Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học Journal of Human Hypertension, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi TS Liping Huang từ Viện Y tế toàn cầu George (trụ sở chính tại Úc) chỉ ra việc tăng cường kali có thể là chiếc chìa khóa thứ hai để kiểm soát bệnh cao huyết áp.
Cao huyết áp là một trong những căn bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh không lây nhiễm, ước tính gây ra hơn 11 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.
Lời khuyên bổ biến dành cho bệnh nhân bị cao huyết áp là giảm lượng muối ăn (natri clorua) nạp vào cơ thể.
Đó là một chiến lược nhiều khó khăn, bởi thói quen thưởng thức các món ăn đậm đà đã ăn sâu vào đời sống người dân ở nhiều quốc gia. Vì vậy, việc xác định các biện pháp song song luôn được ngành y tế quan tâm.
Theo Medical Xpress, nhóm tác giả Viện George đã phân tích dữ liệu từ thử nghiệm mang tên Nghiên cứu về đột quỵ và thay thế muối (SSaSS) quy tụ gần 21.000 tình nguyện viên trong vòng 5 năm.
Kết quả cho thấy khi dùng muối kali clorua để thay thế cho muối ăn natri clorua thông thường - điều vừa giúp giảm lượng natri, vừa giúp tăng lượng kali - nguy cơ đột quỵ giảm 14%, các biến cố nghiêm trọng giảm 13%, nguy cơ tử vong vong sớm giảm 12%.
Các tác động kỳ diệu này chủ yếu đến từ khả năng giúp hạ huyết áp của việc giảm natri song song với bù kali.
Họ phát hiện ra rằng việc bổ sung kali chiếm từ 61% đến 88% tác dụng hạ huyết áp được ghi nhận trong thử nghiệm này.
Ngoài việc sử dụng muối thay thế, chúng ta cũng có thể bổ sung kali thông qua nhiều loại thực phẩm nổi tiếng là tốt cho sức khỏe tim mạch và nhiều phương diện khác.
Tờ Healthline "điểm danh" một số loại thực phẩm giàu kali nhất bao gồm: Quả bơ, khoai lang, cải bó xôi, dưa hấu, nước dừa, các loại đậu, cà chua, bí đỏ, khoai tây, củ dền, quả mơ khô...