1.Theo một số cơ quan truyền thông như China Daily Asia hay Tân Hoa Xã, ĐTQG Trung Quốc vừa công bố danh sách 24 cầu thủ được chốt để chuẩn bị cho trận mở màn vòng loại World Cup khu vực châu Á 2022 gặp Maldives (ngày mai, 10/9). Đáng chú ý trong danh sách này là sự có mặt của cầu thủ nhập tịch – tiền đạo Elkeson gốc Brazil của CLB Guangzhou Evergrande.
Trường hợp của Elkeson đặc biệt ở chỗ đây chính là cầu thủ đầu tiên không mang dòng máu Trung Quốc nhưng lại được triệu tập lên ĐTQG của nước này. Tất nhiên, đây là quyết định gây tranh cãi và nó cũng là ví dụ điển hình để chứng minh rằng bóng đá Trung Quốc đang khan hiếm tài năng như thế nào.
ĐTQG Trung Quốc vừa chốt danh sách 24 cầu thủ chuẩn bị đá với Maldives trong đó có tiền đạo gốc Brazil Elkeson.
Ở Trung Quốc, Học viện bóng đá của CLB Guangzhou Evergrande được coi là học viện lớn nhất thế giới nếu xét về quy mô cơ sở vật chất. Học viện này bao gồm tới 50 sân vận động và hơn 2.500 học viên. Học viện Guangzhou Evergrande có diện tích 300 hecta và tiêu tốn của Guangzhou Evergrande số tiền là 130 triệu bảng.
Tất nhiên, việc học viện Guangzhou Evergrande đầu tư rất nhiều tiền của để hoàn thiện cơ sở vật chất, để đẩy mạnh đào tạo trẻ là nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng, giúp bóng đá Trung Quốc có thể gặt hái thành công ở VCK World Cup – giấc mơ rất lớn của ngành thể thao ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ngoài hệ thống cơ sở vật chất, Guangzhou Evergrande còn "chơi lớn" khi thuê hẳn 24 HLV Tây Ban Nha từ Real Madrid, theo thỏa thuận với đội bóng chủ sân Bernabeu. Học viện này còn "chuyên nghiệp" tới mức thuê cả một số đầu bếp đến từ Tân Cương để lên chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt cho các học viên theo đạo Hồi.
Theo một lãnh đạo của Học viện Guangzhou Evergrande, mục tiêu mà học viện này hướng đến là trong khoảng 4 năm tới, bóng đá Trung Quốc có thể đạt vị trí top đầu châu Á và sau khoảng 20-30 năm nữa, Trung Quốc sẽ là 1 trong những cường quốc hàng đầu của bóng đá thế giới.
Bóng đá Trung Quốc đầu tư rất nhiều tiền của để đẩy mạnh đào tạo trẻ nhưng điều đó chưa mang lại kết quả.
Năm 2015, LĐBĐ Trung Quốc (CFA) đã hợp tác với La Liga (Tây Ban Nha) để bắt tay xây dựng khu liên hợp thể thao chất lượng cao ở ngoại ô thủ đô Madrid. Theo kế hoạch, hàng năm, Trung Quốc sẽ đưa nhiều tài trẻ xuất sắc lứa U15 và U18 sang đây đào tạo với hy vọng đưa bóng đá Trung Quốc giành vé dự VCK 2026.
Trước trung tâm ở Madrid, CFA cũng đã xây một trung tâm huấn luyện tương tự ở Prague (CH Czech) từ 4 năm trước.
2.Thế nhưng, thực tế những gì đang diễn ra có vẻ như đang đi ngược so với phát biểu của vị lãnh đạo bóng đá Trung Quốc kể trên. Bởi sẽ không nhiều người hâm mộ ở Trung Quốc có thể kỳ vọng rằng trong 4 năm tới, bóng đá nước này có thể trở thành thế lực hàng đầu châu Á, có thể cạnh tranh sòng phẳng với những nền bóng đá hùng mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran…
Trên thực tế, kể từ sau World Cup 2002, Trung Quốc đã vắng bóng ở 4 kỳ World Cup liên tiếp. Trong đội hình hiện tại ở ĐTQG, chỉ có duy nhất trường hợp của Wu Lei được đánh giá là giàu triển vọng nhất khi anh đang thi đấu tại Tây Ban Nha trong màu áo Espanyol.
Trong khi đó, những cái tên còn lại đều không được đánh giá quá cao. Đó cũng là lý do mà HLV Lippi cách đây không lâu đã phải ngao ngán thốt lên: "Nếu được, Trung Quốc sẽ nhập tịch cả Ronaldo lẫn Messi".
Trận thua của U22 Trung Quốc trước U22 Việt Nam phần nào cho thấy bóng đá Trung Quốc đang tụt hậu như thế nào.
Hẳn người hâm mộ vẫn chưa thể quên scandal đình đám của bóng đá Trung Quốc hồi năm 2018. Do quá thất vọng với màn trình diễn của thầy trò HLV Lippi, rất nhiều CĐV bóng đá Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu giải tán đội tuyển quốc gia nước này. Đây là hệ quả tất yếu khi bóng đá Trung Quốc ngày càng có dấu hiệu tụt hậu so với tầm châu Á và điều đó khiến người hâm mộ cảm thấy phẫn nộ.
Mới đây, việc ĐTQG Trung Quốc phải triệu tập cầu thủ mang dòng máu Brazil Elkeson thi đấu ở vòng loại World Cup là điều tạo ra những tranh cãi gay gắt song có lẽ, LĐBĐ Trung Quốc không còn sự lựa chọn nào tốt hơn.
Hôm qua (8/9), dù không có lực lượng mạnh nhất song việc U22 Trung Quốc để thua tâm phục U22 Việt Nam ngay trên sân nhà cũng phần nào cho thấy bóng đá Trung Quốc đang quá thiếu hụt tài năng. Kết quả đó phần nào cho thấy, mục tiêu vươn lên top đầu châu lục của bóng đá Trung Quốc trong tương lai gần khả năng cao sẽ là bất khả thi.
Có vẻ như truyền thông Trung Quốc hoàn toàn có lý khi nhận định rằng trong hai năm qua, bóng đá Trung Quốc nhạt nhòa dưới "cái bóng" của Việt Nam – thế lực đang vươn lên thực sự mạnh mẽ ở đấu trường châu lục dưới tầm ảnh hưởng của HLV Park Hang-seo với rất nhiều tài năng trẻ đang trưởng thành cực kỳ mạnh mẽ.