Mặc dù các cuộc tập trận chung liên quan đến 2 nước không phải hiếm, động thái mới nhất diễn ra giữa lúc cả 2 đều chịu sức ép gia tăng từ Bắc Kinh.
Trong khi căng thẳng New Delhi - Bắc Kinh leo thang vì đụng độ ở biên giới Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, Tokyo và Bắc Kinh lâu nay vẫn bị cuốn vào cuộc tranh chấp quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Cuộc tập trận nêu trên cũng là một tín hiệu cho thấy đối đầu địa chính trị đang nóng lên ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Riêng tháng này, Mỹ tiến hành 3 cuộc tập trận trên biển Philippines và biển Đông.
Trong khi đó, ASEAN hôm 27-6 ra tuyên bố chung trong một động thái, theo giới chuyên gia, nhằm thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với các yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông.
Các cuộc tập trận chung giữa Nhật Bản và Ấn Độ trên Ấn Độ Dương cho thấy 2 nước đang tiến gần nhau hơn (Ảnh: Twiter).
Giữa lúc quan hệ Tokyo-Bắc Kinh leo thang căng thẳng vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thành lập một nhóm mới để cải thiện quan hệ hàng hải với Mỹ, Ấn Độ, Úc và các quốc gia Đông Nam Á.
Giới phân tích khẳng định những hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông đã đưa Ấn Độ và Nhật Bản tiến gần nhau hơn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narenda Modi thường xuyên gặp gỡ và tính riêng năm 2019, 2 nhà lãnh đạo đã gặp mặt 3 lần. Hai nước còn tiến hành hội nghị thượng đỉnh hằng năm, vốn là điều Nhật Bản hiếm khi thực hiện.
Theo một vài chuyên gia, hoạt động quân sự gia tăng trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cùng với những hành vi ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trong khu vực có thể tiếp thêm sức mạnh, đưa "Bộ tứ kim cương" (Nhóm QUAD) - gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ - trở lại.
"Thông điệp đã rõ – Trung Quốc càng hung hăng trong khu vực, những quốc gia bị ảnh hưởng, đặc biệt là nhóm QUAD, càng tiến gần nhau hơn" – ông Rajiv Bhatia, cựu quan chức ngoại giao của Ấn Độ, khẳng định.
Cũng theo ông Bhatia, cuộc tập trận chung mới nhất giữa Ấn Độ và Nhật Bản đã phát một thông điệp đến Trung Quốc rằng các bên cần quyết mâu thuẫn bằng ngoại giao, thay vì sự hung hăng để mang lại lợi ích tốt nhất cho mọi quốc gia, kể cả Trung Quốc.