Án giết cha, hại mẹ của Hoàng đế bất hiếu nhất Đường triều

Trần Quỳnh |

Những hành động nhẫn tâm như giết cha, đuổi mẹ đã khiến Đường Hiến Tông trở thành Hoàng đế bất hiếu, ngỗ nghịch nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Từ cổ chí kim, những cuộc tranh quyền đoạt vị đều diễn ra vô cùng tàn khốc và đẫm máu. Bởi vậy, những tấn bi kịch phụ tử, huynh đệ tương tàn là chuyện "cơm bữa" trong lịch sử Trung Quốc.

Vậy nhưng, người nhẫn tâm hại chết cha ruột, đem mẹ ruột đuổi ra khỏi cung tới mười năm không thèm ngó ngàng, họa chăng chỉ có một Hoàng đế bất hiếu như Đường Hiến Tông mới có thể làm được.

Bi kịch của những bậc cha mẹ xuất thân hoàng tộc

Đường Hiến Tông Lý Thuần là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Đại Đường, con trai trưởng của Đường Thuận Tông và Trang Hiến Hoàng hậu Vương thị.

Sinh thời, ông là vị vua chăm lo triều chính, có công ổn định thể chế nhà Đường. Bởi vậy, cùng với Đường Thái Tông, Đường Huyền Tông, Hiến Tông cũng được xếp vào một trong "Đường Đại Tam Tông" nổi danh trong lịch sử Trung Quốc.

Cổ nhân có câu: "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê gia chủ nghèo". Khổng Tử cũng dạy: "Con cái hiếu thảo không chỉ phụng dưỡng người đã sinh ra mình, mà trước hết phải có lòng thành kính.

Chỉ nuôi cha mẹ không thôi chưa thể gọi là hiếu, vì đến giống chó, ngựa cũng có người nuôi, nuôi cha mẹ mà không thành kính thì có khác gì nuôi chó ngựa, làm sao có thể gọi là lòng hiếu thảo."

Tiếc rằng, một người ở ngôi cửu ngũ chí tôn, công lao cái thế như Đường Hiến Tông lại không hiểu được đạo lý làm người căn bản ấy.

Án giết cha, hại mẹ của Hoàng đế bất hiếu nhất Đường triều - Ảnh 1.

Ngay cả khi sở hữu nhiều công trạng, thanh danh của Đường Hiến Tông vẫn bị "bôi đen" vì mang danh bất hiếu. (Ảnh: nguồn baike).

Mẹ ruột của ông là Thuận Tông Trang Hiến Hoàng hậu Vương thị. Vị Hoàng hậu này sinh ra đã mang mệnh khổ, mất phụ thân từ lúc lọt lòng, tới tuổi 13 thì ông nội qua đời, không người nuôi dưỡng.

Vì gia tộc có công với xã tắc, Vương thị được Đường Đại Tông sung vào hậu cung, phong làm Tông Tài nhân. Xét về vai vế, Đại Tông là cụ nội của Hiến Tông. Như vậy, Vương thị từ chỗ là "bà cố", sau lại trở thành mẫu thân của vị vua này.

Cơ duyên trên xuất phát từ việc Đại Tông tuổi tác quá cao, mà Vương thị lúc đó còn rất nhỏ, hai người căn bản không phát sinh quan hệ vợ chồng.

Vì vậy, Đại Tông liền ban vị Tài nhân ấy cho Hoàng trưởng tôn (cháu trai trưởng) Lý Tụng – tức Hoàng đế đoản mệnh Đường Thuận Tông (cha của Hiến Tông) sau này.

Những mối quan hệ gia đình hỗn loạn như vậy đã trở thành truyền thống "thâm căn cố đế" của nhà Đại Đường. Năm xưa, Võ Tắc Thiên từ thân phận mẹ kế, sau cũng trở thành Hoàng hậu của Cao Tông Lý Trị.

Án giết cha, hại mẹ của Hoàng đế bất hiếu nhất Đường triều - Ảnh 2.

Cha mẹ của Hiến Tông đều là những nạn nhân của các những bi kịch tanh máu xuất phát từ hoàng tộc. (Ảnh minh họa).

Sau khi Đại Tông qua đời, Đức Tông lên ngôi, Lý Tụng được phong làm Thái tử, Vương thị cũng trở thành "Thái tử lương đệ".

Năm Trinh Nguyên thứ 21 (804), tới lượt Đức Tông "cưỡi hạc quy tiên", Lý Tụng lên làm Hoàng đế, sử cũ gọi là Đường Thuận Tông. Cha lên ngôi Hoàng thượng, Lý Thuần nghiễm nhiên trở thành Thái tử.

Ngay sau khi đăng cơ, Đường Thuận Tông tiến hành một loạt các cải cách: biếm truất tham quan, phế trừ cung phi, hạn chế quyền lực của hoạn quan… sử xưng là "Vĩnh Trinh duy tân".

Tiếc thay, công cuộc cải cách của nhà vua thất bại chỉ sau 146 ngày ngắn ngủi. Dưới sức ép của bè lũ hoạn quan và quyền thần, Thuận Tông buộc phải nhường ngôi khi tại vị chưa đầy 200 ngày.

Con của Hoàng hậu Vương thị, tức Thái tử Lý Thuần nhanh chóng lên ngôi, lấy hiệu là Đường Hiến Tông. Thuận Tông buộc phải lui về làm Thái thượng hoàng.

Giết cha, hại mẹ - hoàn cảnh xô đẩy hay sự nhẫn tâm của bậc làm con?

Năm Nguyên Hòa thứ nhất (806), Thuận Tông đột ngột qua đời ở tuổi 46. Cái chết của vị Thái thượng hoàng này cho tới này vẫn còn ẩn chứa nhiều điểm đáng nghi.

