Ăn quá nhiều thịt đỏ, cá tôm chỉ ăn con to là lý do khiến người Việt ngày càng thấp lùn
Tại Hội thảo "Sức khỏe và An toàn Thực phẩm đối với cộng đồng" do Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Cục An Toàn Thực Phẩm mới đây, PGS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết tỷ lệ lớn người Việt Nam thiếu canxi trầm trọng.
Hiện nay, nhu cầu canxi của người Việt chỉ mới được đáp ứng 1 phần nhỏ. Trong khi đó phụ nữ, trẻ em là hai đối tượng được đặc biệt quan tâm thì mức đáp ứng ở phụ nữ chỉ 51%, trẻ em là 60%. Với trẻ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ đạt 49% nhu cầu canxi tối thiểu một ngày.
Thiếu canxi gây ra nhiều bệnh, đặc biệt là tình trạng trẻ thấp còi tạo nên cả thế hệ thấp còi. Hậu quả của thiếu canxi nữa đó là tình trạng phụ nữ bị loãng xương, các bệnh xương khớp.
PGS Lê BachMai cho biết, ở Việt Nam phụ nữ sau tuổi mãn kinh hầu như ai cũng mắc các bệnh về xương khớp, đó là do nguyên nhân của hậu quả thiếu canxi trường diễn.
Nguyên nhân gây nên tình trạng thừa chất đạm, thiếu canxi bởi vì 3 lý do: hấp thu canxi kém, mất qua nước tiểu, nguồn thức ăn ăn vào không có canxi. Đây là các nguyên nhân trường diễn, với khẩu phần ăn ít ỏi canxi, cộng thêm thói quan sinh hoạt khiến canxi có tý nào đào thải ra ngoài đường nước tiểu.
Cụ thể, người Việt ăn nhiều thịt đặc biệt là thịt đỏ, nhu cầu quá 1 lạng thịt/ ngày làm tăng phốt pho và giảm canxi. Khi ăn các loại cá tôm thì chỉ thích cá to, tôm to và bỏ xương khiến lượng canxi trong thực phẩm bị loại bỏ ngay từ lúc chế biến.
Đặc biệt là tình trạng lạm dụng nước ngọt chế biến sẵn như cocacola đã tạo môi trường axit trong cơ thể. Khi đó axit lấy canxi làm kiềm để tránh toan hoá máu, toan nước tiểu nên canxi bị đào thải ra ngoài.
Nước ngọt có gas không chỉ gây béo phì mà còn gây thấp lùn
PGS Mai đưa ra dẫn chứng, mỗi đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời đã được chia định mức 53 lít nước giải khát/năm. Trong khi đó, sữa là thành phần cung cấp canxi tốt nhất thì thống kê đến năm 2016 trung bình mỗi người Việt được 16 lít sữa/năm, chỉ bằng 1/3 lượng nước ngọt, chưa kể bia bọt khác.
Ngậm đắng vì sữa "xách tay"
Không chỉ sai lầm trong cách ăn uống khiến "giấc mơ tầm vóc cao lớn" của người Việt cứ xa vời, PGS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thực phẩm Quốc gia cũng báo động về tình trạng sử dụng sữa của người Việt, đặc biệt là xu hướng sính dùng sữa "xách tay".
Bà Hảo cho rằng thói quen sử dụng sữa "xách tay" cực kỳ nguy hiểm, không tốt như nhiều bà mẹ nghĩ. Theo PGS Hảo sữa ngoại về Việt Nam chủ yếu theo ba đường như nhập khẩu nguyên lon, nhập khẩu nguyên liệu, và "xách tay". Đối với sữa "xách tay" ẩn chứa nhiều rủi ro nhất bởi nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.
Cũng chính vì nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, không có công ty nào đứng ra đảm bảo, chỉ là "lấy tín làm tin" nên đây cũng là đường mà các loại sữa giả dễ trà trộn vào nhiều nhất.
Nhiều bà mẹ cũng tin rằng "hàng xách tay" là hàng "xịn" nên tìm mọi cách mua cho được sữa ngoại "xách tay". Chính vì thế, sữa "xách tay" có mặt ở các cửa hàng tạp hóa có bán kèm các sản phẩm sữa.
Sữa bột ngoại giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3, 4 lần so với các dòng sữa nội nhưng phần lớn khách hàng vẫn thích mua sữa ngoại. Một số người tiêu dùng cho rằng "tiền nào của nấy", sữa càng đắt tiền càng tốt không biết nên dùng loại sữa nào thì phù hợp với thể trạng của con cái mình để có hiệu quả tốt nhất.
Chính nhà sản xuất Meiji chính hiệu của Nhật cũng cảnh báo nguồn gốc sữa có tên Meiji ở Việt Nam không đạt chuẩn.
Trong khi đó, năm 2016, thông tin về việc Công ty sữa Meiji (Nhật) cảnh báo các loại sữa Meiji tại thị trường Việt Nam không đảm bảo chất lượng, có thể là hàng giả một lần nữa gióng lên hồi chuông về chất lượng các loại sữa ngoại.
Trước thực trạng trên, PGS Hảo cho rằng không phải cái gì "ngoại" cũng tốt? Để mua được sản phẩm an toàn, bà Hảo cho rằng việc đầu tiên khi mua là phải chọn sữa có nguồn gốc, thông tin rõ ràng.
Người tiêu dùng phải lựa chọn sản phẩm phù hợp với thể trạng, nhu cầu dinh dưỡng của bé. Sữa bột cho trẻ em ở mỗi thị trường thường được nhà sản xuất đưa ra mỗi công thức khác nhau để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của bé sinh sống ở môi trường khí hậu và nhiệt độ ở đó.