thanh toán trị giá 40,000 Yên (8,6 triệu đồng) chỉ cho vài tiếng chuyện trò ngắn ngủi.
Cũng giống như những người vợ thuộc thời kỳ Bong Bóng Kinh Tế kể trên, trong một xã hội đổi mới của Nhật Bản hiện tại, khi số lượng phụ nữ chọn cách đi làm để tự chu cấp cho bản thân thay vì trông chờ vào khoản thu của các ông chồng đang ngày một gia tăng, thì cùng với đó lại có thêm những vấn đề khác được dịp nảy sinh.
Bị stress do áp lực công việc giờ đây đâu phải chuyện riêng của các đấng lang quân? Quyền được giải trí bằng sự phục vụ của các "geisha", chính vì thế, cũng đã mở rộng sang ranh giới của các nữ nhi độc lập tài chính khác.
Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Để kiếm được nhiều như Roland, hay thậm chí là gần được như anh, cũng đòi hỏi các host phải sở hữu một số kĩ năng nhất định.
Gương mặt điển trai và thân hình đạt chuẩn chưa đủ, nghệ thuật chiều lòng khách được trau dồi qua năm tháng mới là thứ tiên quyết để xác định một tiếp viên có là Nghệ Giả đích thực hay không.
Nếu không, thì ngay cả Roland cũng chỉ là anh người mẫu đẹp trai thành thạo cách mở rượu mà thôi.
Coi việc tiếp rượu thuần thục như các host nam - là một bộ môn nghệ thuật cũng chẳng sai, nếu xét đến việc các anh cũng được giao trọng trách mua vui và giải trí hệt như những người ca sĩ hay nhạc công khác ngoài kia.
Giống như các kỹ nữ Geisha, vốn đã quá nổi tiếng trong văn hóa Nhật Bản, các tiếp viên phải trải qua một quá trình đào tạo nghiêm ngặt cùng nhiều bộ môn như kể chuyện, pha trà, giao tiếp, ứng xử.
Không đến mức phải trang điểm mặt trắng toát, mặc kimono truyền thống, hay thực hiện điệu múa Kabuki đầy mê hoặc như nàng geisha Tiểu Bách Hợp (Sayuri Nitta) do Chương Tử Di thủ vai trong bộ phim Hồi ức của một Geisha (2005); các host nam vẫn giữ được vẻ cuốn hút đậm chất hiện đại của mình, tuy vẫn phải tuân theo nhiều quy tắc khác nhau.
Đặc biệt nhất trong số đó, phải kể tới ba điều luật bất thành văn dưới đây:
Khách đến hộp đêm host có thể là một quý bà doanh nhân thành đạt, một cô trợ lý bán hàng mới nhận được đồng lương tháng ít ỏi, một bà nội trợ cầm cọc tiền của chồng đi giải trí,v.v…
Nhưng trên hết, đến 60% lượng khách nữ sử dụng dịch vụ này là người làm việc trong một ngành công nghiệp khác cũng không kém phần nức tiếng tại Nhật Bản: Mại dâm.
Tiếp viên nam không được phép bàn về công việc của hành khách vì nhiều lí do, nhưng quả thực nếu đề cập đến cũng… chẳng để làm gì, bởi lẽ các cô (nhiều khả năng là gái mại dâm) đến hộp đêm cũng chỉ để được trải nghiệm cảm giác nắm quyền lực trong tay, để được dùng đồng tiền của mình chi phối người khác hệt như cái cách chính nó đã chi phối họ vậy.
"Khoảng 15 năm đổ về trước, đã có một khách nữ thường xuyên qua lại nơi đây để vui vẻ và chi ra những khoản tiền khổng lồ" – theo lời một host nam giấu tên.
"Đêm nọ, cô ấy đề nghị trả tôi 300,000 Yên (hơn 64 triệu đồng) chỉ để ăn mì xào rồi nhè lại ra đĩa. Tôi liền thực hiện yêu cầu này; cô ấy trả tiền, bỏ đi và không bao giờ trở lại nữa."
Như đã nói ở trên, nếu muốn làm việc trong ngành này, công việc là thứ duy nhất được tránh đề cập tới trừ khi khách hàng có nhu cầu.
Dù cho vị khách ấy có đến từ mảng tối nào của xã hội đi chăng nữa, việc họ có mặt ở hộp đêm cũng là để giải tỏa đám mây đen mang tên "áp lực" đang vần vũ trong đầu; nên nhắc đến công việc làm chi cho đám mây ấy được dịp quay trở lại?
Đúng vậy, sự khác biệt lớn nhất giữa các host và những gã trai bao xoàng xĩnh nơi lề đường góc phố là ở đây.
Tuyệt nhiên không có lấy một sự trao đổi tình – tiền nào diễn ra xuyên suốt buổi tiệc, họa chăng nếu có thì chỉ xuất phát từ sự tự nguyện của các tiếp viên khi đã ở ngoài câu lạc bộ mà thôi.
Lợi dụng về tiền bạc và quan hệ tình dục với khách hàng là 2 điều cấm kỵ trong ngành tiếp rượu chuyên nghiệp.