Mùng 1 tháng giêng năm đó, Hiến Tông dẫn quần thần đến cung Hưng Khánh dâng tôn hiệu cho Thái thượng hoàng.

Ngày 16, Hiến Tông tuyên bố với quần thần rằng Thái thượng hoàng "đang an dưỡng", tạm thời không thể nghe thiết triều.

Hai ngày sau, tức ngày 18 tháng giêng âm lịch, Hiến Tông lại hạ chiếu bố cáo bệnh tình của Thái thượng hoàng, trong đó có khẳng định Thượng Hoàng "bệnh cũ không chữa khỏi".

Sức khỏe của hoàng tộc vốn là điều luôn cần được giữ bí mật. Những bố cáo đặc biệt chỉ được ban hành khi có người qua đời. Bởi vậy, hành động "xưa nay hiếm" của Hiến Tông phải chăng là chiêu bài "lót đường" cho công cuộc hại chết cha ruột?

Án giết cha, hại mẹ của Hoàng đế bất hiếu nhất Đường triều - Ảnh 3.

Những hành động và thái độ bất thường của Hiến Tông đều làm cho hậu thế hoài nghi ông là người đã giết chết cha ruột của mình. (Ảnh minh họa).

Bằng chứng nằm ở chi tiết chỉ một ngày sau khi bố cáo thiên hạ về bệnh tình của Thái thượng hoàng, Thuận Tông đã qua đời tại cung Hưng Khánh vào ngày 19 tháng giêng âm lịch, triều đình chính thức phát tang tại điện Thái Cực.

Những động thái trên của Hoàng đế khiến hậu thế không khỏi hoài nghi, liệu có phải Thái thượng hoàng đã qua đời nhiều trước khi phát tang? Nếu quả thực là như vậy, thì hành động bố cáo bệnh tình chắc hẳn chỉ để "che mắt thiên hạ", giấu đầu hở đuôi mà thôi!

Về nghi án Hiến Tông hại chết cha, các sử gia còn đưa ra thêm một luận điểm: Đường Hiến Tông Lý Thuần rất nhạy cảm với vấn đề "đạo hiếu".

Vào tháng 7 năm Nguyên Hòa thứ 14 (819), quần thần thảo luận về việc đặt tôn hiệu cho Hiến Tông.

Khi ấy, một đại thần đã dâng tấu gợi ý Thánh thượng thêm hai chữ "Hiếu Đức" vào tôn hào. Tuy nhiên, Tể tướng Thôi Đàn lại bác bỏ ý kiến trên bằng lý do: "hai chữ Duệ Thánh đã mang hàm nghĩa này, không cần thêm Hiếu Đức."

Hiến Tông vừa nghe xong đã vô cùng giận giữ, hạ lệnh giáng chức, điều động Thôi Đàn tới Hồ Nam.

Bận tâm tới hai chữ "Hiếu Đức" như vậy, phải chăng Hiến Tông rất bận tâm, trăn trở về đạo đức, đạo làm con, hay chẳng qua bản thân ông "có tật giật mình"?

Vì thái độ bất thường trên, hậu thế càng thêm hoài nghi ông là chủ mưu trong cái chết khuất tất của người cha ruột là Đường Thuận Tông.

Án giết cha, hại mẹ của Hoàng đế bất hiếu nhất Đường triều - Ảnh 4.

Phải chăng, cái chết tức tưởi của Hiến Tông chính là "nhân quả" từ những hành động bất hiếu mà ông từng làm lúc sinh thời? (Ảnh minh họa).

Ngay sau khi cha ruột qua đời, Đường Hiến Tông đã vin vào cái cớ "bị phe hoạn quan gây sức ép", đuổi mẹ ruột khỏi hậu cung, ép bà chuyển tới cung Hưng Khánh ở phía đông nam Trường An.

Hưng Khánh cung nằm ở vùng ngoại ô hẻo lánh, lại là nơi Thuận Tông qua đời. Hiến Tông đưa Vương thị tới đây, chẳng khác nào muốn đẩy mẹ ruột vào cảnh túng thiếu, khổ đau.

Hơn nữa, lý do "bị phe cánh hoạn quan" gây sức ép nên phải "đuổi" mẫu thân quả thực không hề thuyết phục.

Năm đó, Hoàng đế đã 30 tuổi, nắm trong tay vô số thủ đoạn, mưu kế, hoàn toàn có khả năng đối phó với đám quyền thần, hoạn quan trong triều. Thân làm Thiên tử, lại không bảo vệ được mẹ ruột chỉ vì e sợ một đám thái giám. Hiến Tông dùng lý do này, chỉ e thiên hạ không phục!

Không chỉ vậy, sự việc Hiến Tông "đuổi" mẫu thân đi vào năm Nguyên Hòa thứ nhất (806). Nếu chỉ là việc làm bất đắc dĩ do bị gây sức ép, tại sao 10 năm sau đó, vị vua này không hề thăm mẹ lấy một lần?

Sử cũ ghi rõ, năm 816, Vương thị qua đời. Trong 10 năm Thái hậu sống tại Hưng Khánh cung, Hoàng đế Hiến Tông chưa một lần ghé thăm.

Có lẽ, bản thân Hiến Tông không hề muốn phụng dưỡng người mẹ này, hoặc giả, bởi chính tay ông đã hại chết cha mình, nên chẳng còn mặt mũi nào để đi gặp mẫu thân.

Bốn năm sau cái chết của mẹ ruột, Đường Hiến Tông qua đời ở tuổi 43 do bị hoạn quan Trần Hoằng Chí sát hại vào năm 820.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại