Ăn phải "quả đắng" của Trung Quốc, nhiều nước châu Phi dù đói đến mấy vẫn phải vội nhả ra

Hồng Anh |

Chuyên gia Mỹ đã chỉ ra 4 lí do khiến nhiều nước châu Phi dần "buông tay" Trung Quốc.

Thời gian gần đây, ảnh hưởng của Trung Quốc tại "Lục địa Đen" châu Phi ngày càng được tăng cường. Điều này đã được chính các bên tuyên bố trong Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) hồi tháng 9 vừa qua, cùng với đó là lời cam kết của Bắc Kinh về khoản vay hỗ trợ phát triển 60 tỉ USD - được tuyên bố là "không ràng buộc" - dành cho các nước châu Phi.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử lịch sử của Zimbabwe năm nay đã cho thấy ngày càng có nhiều người châu Phi phản đối sự hỗ trợ và tiền của Trung Quốc. Ví dụ, trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên đảng đối lập Nelson Chamisa đã cam kết sẽ "đuổi cổ" hết các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi châu Phi, tuy nhiên sau đó ông này không dành được thắng lợi.

Một ví dụ điển hình khác là trong cuộc bầu cử năm 2011 của Zambia, khi ứng cử viên đối lập Michael Sata luôn chỉ trích các thương nhân Trung Quốc là "những kẻ trục lợi". Quan điểm này đã giúp ông Sata giành thắng lợi trước Tổng thống đương nhiệm vào thời điểm đó là Rupiah Banda.

Mới đây, một quốc gia nghèo ở châu Phi - Sierra Leone - đã bất ngờ tuyên bố hủy dự án xây dựng sân bay 318 triệu USD hợp tác với Trung Quốc, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022. Rõ ràng thái độ phản đối Trung Quốc không chỉ xuất hiện trong các cuộc tranh cử, mà đang ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng các quốc gia trên Lục địa Đen.

Ông Richard Aidoo, Phó Viện trưởng kiêm Phó Giáo sư chính trị của trường Nghệ thuật và Nhân văn Thomas W. và Robin W. Edwards, Đại học Coastal Carolina, đã chỉ ra 4 lí do khiến nhiều nước châu Phi dần "buông tay" Trung Quốc:

1. Kinh tế đi liền với chính trị

Đối với phe ủng hộ hợp tác với Trung Quốc, thì khoản vay "hời" từ Bắc Kinh không chỉ được quy đổi ra cơ sở hạ tầng, mà nó còn tạo ra nhiều việc làm mới cho đất nước. Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Phi đã hợp tác với Bắc Kinh trong thời gian dài, nhưng tỉ lệ người thất nghiệp và thu nhập thấp vẫn gia tăng.

Ví dụ, tại một trong các đối tác thành công nhất của Trung Quốc tại châu Phi là Nam Phi, tỉ lệ người thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng, và ước tính sẽ vượt quá 26% trong năm 2018. Các đảng đối lập có thể tận dụng điều này để thuyết phục người dân rằng các khoản vay từ Trung Quốc thiếu hiệu quả. 

Tân Tổng thống Julius Maada Bio của Sierra Leone cũng từng chỉ trích các dự án của Trung Quốc là "lừa đảo" trong một cuộc tranh biện, và sau khi nhậm chức, ông đã thẳng tay hủy dự án trăm triệu đô do người tiền nhiệm kí kết với Bắc Kinh.

Ăn phải quả đắng của Trung Quốc, nhiều nước châu Phi dù đói đến mấy vẫn phải vội nhả ra - Ảnh 2.

Công nhân Trung Quốc và công nhân châu Phi. Ảnh minh họa: Atlanta black star.

2. Lo ngại về nguồn tài nguyên

Kinh tế châu Phi chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài nguyên, khoáng sản, và đây cũng chính là mặt hàng được Trung Quốc nhập nhiều. Theo số liệu của Sáng kiến Nghiên cứu Trung - Phi, 3 loại tài nguyên được Trung Quốc nhập nhiều nhất từ châu Phi trong năm 2015 là dầu mỏ, đồng và quặng kim loại.

Do ngành khai thác tài nguyên và khoáng sản là trọng tâm của kinh tế châu Phi, nên sự hiện diện của nước ngoài trong lĩnh vực này thường dấy lên nhiều quan ngại trong dư luận. Sự "quan tâm" của Trung Quốc cũng không phải là là ngoại lệ.

Ngoài ra, còn có một số báo cáo về vấn đề người lao động châu Phi phải làm việc trong môi trường không đảm bảo tại các khu vực khai thác do Trung Quốc sở hữu.

Ăn phải quả đắng của Trung Quốc, nhiều nước châu Phi dù đói đến mấy vẫn phải vội nhả ra - Ảnh 3.

Một công trường xây dựng của nhà thầu Trung Quốc tại châu Phi. Ảnh minh họa: Siphiwe Sibeko/Reuters.

3. Hàng kém chất lượng của Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Phi

Theo kết quả khảo sát năm 2016 của Afrobarometer tại 35 quốc gia châu Phi, 35% số người tham gia cho rằng các mặt hàng của Trung Quốc kém chất lượng.

Mặc dù các mặt hàng này có giá thành rẻ và phù hợp với mức thu nhập thấp của người tiêu dùng châu Phi, nhưng họ không muốn thấy các công trình được xây dựng bằng vật liệu kém chất lượng, hoặc mua phải các loại dược phẩm giả.

4. Nỗi lo về chủ nghĩa thực dân mới trong quan hệ Trung-Phi

Nhiều chính trị gia phương Tây lập luận rằng sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi chính là một hình thức "chủ nghĩa thực dân mới", và khoản vay từ Bắc Kinh của châu lục này cũng là một điều rất đáng lo ngại.

Sri Lanka, Djibouti là các quốc gia đã vay khoản tiền lớn từ Trung Quốc, và đã buộc phải cho Bắc Kinh thuê các cơ sở hạ tầng chiến lược trong 99 năm để cấn trừ nợ. Từ bài học xương máu này, nhiều ý kiến cũng lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các khoản vay để gây áp lực với các quốc gia châu Phi về chính trị và kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại