Liên tiếp xử trí các ca tắc ruột nguy hiểm
Thời gian qua, Bệnh viện Bãi Cháy liên tục tiếp nhận và xử trí cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân có dị vật bã thức ăn đường tiêu hóa do thực phẩm có nhiều nhựa, chất xơ hình thành.
Đặc biệt nguy hiểm khi bã thức ăn tồn tại lâu ngày ở dạ dày trôi xuống ruột non gây biến chứng tắc ruột phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu.
Mới đây, Khoa Thăm dò chức năng – Bệnh viện Bãi Cháy vừa thực hiện nội soi gắp hai khối bã thức ăn trong dạ dày, hành tá tràng đường kính khoảng 1,5cm cho bệnh nhân Lê T T (47 tuổi, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó khoảng 1 tuần, người này từng ăn quả hồng và nhập viện trong tình trạng đau tức thượng vị, buồn nôn.
Nội soi cho người bệnh có khối bã thức ăn sau ăn quả hồng (ảnh bệnh viện cung cấp)
Bác sĩ CKI.Nguyễn Trung Thành – Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, đây không phải trường hợp đầu tiên bệnh viện phải tiến hành nội soi gắp khối bã thức ăn tắc trong dạ dày, tá tràng người bệnh.
"Tính từ năm 2018 đến nay, khoa đã tiến hành trên 10 ca. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với những khối bã thức ăn có kích thước nhỏ dưới 20 cm. Bác sĩ có thể quan sát rõ ràng, cắt nhỏ khối bã thức ăn qua nội soi nhanh chóng, sau đó khối bã sẽ được đẩy xuống ruột già và ra ngoài một cách tự nhiên. Bệnh nhân có thể xuất viện sau 24h và trở lại với sinh hoạt bình thường”,bác sĩ CKI.Nguyễn Trung Thành nói.
Theo bác sĩ CKI.Nguyễn Trung Thành, phương pháp nội soi chỉ được thực hiện đối với khối bã có kích thước nhỏ, còn với những bệnh nhân có khối bã thức ăn lớn gây tắc ruột non nghiêm trọng thì phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu.
Cụ thể, vào trung tuần tháng 11/2020, Khoa Ngoại Bệnh viện Bãi Cháy tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho trên 4 ca bệnh bị tắc ruột do khối bã thức ăn.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân Trần X. T (63 tuổi, TP Hạ Long) vào viện trong tình trạng đau chướng vùng bụng quanh rốn, mạn sườn trái, đau thành cơn, buồn nôn và nôn ra thức ăn. Hình ảnh chụp CT scanner cho thấy tắc ruột non do bã thức ăn kích thước 25x43mm vùng hố chậu trái. Trước đó, bệnh nhân ăn một lượng lớn quả hồng trong nhiều ngày. Các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất chỉ định phẫu thuật cấp cứu tắc ruột cho người bệnh.
Quá trình phẫu thuật, bác sĩ đã mở đoạn ruột non lấy bã thức ăn gây tắc cách góc manh tràng khoảng 1m, thiết lập lưu thông ống tiêu hóa, lau rửa ổ bụng và đặt dẫn lưu. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định, sức khỏe phục hồi tốt, có thể ăn uống bình thường.
“Trong quả hồng có chất nhựa gây kết dính thức ăn tạo nên cục thức ăn lớn rất khó tiêu hóa. Bã thức ăn ứ đọng trong dạ dày nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm loét, xuất huyết dạ dày, đầy bụng, khó tiêu. Nếu bã thức ăn trôi xuống và bị tắc nghẽn ở ruột non sẽ gây nên biến chứng như giãn, viêm, phù nề, hoại tử ruột non, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân…dẫn đến tử vong”. – Bác sĩ CKI. Nguyễn Thái Bình – Phó Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.
Trướng bụng, buồn nôn, đầy bụng sau ăn, bí trung đại tiện cần đến viện sớm
Nam bệnh nhân bị tắc 1m ruột sau phẫu thuật (Ảnh bệnh viện cung cấp)
Theo TS. Nguyễn Đình Hòa, BV Việt Đức, tắc ruột non là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Bã thức ăn (bezoars) là một trong những nguyên nhân hiếm gặp gây tắc ruột non.
Những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn là: người già răng rụng (làm giảm sức nhai), người đã phẫu thuật cắt dạ dày hoặc mắc bệnh viêm tụy mạn (khả năng tiêu hóa thức ăn kém), người ăn hoa quả nhiều chất xơ (măng, mít, cam) hoặc nhiều chất tanin (quả hồng, hồng xiêm), trẻ ăn quá nhiều hoa quả như sim, ổi…
Những thức ăn này dính lại thành cục trong lòng ruột, không tiêu được, gây tắc ruột. Hầu hết các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn phải được phẫu thuật để lấy khối bã. Trong đó, tắc ruột do u bã thức ăn thường gặp hơn ở trẻ em và người già.
“Tắc ruột do bã thức ăn rất khó chẩn đoán đúng nguyên nhân trước mổ, nếu chậm điều trị có thể gây nhiều biến chứng như mất nước và điện giải do nôn, hạ huyết áp, trụy mạch sớm”, TS Nguyễn Đình Hoà cảnh báo.
TS Nguyễn Đình Hoà nhấn mạnh, khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như: hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng… Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu chúng ta ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.
Ngoài ra, nếu người bệnh có thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.
Vì thế, để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, TS Nguyễn Đình Hoà lưu ý, thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ… nhai kỹ khi ăn – đặc biệt là người già. Mọi người nên uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày và đừng quên tập thể dục đều đặn. Việc làm này giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt.
Người dân không nên nuốt những thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục hay ăn trái cây (như nhãn, vải, táo) mà nuốt luôn cả hột.
“Ngoài ra, các bạn khi ăn rau nên nhớ ăn thêm các loại rau có độ nhớt (rau đay, mùng tơi, đậu bắp…) vì những loại này có chất xơ hòa tan với nước, dễ thấm hút nước chống táo bón. Đặc biệt, khi ăn trái cây có nhiều chất chát chúng ta không nên ăn quá nhiều, không ăn lúc đói và không ăn chung với thức ăn có nhiều đạm”, TS Nguyễn Đình Hoà lưu ý.
Triệu chứng thường gặp của bã thức ăn trong dạ dày là đau bụng thượng vị, trướng bụng, đầy hơi, nôn, buồn nôn, đầy bụng sau ăn, bí trung đại tiện... Vì vậy Bác sĩ CKI. Nguyễn Thái Bình khuyến cáo khi gặp những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân và xử trí kịp thời, tránh biến chứng tắc ruột đe dọa tính mạng người bệnh.