Tiến sĩ Jennifer Rayner, thuộc Trung tâm Cộng hưởng từ, Đại học Oxford, ví những thực đơn ăn kiêng như những "chương trình thay thế bữa ăn", đang trở thành mốt trong những năm gần đây. Các nhà dinh dưỡng học khuyến cáo nam giới nên tiêu thụ mỗi ngày khoảng 2.500 kcal, phụ nữ là 2.000 kcal Tuy nhiên, nhiều người ăn kiêng chỉ nạp 600 đến 800 kcal/ngày.
Cắt giảm calories quá đột ngột có thể dẫn đến suy tim - hình minh họa từ internet
Nghiên cứu lần này của Đại học Oxford được thực hiện trên 21 người béo phì ở độ tuổi trung bình là 52, BMI là 37%. Họ ăn kiêng nghiêm ngặt với thực đơn chỉ 600 - 800 kcal và được kiểm tra chi tiết các cơ quan trong cơ thể sau 1 và 8 tuần lễ.
Chỉ sau 1 tuần, chế độ ăn kiêng hà khắc giúp tổng lượng mỡ cơ thể giảm 6%, mỡ nội tạng giảm 11% và mỡ gan giảm 42%. Cholesterol toàn phần, triglyceride, glucose, huyết áp và tình trạng đề kháng insulin cũng giảm đáng kể.
Tuy nhiên, cùng thời gian này, lượng chất béo trong tim đã tăng đến 44% và có sự suy giảm đáng kể về chức năng tim, ví dụ như khả năng bơm máu.
Nguyên nhân là do sự cắt giảm calories khiến chất béo được thải ra từ các bộ phận khá, đi vào trong máu và được cơ tim hấp thụ. Bởi lẽ, cơ tim rất ưa thích chọn mỡ hoặc đường làm nhiên liệu. Chúng nhanh chóng bị tràn ngập chất béo và chức năng bị suy giảm.
Với nhiều người, sau giai đoạn cấp tính đó, cơ thể từ từ điều chỉnh và chức năng tim dần dần hồi phục. Tuy nhiên, không phải ai cũng vượt qua được giai đoạn cấp tính. Những người có trái tim không mấy khỏe mạnh, nằm trong diện nguy cơ hoặc đang mắc vấn đề tim mạch nên cẩn trọng khi bắt đầu ăn kiêng. Các triệu chứng suy tim như hụt hơi hoặc loạn nhịp tim có thể tìm đến.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyên bạn hãy cẩn thận khi nghĩ đến việc cắt giảm calories tiêu thụ một cách quá đột ngột. Nếu tim bạn không hoàn toàn khỏe mạnh thì nhất thiết phải bàn bạc với bác sĩ trước khi định chuyển hẳn sang ăn kiêng hoặc ăn chay.
Nghiên cứu vừa được trình bày tại cuộc hơp thường niên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu năm 2018.
*Theo Telegraph