Ngày 13/5, tin từ Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cho biết đơn vị đang cấp cứu cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải cá nóc trên địa bàn.
Theo thông tin ban đầu, vào tối 11/5, trong lúc ăn cơm thì anh Nguyễn Văn B. (43 tuổi) và chị Lê Thị T. (33 tuổi) cùng hai 2 con là cháu Nguyễn Văn K. (15 tuổi) và Nguyễn Văn Y. (6 tuổi; cùng ngụ ở xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc) đã ăn phải cá nóc dẫn đến bị ngộ độc.
Sự việc được người dân phát hiện và đưa gia đình anh B. vào bệnh xá để cấp cứu. Song, do bị ngộ độc nặng nên cháu Y. đã tử vong vào sáng 12/5. Đồng thời, ba người còn lại trong gia đình đang trong tình trạng nguy kịch.
Lúc này, bệnh xá đã liên hệ cảnh sát biển hỗ trợ đưa 3 bệnh nhân còn lại vào Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc để cấp cứu và theo dõi tình trạng sức khỏe.
Người nhà anh B. cho biết, gia đình nạn nhân đã ăn cơm với cá lưỡi trâu và cá nóc chiên. Sau đó, sự việc không may đã xảy ra.
Được biết, cá nóc (hay còn gọi là cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà), trên thế giới bộ cá nóc Tetraodontiformes có 9 họ, bao gồm trên 400 loài thuộc 13 giống. Trong đó có 243 loài thuộc 4 họ chiếm ưu thế là Ostraciidae, Triodontidae, Tetraodontidae và Diodontidae. Song, ở Việt Nam theo thống kê thì có hơn 60 loài cá nóc, trong đó có khoảng 30 loài là cá độc. Độc tố cá nóc rất độc, với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.
Chất độc của cá nóc gọi là tetrodotoxin (TTX) C11H17O8N3 là một loại độc tố thần kinh cực độc.
Khi cá bình thường, nộc độc trong cá tồn tại ở dạng tiền độc tố Tetrodomin không độc; nhưng khi cá bị ươn hoặc bị va đập, tiền chất Tetrodomin sẽ biến đổi thành chất TTX gây độc. Chất độc Tetrodotoxin không tan trong nước và không bị nhiệt phá hủy. Vậy nên, khi nấu chín hay phơi khô… chất độc vẫn tồn tại.