Đây đồng thời cũng là điều khá khó tránh khỏi khi toàn bộ số của cải ấy cứ phơi bày ra trước mắt các host, và quý bà giàu có đang trong giai đoạn yếu đuối mong manh kia cũng chẳng ngại gì mà chịu chi những món quà tiền tỷ cho họ.
Trái lại, mục đích của các tiếp viên là phải trở thành một người bạn tâm giao - dẫn dắt người bạn mới của mình vào một vùng đất của sự riêng tư và sâu lắng, nơi họ có thể cảm thấy an toàn mà chạy trốn khỏi cuộc sống xô bồ đầy ắp áp lực ngoài kia.
Lợi dụng là chết. Bởi một khi đã là bạn, mà lại là một người bạn họ có thể tin tưởng để giao trọng trách giải tỏa cho bản thân, thì tuyệt nhiên không được dính dáng đến chuyện trục lợi lẫn nhau.
Khép cánh cửa hộp đêm ấy lại; khoảng cách giữa khách hàng – tiếp viên cũng sẽ khép lại luôn.
Họ trao đổi với nhau về điều gì? Về cuộc sống, như hai người bạn thân thiết lâu ngày không gặp, chỉ chờ được nhìn thấy nhau là vội nhào tới mà bỏ lại lòng tự trọng và sự cách biệt tiền bạc lại phía sau.
Không khó để tìm được một chàng tiếp viên điển trai. Nhưng tìm được một tri kỷ để bầu bạn mới là điều gần như không thể.
Chỉ tử tế thôi là chưa đủ, còn cần phải có cả sự quan tâm thuần khiết nhất giữa con người với con người và sự kết nối đầy tinh tế với cảm xúc của khách hàng nữa.
Sức quyến rũ của một Geisha Nam cũng chỉ được thể hiện qua những cung cách ứng xử giản đơn như vậy; nhưng khoản tiền khách bỏ ra, vốn đã nhiều, nay sẽ còn được nhân lên gấp bội chỉ vì thứ lí do nhỏ bé này mà thôi.
Thước phim Hồi ức của một Geisha đã khép lại bằng một nụ hôn cháy bỏng giữa Ngài Chủ Tịch – nam diễn viên Ken Wannatabe đóng – và nhân vật geisha Tiểu Bách Hợp (Sayuri Nitta).
Từ đầu bộ phim, Sayuri đã đem lòng cảm mến Ngài Chủ Tịch; tất cả cũng chỉ từ một cây kem, đồng tiền tiêu vặt, chiếc khăn mùi soa để lau nước mắt và trên hết là tấm lòng tử tế của ông, dành cho một đứa trẻ đang buồn chán mà đứng bên cây cầu bật khóc.
Đứa trẻ ấy lúc lớn đã trở thành một giai nhân tuyệt sắc, nhưng tình cảm của cô dành cho Ngài chủ tịch thì vẫn vẹn nguyên chưa hề thay đổi.
Trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, cuối cùng Sayuri cũng đã gặp lại người mình hằng mong đợi; hoàn thiện nốt mảnh ghép tình yêu của đời mình.
Vậy nhưng, sự thật là host nam phải chấp nhận từ bỏ quyền được yêu của mình, chí ít là với các khách hàng.
Cũng giống như chiếc khăn mùi soa đã trở thành kỷ vật của Sayuri, đôi khi sự tử tế và thấu hiểu đơn thuần của cả hai cá thể sẽ rất dễ dẫn đến tình yêu lứa đôi.
Chấp nhận đi hẹn hò ở bên ngoài hộp đêm, và khách hàng sẽ coi tiếp viên ở vị trí như một người cụ thể - có cảm xúc và tính cách – chứ không còn là nhân vật được nhân cách hóa thành một người bạn vô thưởng vô phạt nữa.
Chấp nhận yêu khách hàng, cũng đồng nghĩa với dấu chấm hết đối với sự nghiệp của các Geisha; nên các anh luôn phải tự đặt ra ranh giới cho bản thân: Có tình cảm = Dừng phục vụ.
Có thể nói host là những con người hết sức hào hoa phong nhã, nhưng đồng thời cũng là những con người của sự cô độc. Tiền nhiều, nhưng gia vị của tình yêu thì các anh lại chẳng nếm trải được bao nhiêu.
Có thể nói, cảm xúc của họ đã bị chai sạn đi phần nào, khi sự quan tâm của bản thân nhất quyết không được tập trung vào một ai đó, mà phải chia đều cho từng vị khách hàng.
Chính điều này mới là thứ khiến host trở thành người mà mọi cô gái đang cô đơn đều ao ước; vì khi chàng không phải của riêng ai, thì vẫn có thể là của mình.
Cảm giác theo đuổi thần tượng này là yếu tố then chốt để đến lúc trả tiền cho một chai rượu có giá gấp 10, 20 lần bình thường, các cô gái vẫn sẽ cảm thấy hoàn toàn xứng đáng mà nói lời "Cảm ơn" chân thành tới các host trước khi bước ra cửa và trở về với thực tại.