Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Molecular Psychiatry (Tạp chí chuyên ngành Tâm thần học Phân tử) cho thấy stress có thể tiêu diệt những lợi ích có được từ việc tiêu thụ những thực phẩm tốt.
Để đánh giá tác động qua lại giữa chế độ ăn và stress, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát ở 58 phụ nữ nhằm đánh giá các loại stress họ đã gặp phải.
Những người này cũng tham gia một hoạt động theo cách gọi của các nghiên cứu viên là "thử thách bữa ăn". Theo đó, họ được thưởng thức 2 loại thịt khác nhau trong các ngày khác nhau.
Một bữa ăn với nhiều chất béo bão hoà, loại chất béo liên quan tới bệnh tim mạch. Bữa ăn kia chứa nhiều dầu có nguồn gốc thực vật, được xem là có lợi cho sức khoẻ hơn.
"Khi những phụ nữ này không gặp stress và có bữa ăn khoẻ mạnh hơn, các phản ứng do viêm của cơ thể thấp hơn so với bữa ăn chứa nhiều chất béo bão hoà", tác giả nghiên cứu, bà Janice Kiecolt – Glaser, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dược Hành vi tại Đại Học Bang Ohio, giải thích.
Bà cho rằng kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng đây mới là phần có vẻ trái ngược với lẽ thường.
"Nếu một phụ nữ bị stress vào ngày có bữa ăn khoẻ mạnh, phản ứng viêm cũng giống như đã ăn bữa có chất béo bão hoà.
Nói cách khác, xét về ảnh hưởng gây viêm, ăn bữa ăn lành mạnh hơn không mang lại tác dụng tốt hơn. "Dường như stress đã kích thích tình trạng viêm", bà Kiecolt-Glaser cho biết.
Phụ nữ thường gặp các loại stress không ở mức gây nguy hiểm tính mạng, chỉ là những tình trạng làm họ cảm thấy quá tải hay mất kiểm soát như trông con hay chăm sóc cha mẹ già yếu.
Các nhà nghiên cứu đo lường một số dấu hiệu viêm nhiễm trong cơ thể, bao gồm protein kháng C (CRP).
Nếu mức độ viêm cao kéo dài trong đời người, sẽ làm tăng nguy cơ mắc hàng loạt bệnh tật, bao gồm "bệnh tim mạch, tiểu đường type 2, viêm khớp, và một số loại ung thư. Đó là một danh sách các bệnh khủng khiếp có thể gặp phải", bà Kiecolt-Glaser giải thích.
Kết quả nghiên cứu tạo ra thêm bằng chứng cho thấy stress là một đấu thủ mạnh mẽ có khả năng ảnh hưởng tới sức khoẻ của chúng ta.
Nghiên cứu trước đây của Kiecolt-Glaser cho thấy những tổn thương ở người bị stress sẽ lâu lành hơn. Bà cũng cho biết stress có thể làm tăng cân bằng cách làm thay đổi quá trình trao đổi chất và làm chậm quá trình đốt calo.
"Các mối quan hệ riêng tư, gần gũi có lẽ là chiến binh giảm stress mạnh mẽ nhất thế giới", bà Kiecolt-Glaser nói.
Các nghiên cứu còn cho thấy thiền định, yoga, một loạt các hoạt động – từ nhảy salsa tới nghe hip-hop hoặc tới phòng gym cũng mang lại hiệu quả, thậm chí làm việc tốt cho người khác cũng giúp bạn chặn đứng stress.
"Tôi luôn hoạt động mỗi khi bị stress. Đó là một lối thoát, giúp chúng ta giải tán những căng thẳng trong đầu", Marina Smith chia sẻ.
Theo Aric Prather, giáo viên dự khuyết tại Đại học California, Trường Y San Francisco, người chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của các lựa chọn phong cách sống lên sức khoẻ cho biết "luyện tập và kết nối xã hội có tác dụng nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chiến đấu chống stress".
Tác giả nghiên cứu Janice Kiecolt-Glaser
Giáo sư Janice Kiecolt-Glaser là Giám đốc Viện Nghiên cứu Dược Hành vi của Đại học Bang Ohio, danh hiệu Giáo sư Đại học Xuất sắc.
Hoạt động trong lĩnh vực miễn dịch tâm thần kinh, bà là tác giả của hơn 250 bài viết, chương, sách, đa phần là kết hợp cùng Tiến sĩ Ronald Glaser.
Các nghiên cứu của họ cho thấy tác động của stress lên sức khoẻ, bao gồm làm vết thương chậm lành, làm suy yếu phản ứng của vaccine; họ cũng cho thấy stress kinh niên làm tăng mạnh các thay đổi về mức độ viêm liên quan tới tuổi tác, gắn với một số loại ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường type 2, loãng xương, viêm khớp.
Thêm vào đó, các nghiên cứu của họ tập trung vào ảnh hưởng của những mối quan hệ cá nhân lên chức năng miễn dịch, nội tiết và sức khoẻ.