Nhận định về món lẩu, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho rằng đây là một món ngon, bổ dưỡng, hoàn toàn không sinh độc. Tuy nhiên, nó sẽ gây hại cho sức khỏe nếu chúng ta sử dụng nguyên liệu bẩn, không rõ nguồn gốc, quá trình chế biến không sạch.
Lương Vũ Quốc Trung cũng phân tích, thông thường để có một nồi lẩu ngon ngọt, chúng ta thường sử dụng nước hầm xương. Tuy nhiên, nếu bạn đi ăn lẩu ngoài quán, đôi khi người bán sẽ thay thế chỉ bằng một gói gia vị hay sử dụng chất tạo ngọt không rõ nguồn gốc là xong, kiểu chế biến này hoàn toàn có thể sinh bệnh.
Món lẩu có một đặc điểm chung là: Có vị cay nóng, sử dụng nhiều gia vị, nhiều loại thịt, đôi khi chỉ nhúng qua đồ ăn là đã vội gắp ra… Chính vì thế theo nhiều chuyên gia, một số đối tượng sau nên cân nhắc kỹ trước khi ăn lẩu.
1. Bà bầu
Theo lương y Trung, bà bầu ăn lẩu thực tế không gây hại. Nhưng thói quen nhúng qua loa thức ăn, ăn thịt tái khi ăn lẩu có thể khiến bà bầu đối diện với các bệnh về ký sinh trùng như sán lá gan.
Ở bà bầu, sức đề kháng yếu đi, việc nhiễm sán hay ký sinh trùng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ lẫn bé.
Ngoài ra, lẩu chứa nhiều gia vị, nếu ko đảm bảo các loại gia vị này an toàn thì có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Vì vậy, phụ nữ ăn lẩu cần cân nhắc kỹ.
2. Những người mắc bệnh dạ dày
Các loại lẩu cay như lẩu kim chi, lẩu Thái chua cay không phù hợp với những người mắc bệnh về dạ dày. Vị cay của gia vị nước lẩu, của ớt, của sa tế sẽ khiến dạ dày bị kích thích, gây đau đớn.
Người mắc bệnh dạ dày không nên ăn lẩu cay.
Tốt nhất, những người mắc bệnh dạ dày, đường tiêu hóa yếu nên chọn lẩu nấm hay lẩu thanh đạm sẽ tốt hơn.
3. Người mắc bệnh gút, tiểu đường, cao huyết áp
Có thể thấy, nguyên liệu thường có trong món lẩu là nấm, thịt đỏ, hải sản, nội tạng… Đây đều là những thực phẩm giàu dinh dưỡng, dồi dào purine, nhiều cholesterol, không phù hợp để những người bệnh gút, tiểu đường, cao huyết áp ăn nhiều.
Ngoài ra, theo trang Xiaochiwang của Trung Quốc, có 3 món lẩu rất kén người ăn:
- Lẩu kiểu Tứ Xuyên: Người bị viêm họng mãn tính, viêm miệng, bệnh dạ dày, bệnh loét, bệnh ngoài da, bệnh trĩ, chảy máu mũi thường xuyên, chảy máu nướu, và những người máu nóng, phụ nữ mang thai… không nên ăn.
Bị bệnh trĩ, viêm miệng, bệnh dạ dày... bạn không nên ăn lẩu Tứ Xuyên.
- Lẩu hải sản: Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường , tăng huyết áp, tăng lipid máu, bệnh gút, những người bị dị ứng với hải sản không nên ăn.
- Lẩu nấm: Những người bị dị ứng với nấm, bệnh nhân bị bệnh gút và viêm dạ dày mãn tính không nên ăn.
Vậy mùa đông nên ăn lẩu như thế nào thì tốt nhất?
Theo các chuyên gia, món lẩu có nhiều giá trị dinh dưỡng. Cách ăn lẩu để bảo vệ sức khỏe như sau:
- Thứ tự khi ăn lẩu: Để dạ dày hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, đầu tiên bạn nên uống một chút nước ép hoặc nước ngọt, sau đó là ăn rau, cuối cùng mới đến ăn thịt.
- Nên ăn thịt chín: Bạn nên tránh ăn thịt tái sống, đặc biệt là nội tạng động vật thì càng cần nấu chín kỹ.
- Tránh uống nước lẩu đã đun lâu: Nước lẩu là kết tinh của rau, thịt trong quá trình nhúng lẩu, cũng vì vậy mà lẩu rất giàu chất béo và cholesterol, khi bạn sử dụng nhiều nước lẩu cũng sẽ làm tăng nguy cơ bệnh gút và tăng axit uric máu.
Khi ăn lẩu, bạn nên ăn rau trước rồi mới đến ăn thịt.
- Chỉ nên ăn lẩu trong khoảng 2 giờ trở lại vì nếu ăn lâu sẽ khiến dạ dày của bạn phải làm việc liên tục, các dịch vị dạ dày, dịch mật, tụy phải tiết ra nhiều, liên tục để xử lý lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Nếu ăn lâu dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa ... Ngoài ra chỉ nên ăn lẩu 1 tuần/lần.
- Nên gắp những đồ ăn đã chín ra bát để nguội bớt rồi mới từ từ thưởng thức để tránh ăn đồ quá nóng.