Ân oán trong quá khứ và sự khó chịu "không nói thành lời" của Trung Quốc với Qatar

Hải Võ |

Dù là một trong những nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho Trung Quốc, việc Qatar dính cáo buộc tài trợ khủng bố đang đặt Bắc Kinh vào thế khó xử.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), chính phủ Trung Quốc đang đối diện với tình hình rất phức tạp trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Sức ép lên ban lãnh đạo Trung Quốc gia tăng sau vụ việc mới nhất là 2 công dân nước này bị nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt cóc và hành quyết tại Pakistan, khu vực đang xây dựng hành lang kinh tế song phương, một điểm quan trọng trên sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã lo ngại về thế lực ảnh hưởng mà họ gọi là "chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan", được du nhập từ Syria hay Afghanistan vào khu tự trị Tân Cương ở vùng Tây Bắc Trung Quốc.

Trong khủng hoảng ngoại giao mới nhất ở vùng Vịnh, việc Qatar bị các láng giềng quyền lực cáo buộc là gây bất ổn khu vực và tài trợ khủng bố đã dấy lên "những lo lắng không nói thành lời" trong giới lãnh đạo Trung Quốc.

Dù Doha bác bỏ mạnh mẽ, nhưng xu hướng dư luận quốc tế đang trở nên bất lợi khi Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain lên án Qatar là nhà cung cấp tài chính then chốt cho các chi nhánh al-Qaeda tại Syria, phong trào Anh em Hồi giáo và cả IS.

SCMP cho hay, Qatar đã trở thành nơi trú ẩn cho cựu lãnh đạo lưu vong của phong trào Hamas, Khaled Mashaal, từ năm 2012.

Pan Guang, chuyên gia về Trung Đông tại Viện khoa học xã hội Thượng Hải, Trung Quốc nói rằng các mối liên hệ đáng ngờ này của Qatar khiến Bắc Kinh rất lo ngại.

"Mặc dù chính phủ Qatar phản đối chủ nghĩa khủng bố, luồng quan điểm chủ lưu trong xã hội vẫn bị thống trị bởi hệ tư tưởng Salafi (được IS theo đuổi), và do đó không tránh khỏi có các liên hệ phức tạp với những nhóm Salafi bị cực đoan hóa," ông Pan nói với SCMP.

Salafi là một tư tưởng siêu bảo thủ trong dòng Hồi giáo Sunni, cổ súy làm sống lại những truyền thống vào thế kỷ thứ 6 của ba thế hệ Hồi giáo đầu tiên, xung quanh giai đoạn mà nhà tiên tri Mohammed còn sống.

Ngày nay, phần lớn những người theo tư tưởng Salafi đến từ Qatar, UAE và Saudi. Khoảng 48.87% người Qatar, 44.8% ở UAE và 22.9% dân Saudi là người Salafi - theo một nghiên cứu của Đại học Columbia, Mỹ.

Ảnh hưởng của Salafi đã xuất hiện ở cộng đồng theo đạo Hồi tại Trung Quốc, chủ yếu là ở khu vực phía Nam tỉnh Vân Nam và phía Tây Bắc qua các tỉnh Cam Túc, Ninh Hạ, khu tự trị Tân Cương.

Wang Lian, chuyên viên phân tích chính trị Trung Đông tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cảnh báo học thuyết Salafi bị các nhóm cực đoan ở nước này sử dụng để chống lại chính quyền.

"Chúng ta cần phân biệt rõ những người theo đạo Hồi tận tâm, bảo thủ với những kẻ cực đoan muốn lợi dụng [học thuyết Salafi] để đạt được mục đích chính trị," ông Wang nói.

Theo ông Wang, hiện chưa có bằng chứng cho thấy Qatar có liên quan đến tình trạng cực đoan hóa trong cộng đồng dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Thời điểm này Bắc Kinh vẫn lo lắng hơn về các nhóm đến từ Syria và Afghanistan.

Ân oán trong quá khứ và sự khó chịu không nói thành lời của Trung Quốc với Qatar - Ảnh 1.

Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tuần tra ở Tân Cương. An ninh khu vực được siết chặt từ năm 2014, sau một loạt vụ tấn công mà Bắc Kinh cáo buộc do người Duy Ngô Nhĩ gây ra nhằm vào nhà chức trách (Ảnh tư liệu: Getty Images)

Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Qatar

Học giả Pan Guang nói rằng khác biệt chủ yếu giữa hai nước đến từ vị trí trong tình hình chính trị Trung Đông.

"Trung Quốc tuân theo nguyên tắc không can thiệp, ngược lại Qatar theo đuổi chính sách can thiệp tích cực vào tình hình Libya và Syria," ông Pan nói.

Một trong những căng thẳng lớn nhất giữa Trung Quốc và Qatar đến từ thái độ Al Jazeera, hãng thông tấn quốc tế có tiếng nói rất mạnh do nhà nước Qatar tài trợ, khi đưa các báo cáo liên quan đến chính sách và lập trường của Bắc Kinh.

Hồi năm 2012, Trung Quốc đã trục xuất một nhà báo của Al Jazeera sau khi hãng này sản xuất một loạt chương trình chỉ trích Trung Quốc, bao gồm một báo cáo nói Bắc Kinh dùng tù nhân làm lao động để sản xuất các mặt hàng bán tại thị trường châu Âu.

Theo ông Pan, chính phủ Trung Quốc còn đặc biệt không hài lòng trước các bản tin của Al Jazeera liên quan đến quyền con người, các bài chỉ trích lập trường, chính sách của Bắc Kinh về Libya và Syria từ sau Mùa xuân Ả Rập.

Chính phủ Qatar có ảnh hưởng rất lớn đối với thái độ của Al Jazeera. Các thông tin về Trung Quốc của hãng đã được cải thiện kể từ khi Doha điều chỉnh chính sách đối ngoại, nhưng Bắc Kinh vẫn e ngại trước khả năng Qatar "can thiệp vào công việc nội bộ" Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại