Án phạt nào cho các cựu chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa?

Bài, ảnh: Kỳ Nam |

VKSND tỉnh Khánh Hòa đã luận tội đối với 3 cựu lãnh đạo UBND tỉnh, 1 cựu giám đốc sở và đề nghị mức án dưới khung quy định liên quan đến vụ giao "đất vàng" trái luật.

Ngày 12-12, HĐXX TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phần xét hỏi và luận tội 3 cựu lãnh đạo UBND tỉnh liên quan đến sai phạm tại dự án "đất vàng" Golden Gate số 28E Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang.

Cựu lãnh đạo khánh hòa Xem thường pháp luật

Bốn bị cáo trong vụ án này, gồm: ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT) tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, 2 bị cáo Lê Đức Vinh và Võ Tấn Tháo có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Án phạt nào cho các cựu chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch Khánh Hòa (trái) trao đổi với bị cáo Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch Khánh Hòa trước phiên xét xử

Vị đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa cho rằng các bị cáo khi giao khu đất diện tích 20.112 m2 số 28E Trần Phú cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang là dự án Nha Trang Golden Gate không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án, dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 138 tỉ đồng.

Đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa đánh giá các hành vi trái pháp luật của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội; xâm phạm trực tiếp đến quản lý kinh tế trong quản lý tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước; gây tâm lý hoang mang lo lắng trong dư luận, giảm sút lòng tin nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý Nhà nước; ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp…

Các bị cáo được tin tưởng giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nhưng đã tùy tiện tham mưu, quyết định các hành vi trái pháp luật trong việc việc lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh đối với dự án xây dựng nhà ở; thỏa thuận phương án kiến trúc, quy hoạch; quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất…

Hành vi các bị cáo thể hiện tính xem thường tính nghiêm minh pháp luật, do đó cần xử lý nghiêm khắc, cách ly các bị cáo khỏi đời sống xã hội một thời gian nhằm đủ sức răn đè, phòng ngừa chung cho xã hội.

Kiến nghị án phạt cựu lãnh đạo Khánh Hòa dưới khung

Đánh giá tính chất, vai trò, mức độ nguy hiểm cho xã của các bị cáo, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa cho rằng các bị cáo đều giữ vai trò đứng đầu tại các cơ quan nhà nước; được giao quản lý, tham mưu tài sản nhà nước; am hiểu các quy định pháp luật về lĩnh vực quy hoạch, đất đai, tài chính…

Trong đó, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng thời điểm này là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có vai trò đứng đầu, bị cáo thể hiện sự chỉ đạo xuyên suốt bằng các văn bản trong quá trình triển khai dự án… làm tiền đề cho các sai phạm sau này. Do đó, bị cáo Thắng cần có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với vai trò.

Án phạt nào cho các cựu chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa? - Ảnh 2.

VKSND tỉnh Khánh Hòa luận tội các bị cáo là cựu lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa trước tòa

Bị cáo Lê Đức Vinh, với vai trò là Phó chủ tịch UBND tỉnh, sau đó là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký 2 quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án, ký công văn chỉ đạo công tác bồi thường, xử lý tài sản trên đất tại dự án.

Bị cáo Đào Công Thiên, với vai trò Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ký quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng không đấu giá quyền sử dụng đất, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất.

Ông Võ Tấn Thái, thời điểm này là Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, sau đó là Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, đã tham mưu UBND tỉnh dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, không đúng hình thức.

Các bị cáo được xem xét các tình tiết giảm nhẹ như: nhân thân tốt, có công với cách mạng, khai báo thành khẩn…

Vị đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chiến Thắng 5-6 năm tù; các bị cáo còn lại là Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên, Võ Tấn Thái mỗi bị cáo từ 3-4 năm tù.

Các bị cáo nói trên bị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 điều 219 Bộ Luật Hình sự.

Khoản 3 điều 219 quy định việc thất thoát từ 1 tỉ đồng trở lên có thể bị phạt từ 10- 20 năm tù.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại